Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết từ ngày 4-8/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn dẫn đầu đoàn công tác của Việt Nam tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế ITB 2015 diễn ra tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ITB (Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức). Đây là hoạt động nằm trong Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia của du lịch Việt Nam trong năm 2015.
Du khách nước ngoài tham quan nhà cổ ông Kiệt tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Tại Hội chợ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trì, tổ chức xây dựng gian hàng trên diện tích 135m2 (tương đương 15 gian tiêu chuẩn) để giới thiệu các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường mục tiêu, đặc biệt là thị trường Đức nên lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đáng kể.
Năm 2014, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 7,874 triệu lượt, trong đó có 142.345 lượt khách Đức, tăng 45,7% so với năm 2013.
Hội chợ Du lịch quốc tế ITB 2015 được đánh giá là một trong những hội chợ quốc tế lớn và uy tín nhất về du lịch. Hội chợ sẽ là cơ hội để các đối tác kinh doanh gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm; đồng thời cũng là dịp để du khách tìm hiểu và lựa chọn điểm đến.
Năm nay, Hội chợ ITB tiếp tục có sự tham gia của gần 10.100 công ty lữ hành, công ty cung cấp dịch vụ đặt vé trực tuyến, công ty hàng không, tập đoàn khách sạn, công ty cho thuê xe và phương tiện giao thông vận tải khách, các điểm du lịch đến từ 186 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bên cạnh các triển lãm giới thiệu dịch vụ, sản phẩm du lịch, trong khuôn khổ ITB 2015 còn diễn ra các diễn đàn, hội thảo chuyên ngành du lịch; họp báo, thuyết trình sản phẩm; các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp với đối tác quốc tế và khách hàng để khai thác, phát triển du lịch, trong đó chú trọng các phương thức quảng bá nhằm thu hút du khách từ các trang mạng.
Tiếp đó, từ ngày 19-22/3, tại thành phố Gothenborg, Thụy Điển, sẽ diễn ra Hội chợ Bắc Âu về công nghiệp du lịch, dịch vụ lữ hành và tổ chức sự kiện (TUR 2015).
Sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tăng cường hợp tác phát triển, khai thác thị trường du lịch Bắc Âu bao gồm các nước Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan.
Những năm gần đây, Việt Nam luôn xác định thị trường Bắc Âu là một trong những thị trường trọng điểm, tiềm năng của du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang là thị trường mới nổi, điểm đến được nhiều công ty lữ hành Bắc Âu khai thác và có kế hoạch phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, TUR 2015 là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý, công ty lữ hành của Việt Nam tiếp cận và khai thác tiềm năng du lịch tại thị trường Bắc Âu, thúc đẩy tăng cường trao đổi khách giữa Việt Nam và Bắc Âu.
Nhằm tăng cường trao đổi khách du lịch giữa hai nước Việt Nam-Ấn Độ, từ ngày 23-25/4, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam tại Hội chợ thương mại và dịch vụ GES tại Ấn Độ.
Nhân dịp này, hai bên sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo du lịch Việt Nam-Ấn Độ tại Delhi, đồng thời giới thiệu du lịch Việt Nam tại hai thành phố Hyderabad và Chennai. Đây là dịp tốt để các địa phương xúc tiến hình ảnh, doanh nghiệp du lịch hai nước gặp gỡ, trao đổi hợp tác kinh doanh.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, Tổng cục Du lịch đã mời Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Hà Nội, Đà Nẵng, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tham gia gian hàng du lịch Việt Nam và dự các sự kiện khác tại Ấn Độ.
Trước đó, vào tháng 2/2015, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran đã phối hợp với hai công ty du lịch trong nước là Eviva và South Pacific lần đầu tiên tổ chức gian hàng Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế lần thứ 8 của Iran khai mạc ở thủ đô Tehran.
Ngay trong ngày đầu tiên của hội chợ, gian hàng Việt Nam với chủ đề "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận" đã thu hút đông đảo khách Iran tham quan và tìm hiểu về các cơ hội du lịch Việt Nam.
Đề cập tới định hướng phát triển thị trường quốc tế trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch cho biết du lịch Việt Nam sẽ tập trung vào “Thị trường ưu tiên marketing” gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, ASEAN, Australia và Newzealand; “Thị trường duy trì marketing” gồm các nước Tây Âu như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Bắc Âu, Bắc Mỹ; “Thị trường tiềm năng cần tập trung phát triển” gồm Ấn Độ, Trung Đông.
Du lịch Việt Nam sẽ phát triển theo mục tiêu xây dựng và quảng bá thương hiệu gắn với điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Thanh Giang
theo Vietnam+