Không có mấy cơ sở cho sự hưng phấn của cuộc đua lãi suất huy động trong thời gian tới. Một khả năng cũng cần tham khảo là mức lãi suất huy động 14% của Ngân hàng Phương Tây có thể đã là “đỉnh” của cuộc đua huy động tiền gửi lần này. Bởi trong động thái mới nhất, chính ngân hàng này đã tự rút lãi suất xuống 13,5%.
Không có mấy cơ sở cho sự hưng phấn của cuộc đua lãi suất huy động trong thời gian tới. Một khả năng cũng cần tham khảo là mức lãi suất huy động 14% của Ngân hàng Phương Tây có thể đã là “đỉnh” của cuộc đua huy động tiền gửi lần này. Bởi trong động thái mới nhất, chính ngân hàng này đã tự rút lãi suất xuống 13,5%.
Hai thời điểm khác biệt
Mỗi cơ chế mới đều dẫn đến một vài hệ quả nào đó. Vào tháng 9/2011, khi Ngân hàng nhà nước siết trần lãi suất huy động ở mức 14%, chính cơ quan này đã phải tiến hành hàng loạt biện pháp hành chính nhằm bảo đảm để không một ngân hàng nào dám xé rào vượt trần lãi suất, kể cả phải xử lý trường hợp ngân hàng HD Bank. Còn vào lần này thì sao?
Vào lần này, Ngân hàng nhà nước với cơ chế trần lãi suất mới đã để ngỏ loại kỳ hạn huy động trên 12 tháng. Như một phản ứng thường thấy, vào tuần đầu tiên triển khai trần lãi suất huy động 9%, một số ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng thương mại nhỏ, đã lao vào một cuộc đua không tuyên bố về nâng mức lãi suất huy động đối với kỳ hạn dài. Trong số đó, Ngân hàng Phương Tây vẫn là tổ chức tín dụng một lần nữa gây ồn ào với “đỉnh” lãi suất huy động được thiết lập ở mức đúng bằng trần lãi suất huy động vào tháng 9 năm ngoái: 14%.
Hệ quả bật ra là liệu cuộc đua mới này có dẫn đến một cuộc đua lan rộng hơn, kéo theo cả những ngân hàng thương mại lớn tham gia? Câu trả lời trước mắt là vẫn có thể xảy ra khả năng đó. ACB hay Techcombank - những ngân hàng tiềm năng nhất, cũng đã không thể quay mặt với mức lãi suất huy động 12% ở kỳ hạn dài. Và âu đó cũng là một cách để giữ khách hàng “phòng khi có biến” - một tâm lý hoàn toàn dễ hiểu và có thể cảm thông phần nào đối với các ngân hàng trong một cơ chế điều hành tín dụng chưa ổn định và có lẽ sẽ khó có được sự ổn định trong trung hạn.
Tuy thế, nét mới của hệ quả lần này là dường như cuộc đua nâng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi của khách hàng đã không tái hiện không khí mà nó đã từng hoành hành vào năm 2011.
Cần nhắc lại, sau thời kỳ phục hồi hậu khủng hoảng kinh tế vào năm 2009, năm 2010 đã trở thành mốc thời điểm khởi phát cho sóng tăng lãi suất huy động. Một số ngân hàng nhỏ, trong đó có Ngân hàng Phương Tây, đã dần đưa lãi suất huy động lên trên 10%. Sang năm 2011 và ngay sau khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ về siết tín dụng ban hành vào tháng 2 cùng năm, tốc độ đẩy cao lãi suất huy động lập tức tăng nhanh. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2011, tình hình lãi suất huy động đã biến chuyển hoàn toàn khó lường, với mức lãi suất nhảy lên đến gần 20%. Cá biệt, một số ngân hàng nhỏ còn mạnh tay huy động đến 23%.
Nhưng đó chính là thời kỳ mà tinh hình thanh khoản ngân hàng được đánh giá là “tồi tệ”. Tình hình như thế càng có chiều hướng xấu hơn khi liên tiếp diễn ra “sóng” tái cấu trúc ngân hàng. Hàng loạt ngân hàng nhỏ lẻ đã rơi vào tầm ngắm của những ngân hàng lớn hơn, lãi suất cho vay liên ngân hàng cũng bị đẩy lên cao hơn cả lãi suất huy động, có thời điểm lên đến gần 30%. Thanh khoản của nhiều ngân hàng nhỏ có xu hướng tiệm cận những mức giao dịch thấp nhất trong lịch sử của chúng… Tất cả những điều đó đã làm nên một sự khác biệt cơ bản so với tình thế hiện giờ.
Còn hiện nay, cơ chế bơm tiền trở lại của Ngân hàng nhà nước, với sự xác thực của thống đốc cơ quan này là 180.000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2012, đã khiến cho tình trạng thanh khoản của khối tổ chức tín dụng dụng được giải quyết ổn thỏa. Mà như vậy, ngoại trừ 9 ngân hàng nhỏ vẫn còn đang nằm trong kế hoạch sắp xếp lại của Ngân hàng nhà nước, những ngân hàng thuộc loại trung bình và đặc biệt là nhóm ngân hàng G14 đang không còn lệ thuộc vào nguồn cung tín dụng từ Ngân hàng nhà nước. Thậm, chí ngược lại, nhiều ngân hàng trung bình và lớn đã đổ tiền dôi dư vào trái phiếu như một biện pháp sinh lợi tình thế, trong bối cảnh khu vực sản xuất kinh doanh và các thị trường chưa có tín hiệu nào sáng sủa.
14% đã là “đỉnh”?
Có lẽ sự khác biệt trên đã làm cho thái độ của Ngân hàng nhà nước không trở nên “quyết liệt” như hồi tháng 9/2011. Vào lần này, bất chấp cuộc đua tăng lãi suất huy động có nguy cơ tái diễn và có thể gây nhiễu thị trường tín dụng, các quan chức của Ngân hàng nhà nước vẫn im lặng.
Nhưng chẳng mấy chốc sau sự ồn ào ban đầu, cuộc đua này có vẻ như lắng đọng hẳn.
Trong thực tế, đã có những xác nhận của giám đốc vài ba ngân hàng là sau khi trần lãi suất huy động 9% được áp dụng, đã không có mấy khách hàng chuyển tiền gửi từ ngắn hạn sang kỳ dài hạn trên 12 tháng. Chỉ có một thay đổi nho nhỏ là loại khách hàng gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng trước đây, mà loại này lại chiếm phần lớn trong tổng khách hàng, đã có dấu hiệu chuyển sang kỳ hạn tiền gửi từ 3-6 tháng. Hiện tượng này đã phản ánh tâm lý mặn mà của khách hàng đối với kênh tiết kiệm đang giảm dần, trong khi tâm lý chờ đợi để rút tiền tiết kiệm nhằm phục vụ tiêu dùng hoặc đầu tư lại có chiều hướng tăng dần.
Với quy định không được rút tiền trước thời hạn tại các kỳ hạn gửi tiền trên 12 tháng, bất kỳ động thái tiêu dùng hoặc đầu tư nào của khách hàng cũng đều bị hạn chế mạnh. Rất có thể, đó là lý do vì sao sau cơ chế áp dụng trần lãi suất huy động 9%, lượng tiền gửi ở kỳ hạn dài vẫn khá hạn chế, còn cuộc đua nâng lãi suất huy động tại một số ngân hàng nhỏ lại trở nên manh mún và có phần nào lạc điệu so với vận động tín dụng chung.
Cũng trong khoảng hơn một tháng qua, đã có những dấu hiệu, và trong thực tế đã được kiểm nghiệm, về việc một phần dòng tiền tiết kiệm có khuynh hướng được rút ra để chuyển sang kênh đầu tư khác. “Một phần” đó chiếm tỷ lệ bao nhiêu - không ai biết được và dĩ nhiên cũng chẳng có con số thống kê nào mô tả. Nhưng điều dễ hiểu hơn là khi thanh khoản khu vực tín dụng đang giảm tương đối so với mức tăng tương đối của khu vực tiêu dùng và đầu tư, dòng tiền từ ngân hàng đang chuyển hướng. Sự ấm lại của thị trường bất động sản giá rẻ tại một số địa bàn trong vài tháng qua có lẽ cũng phần nào chứng minh cho điều đó.
Cũng bởi thế, không có mấy cơ sở cho sự hưng phấn của cuộc đua lãi suất huy động trong thời gian tới. Một khả năng cũng cần tham khảo là mức lãi suất huy động 14% của Ngân hàng Phương Tây có thể đã là “đỉnh” của cuộc đua huy động tiền gửi lần này. Và trong diễn biến mới nhất, chính ngân hàng này đã hạ lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng xuống còn 12,5%/năm, từ mức 14%/năm. Trong khi đó, các ngân hàng khác đã lui dần khỏi 12% khi rút xuống 11 – 11,5%. Có vẻ như chưa ai sẵn sàng và dám thi gan đường dài cho cuộc đua mới.
Việt Thắng
Theo Vietnamnet