Sự kiện hot
12 năm trước

Đưa người mua dâm vào cơ sở chữa bệnh?

Chiều 30/5, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về dự thảo "Luật xử lý vi phạm hành chính". Phiên họp được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Chiều 30/5, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về dự thảo "Luật xử lý vi phạm hành chính". Phiên họp được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Ở dự thảo luật này, ý kiến đóng góp chủ yếu xoay quanh các vấn đề giới hạn mức phạt vi phạm hành chính, và một số trường hợp xử phạt cụ thể, như việc xử lý các đối tượng nghiện hút, gái mại dâm.

Một trong những điểm của dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính tạo nhiều tranh luận giữa các đại biểu là Điều 23 – Phạt tiền. Theo đó, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, đến 2 triệu đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác.

Mức phạt này được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu), khi mức sống được nâng lên, mức phạt cũ không còn tác dụng răn đe, phòng ngừa, dẫn đến việc các hành vi vi phạm diễn ra nhiều hơn, ngang nhiên hơn. Tuy nhiên, một số đại biểu khác cho rằng, mức phạt cần được cân nhắc và tính toán sát với thực tế, dựa vào thu nhập trung bình của người dân. Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) còn cảnh báo, “mức phạt cao chưa phải là biện pháp hữu hiệu để răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm mà còn có thể dẫn tới tiêu cực”.

Đồng tính với ý kiến này, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề xuất, mức phạt tiền tối đa cho cá nhân, tổ chức, cần cụ thể, tránh tình trạng xử lý tùy tiện của cơ quan chức năng. Các đại biểu đề xuất ý kiến này lo ngại, người vi phạm sẽ thỏa thuận với người xử phạt nộp mức tiền phạt thấp hơn quy định, do đó, dẫn tới tình trạng tiêu cực, đồng thời, tiền phạt không được đưa vào ngân sách Nhà nước như pháp luật quy định.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhưng ở trường hợp thu giữ hiện vật, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) đề xuất hạn chế tối đa việc thu giữ phương tiện. Vì việc này, có thể ảnh hưởng tới sinh kế của một số đối tượng trong xã hội.

Đối với trường hợp xử lý một số đối tượng nghiện hút, mại dâm, một số đại biểu đề xuất cần cân nhắc việc đưa các đối tượng vi phạm này vào các cơ sở giáo dục và chữa bệnh. Đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) đề xuất bỏ điều 95 và 96 trong dự thảo luật, vì các cơ sở khám chữa bệnh không có chức năng dạy nghề, có chăng chỉ là nghề y. Trong khi đó, các cơ sở này thường ở tình trạng quá tải mà phải thêm chức năng giáo dục là không khả thi, chưa nói tới việc có thể tồn tại các nguy cơ mất trật tự trị an.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, không nên đưa người bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh như một hình thức xử lý vi phạm. Nếu không, “khi đã đưa người bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh thì cũng phải đưa người mua dâm để đảm bảo tính công bằng của pháp luật”, đại biểu Đặng Thị Kim Chi đề xuất. 

Theo Đất Việt

Từ khóa: