Sự kiện hot
7 năm trước

Đức Phúc là nạn nhân của một xã hội coi trọng vẻ bề ngoài

Phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành một từ khóa nóng trên mạng xã hội trong thời gian qua. Việc Đức Phúc phẫu thuật đẹp như "Soái ca" trở thành tâm điểm trên mặt báo. Và các cuộc tranh cãi về chuyện dao kéo vẫn chưa có hồi kết.

Về lịch sử ra đời, ban đầu phẫu thuật thẩm mỹ được dùng nhiều trong quân đội. Thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất số lượng người chết và chấn thương xảy ra ở phạm vi lớn chưa từng có. Các bác sĩ được yêu cầu điều trị vết thương, phẫu thuật chỉnh hình để các thương binh có thể hòa nhập với cuộc sống. Thời kỳ sau, phẫu thuật thẩm mỹ mới được các sao Hollywood tận dụng để cải thiện nhan sắc. Và cho đến nay, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở nên phổ biến.

Marilyn Monroe năm 1945 (trái) và Marilyn Monroe những năm 1950 (phải) sau khi thực hiện cuộc phẫu thuật chỉnh sửa cằm vào năm 1949.

Ngày nay, mục đích của việc phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ để sửa chữa những vết thương do chiến tranh gây ra nữa, mà là thay đổi chính những đặc điểm tự nhiên của khuôn mặt hay cơ thể. Tất nhiên những bộ phận cần “tân trang” hay “cắt gọt” này được coi là khiếm khuyết trong con mắt chủ nhân của chúng, và đôi khi đối với cả người ngoài.

Thế nào là xấu? Thế nào là đẹp?

Khi còn nhỏ, đứa bé nào soi gương cũng thấy mình là những công chúa, hoàng tử. Chúng chưa hình thành khái niệm xấu, đẹp để phải tự dằn vặt bản thân xem cái mũi mình đã cao chưa, mắt mình một mí hay hai mí. Chỉ cho đến khi nghe được những lời khen chê, so sánh của người khác chúng ta mới dần dần hình thành quy chuẩn về xấu, đẹp và tự xếp hạng bản thân trên thước đo nhan sắc mà người khác quy định.

Trong quá trình toàn cầu hóa, chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều về chuẩn cái đẹp của phương Tây. “Khuôn trăng đầy đặn” đến lúc phải nhường chỗ cho mặt V-line thon gọn. Hàm răng trắng bóng đã thay thế cho “nụ cười tỏa nắng” của các cô hàng xén răng đen. Nói vậy để thấy, những khái niệm xấu – đẹp luôn thay đổi theo thời gian. Ở những khu vực khác nhau cái chuẩn này cũng hoàn toàn khác nhau, chưa kể đẹp – xấu ra sao còn phụ thuộc vào đôi mắt người nhìn.

Tuy vậy, xã hội vẫn sử dụng những chuẩn này như một điểm cộng khi đánh giá con người. Ví dụ, với 2 người có trình độ ngang nhau thì khả năng người có ngoại hình “được cho là đẹp hơn” sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Trong nhiều tình huống hằng ngày, những người “được coi là đẹp hơn” cũng thường nhận được nhiều ưu ái. Các cuộc thi hoa hậu cũng áp dụng những chuẩn đẹp của phương Tây như chiều cao, số đo ba vòng làm tiêu chuẩn đánh giá.

Với tài năng của mình, Đức Phúc vẫn không tự tin đứng trong làng giải trí nếu không có một khuôn mặt đẹp. Trong một cuộc phỏng vấn khi phóng viên hỏi: "Hỏi thật, những lời chê bai thậm tệ của khán giả có phải là tác nhân khiến anh "đập mặt xây lại”?". Đức Phúc đã thành thật trả lời: "Nếu gọi họ là nguyên nhân khiến tôi tuyệt vọng, bế tắc hẳn thì không, nhưng vẫn có sự tác động. Như chia sẻ trước đó, tôi chưa từng có ý định chỉnh sửa bất cứ thứ gì trên cơ thể của mình, nhưng những gì họ nói khiến tôi suy nghĩ."

Đức Phúc phẫu thuật xong "chuẩn" như trai Hàn (Ảnh: ngoisao.net)

Do đó, nhiều người tự đánh giá bản thân là “lệch chuẩn” đã tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để chỉnh sửa sao cho “đúng chuẩn”. Công cuộc “tìm đến với cái đẹp” này giống như một cuộc đua mà đích đến là sự tự tin, sự yêu thương của những người xung quanh, là thành công và hạnh phúc. Người ta sẵn sàng vứt bỏ bản sắc riêng của mình để chạy theo một thứ được coi là chuẩn, dù có phải đánh đổi bằng sức khỏe và những rủi ro không lường trước.

Những người tìm đến với phẫu thuật thẩm mỹ, thật ra họ là nạn nhân của một hệ thống xã hội đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Khi nào hệ thống về chuẩn mực đó vẫn còn tồn tại, người ta vẫn sẽ tìm đến với phẫu thuật thẩm mỹ để mong đổi đời.

“Trong cuộc chạy đua với thời gian và truy tìm tuổi trẻ, người ta luôn là kẻ thua cuộc, dù có căng da, hút mỡ, bơm botox đến bao nhiêu lần. Các “thiên nga” không thể “mãi mãi xinh đẹp”. Phẫu thuật thẩm mỹ là một sự hủy hoại bản thân, xuất phát từ sự chối bỏ cơ thể mình, chạy trốn những năm tháng mình đã sống, phần đời mình đã trải qua. Nhưng từ chối con người mình cũng là từ chối khả năng thấu hiểu cuộc đời, bao gồm cả sự tổn thương, tính vô thường, và cái chết. Sự khước từ này biến cuộc sống tại đây và lúc này thành một địa ngục trần gian mà không dao kéo này có thể giải thoát được.”

(Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang)

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Minh An
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: