Sự kiện hot
13 năm trước

Đua tăng lãi suất dài hạn, ngân hàng có gây loạn?

Ba ngày áp trần lãi suất huy động 9%/năm cho kỳ hạn dưới 12 tháng, nhiều ngân hàng đã gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Ba ngày áp trần lãi suất huy động 9%/năm cho kỳ hạn dưới 12 tháng, nhiều ngân hàng đã gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Ba ngày áp trần lãi suất huy động 9%/năm cho kỳ hạn dưới 12 tháng, nhiều ngân hàng đã gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Dù vậy, đường cong lãi suất được nhận định đã trở về đúng quy luật, và xu hướng tiến tới bỏ trần lãi suất chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức trần 9%/năm sẽ chỉ được áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 1-12 tháng. Còn đối với các kỳ hạn trung–dài hạn trên 12 tháng các ngân hàng được tự thỏa thuận mức lãi đối với khách hàng gửi tiền.

Ngân hàng đua tăng lãi suất kỳ hạn dài

Trong ngày 14/6, thị trường đón nhận thêm nhiều ngân hàng thương mại nâng lãi suất huy động VND. Khoảng cách giữa các thành viên nhanh chóng được rút ngắn.

Theo biểu lãi suất cập nhật mới nhất, tại Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), thay vì mức cao nhất 9%/năm trước đó vài ngày, đến 14/6, mức cao nhất đã có ở 12%/năm, áp cho kỳ hạn 12 tháng. Các mức 11% - 11,5%/năm cũng đã có ở các kỳ hạn từ 12 - 18 tháng.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa bổ sung sản phẩm “Tiền gửi lãi suất ưu đãi” với lãi suất cao hơn hẳn các sản phẩm trước đó, có từ 11% - 12%/năm áp cho các kỳ hạn dài (mức cao nhất trước đó chỉ là 9,5%/năm). 

Lãi suất kỳ hạn dài được đẩy tăng vọt (Ảnh minh họa). 

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Nam Á (NamABank), từ 13h chiều 14/6, mức cao nhất 11%/năm vừa qua đã được thay bằng 11,5%/năm, áp cho các kỳ hạn 12, 13, 18, 24 và 36 tháng. Còn Ngân hàng Kiên Long (Kienlong Bank), mức cao nhất 11%/năm vừa áp ngày 11/6 vừa qua cũng đã được thay bằng 12%/năm, có ở kỳ hạn 12, 18 và 24 tháng, bắt đầu áp dụng từ ngày 15/6. Cũng từ ngày 15/6, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng bắt đầu áp các mức 11,5% - 12%/năm cho các kỳ hạn từ 13 – 36 tháng.

Mức lãi suất huy động kỳ hạn dài cao nhất đến thời điểm này là 14%/năm tại Ngân hàng Phương Tây (Western Bank), áp dụng với sản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng, không được rút trước thời hạn.

Có thể nói, trong hai, ba ngày đầu áp trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng là 9%, các ngân hàng mới chỉ trưng biển lãi suất mang tính thăm dò và chủ yếu từ 9,5- 12%/năm, và cuộc đua tăng lãi suất kỳ hạn dài của các ngân hàng thực sự bắt đầu sau khi Western Bank chào lãi suất 14%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.

Chiểu theo quy định thì Western Bank không vi phạm khi quy định khách hàng không được rút trước hạn.

Ở một khía cạnh khác, nhiều nhận định cho thấy tín hiệu tích cực từ sự điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng. Đó là, sau hơn hai năm đường cong lãi suất tại các ngân hàng thương mại mới được thiết lập trở lại đúng theo quy luật, kỳ hạn gửi càng cao thì lãi suất cao, kỳ hạn ngắn lãi suất thấp.

Huy động lãi suất huy động kỳ hạn dài ở mức cao là hợp lý

Việc huy động lãi suất huy động kỳ hạn dài ở mức cao là hợp lý, để hút nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế hiện nay. Bởi theo quy định của NHNN, các ngân hàng thương mại chỉ được phép sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Trần lãi suất huy động sẽ được bỏ trong tương lai gần?  

Tuy nhiên, có một số lo ngại, khi các ngân hàng đua tăng lãi suất kỳ hạn dài thì càng khó để lãi suất vay giảm được như mong đợi. TS. Nguyễn Trí Hiếu còn đưa ra khuyến cáo, trong trường hợp các ngân hàng đua tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, cơ quan quản lý cần có sự giám sát và quản lý để tránh việc ngân hàng thương mại “lách” việc “thả nổi” lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng bằng cách cho phép khách hàng gửi kỳ hạn dài, hưởng mức lãi suất cao nhưng khi rút trước hạn vẫn không bị chịu mức phát lãi suất không kỳ hạn. Bên cạnh đó, nếu để xảy ra việc lách trần lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài sẽ làm cho đường cong lãi suất không đúng với thực tế, không thể hiện đúng lãi suất quân bình, mức cung cầu của thị trường.

Ngoài ra, với diễn biến lạm phát đang có xu hướng giảm dần và có thể lãi suất huy động còn tiếp tục giảm trong tương lai, thì huy động lãi suất 12 – 13%/năm cho kỳ hạn dài, ngân hàng có sợ lỗ?  Một số đại diện ngân hàng thương mại cho rằng, vẫn cần huy động được nhiều vốn cho kỳ hạn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu cho vay ra nền kinh tế. Mỗi ngân hàng nhìn nhận chính sách ở mỗi thời điểm khác nhau và đôi khi làm kinh doanh cũng phải đối đầu với rủi ro.

Điều đáng nói, theo giới chuyên gia ngân hàng thì việc cho phép thỏa thuận lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng cũng được xem là tiền đề cho việc tiến tới bỏ trần lãi suất huy động trong tương lai gần.

Bỏ trần lãi suất không còn xa

Về việc cho phép thỏa thuận lãi suất đối với kỳ hạn trên 1 năm và chỉ đặt trần lãi suất huy động 9% với các kỳ hạn dưới 12 tháng, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng đây là quyết định đúng đắn của NHNN và đây sẽ là tiền đề cho việc bỏ trần lãi suất về sau. Ông Thành giải thích trong 12 tháng tới lạm phát dự đoán 6% thì việc trần huy động 9% sẽ khiến người gửi tiền vẫn có lãi thực dương, nhưng năm 2013 và những năm về sau, thị trường không biết lạm phát bao nhiêu % do đó NHNN mở trần để thêm room cho tín dụng, việc này sẽ khiến dòng vốn tiết kiệm được giữ chân tại ngân hàng mà không bị rút vốn ồ ạt trong ngắn hạn. Điều này cũng sẽ là thước đo lòng tin của dân chúng vào các chính sách điều hành của NHNN và Chính phủ.

Một chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đưa ra nhận định: “Muốn đường cong lãi suất thể hiện đúng mức cung cầu thì phải để thả nổi lãi suất. Bởi khi còn áp dụng trần lãi suát, người gửi tiền vẫn có tâm lý “đàm phán” về được hưởng lãi suất cao. Và việc NHNN cho phép các ngân hàng được thỏa thuận lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có thể tạo ra bước đi ban đầu của tự do hóa lãi suất. Động thái này cho thấy NHNN rất nghiêm túc trong việc thực hiện lộ trình để cho cơ chế thị trường vận hành. Và thời điểm dỡ bỏ trần lãi suất không còn xa”.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã tốt lên, lãi suất đã giảm mạnh, chính vì vậy một số chuyên gia kinh tế cho rằng nên gỡ bỏ trần lãi suất huy động để tạo nền tảng cho việc hạ nhiệt lãi suất cho vay. Cơ quan quản lý đang cân nhắc để chọn thời điểm thích hợp.

Kim Chi
theo VTC News

Từ khóa: