Sự kiện hot
7 năm trước

Đừng bao giờ giao con - tài sản quý nhất đời mình cho người lạ

Không ai chăm con tốt bằng mẹ, vì thế đừng bao giờ giao con – tài sản quý nhất đời mình cho người lạ.

Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ xảy ra gần đây mà thủ phạm lại chính là những người đảm nhận chăm sóc trẻ khiến nhiều người không khỏi hoang mang, bàng hoàng. Từ người giúp việc, bảo mẫu, đến giáo viên mầm non và mới đây là vụ việc bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị chính bố đẻ và mẹ kế bạo hành. Những người đáng lẽ ra phải yêu thương trẻ lại có những hành động nhẫn tâm, dã man và đáng lên án.

Sau thời gian nghỉ thai sản 6 tháng, người mẹ sẽ phải quay trở lại công việc. Nhiều gia đình không có ông bà giúp đỡ, thì chỉ còn cách thuê người giúp việc chăm trẻ, gửi trẻ ở trường mầm non hoặc mẹ ở nhà chăm con. Chọn phương án nào thì còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình và sự sáng suốt của người mẹ.

Không ai chăm con tốt bằng mẹ

Chị Võ Phương My (hiện sống tại Áo) cho biết luật của Áo bắt buộc người mẹ phải ở nhà ít nhất với con 1 năm đầu đời, và có thể kéo dài đến 3 năm. Sau đó người mẹ mẹ có thể trở lại đi làm công việc trước đó đã làm. Điều tuyệt vời ở đây là trong thời gian nghỉ ở nhà chăm con, nhà nước vẫn trả lương cho người mẹ. Do chế độ cho mẹ ở nhà chăm con khá tốt như vậy, nên ngay từ khi mang thai, chị My đã xác định sẽ ở nhà chăm và nuôi dạy con 2 năm đầu đời.

Chị Võ Phương My cùng con trai.

Được biết, ở đất nước chị My đang sinh sống, rất ít gia đình thuê người giúp việc trông trẻ, bởi chế độ ưu đãi dành cho các bà mẹ nghỉ làm chăm con khá tốt. Người mẹ không bị gánh nặng quá nhiều về tài chính nên có thể toàn tâm toàn ý ở nhà nuôi dạy con.

Con trai chị Phương My.

Khi được hỏi về việc có hay không tin tưởng người ngoài chăm sóc bé, chị My khẳng định: “Mình không tin tưởng người ngoài chăm sóc con, vì chỉ có mẹ mới hiểu con, chăm sóc con tốt nhất mà thôi. Trường hợp bất khả kháng, mẹ không thể chăm con được mẹ nên chọn người đáng tin cậy. Tất nhiên ai tiếp xúc nhiều với bé thì bé sẽ yêu mến người đó nhiều hơn. Nếu như mẹ bận việc không ở bên con cả ngày được thì tối về cố gắng chơi với con nhiều nhất có thể để kết nối hai mẹ con với nhau”.

Giống như chị Phương My, chị Hồng Anh (hiện sống tại Dubai) cũng có thuận lợi là được ở nhà chăm và nuôi con, không bị đẩy vào “tình thế” phải thuê người giúp việc. Chị chia sẻ: “Mình muốn dùng những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm và trình độ của chính mình để nuôi dạy con. Với 1 đứa trẻ nền tảng đầu đời vô cùng quan trọng, tính cách, nhân cách sẽ được hình thành từ nền tảng đó. Nên nếu thuê người giúp việc mà người đó có nhiều hạn chế về kiến thức, trình độ, thói quen, văn hóa về chăm sóc, nuôi dạy con thì mình thấy không hợp lý, và mang đầy tính hên xui cho con. Nếu may gặp được người giúp việc ổn thì con mình đỡ hơn, nhưng gặp người giúp việc không tốt thì quả là tai hại cho con. Quả thực mình không muốn nuôi con theo kiểu hên xui và tới đâu thì tới.

Mẹ ở nhà chăm con thường hay vấp phải định kiến là ăn bám. Cũng có nhiều mẹ không nhận được sự thấu hiểu, thông cảm từ người thân nên buộc phải đi làm mặc dù không quá khó khăn về kinh tế. Người mẹ nào thì cũng muốn điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên nhiều mẹ không được gia đình ủng hộ hoặc không vượt qua được định kiến thì đành gửi con đi nhà trẻ sớm hoặc thuê người giúp việc chăm con mình.

Chỉ khi nào xã hội có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của giáo dục những năm đầu đời, của vai trò người mẹ thì vấn đề thuê giúp việc hay mẹ ở nhà chăm con mới có đáp án được”.

Chị Nguyễn Hồng Anh chia sẻ phần lớn phụ nữ ở Dubai thường tự tay nuôi nấng dạy dỗ con cái, chỉ thuê người giúp việc làm việc nhà nếu cần.

Chị Hồng Anh chia sẻ ở Dubai, đa số người phụ nữ sẽ ở nhà chăm con tới khi bé 1,5 hoặc 2 tuổi - độ tuổi đủ yên tâm để cho đi nhà trẻ. Nhưng có nhiều trường hợp sau đó mẹ lại sinh tiếp bé thứ hai và lại tiếp tục ở nhà. Đa số quan điểm rằng nuôi con chỉ mất vài năm nhưng đi làm có thể cả đời. “Họ ở nhà nhưng có điều kiện vẫn thuê giúp việc giúp đỡ việc nhà, còn nuôi nấng dạy dỗ con cái thì họ tự làm”, chị Hồng Anh nói.

Trong khi đó, chị Jasmine Tran (hiện sống tại Mỹ) chia sẻ chưa từng thuê người giúp việc. Tại nơi chị sinh sống, các gia đình ít thuê người giúp việc, nếu có thì chỉ thuê theo giờ và công việc chỉ là dọn dẹp nhà cửa. Chị cho biết mẹ Mỹ cũng quay trở lại đi làm sớm và khi đó các em bé được gửi vào trường mầm non. Nhiều trường bên Mỹ nhận bé từ sơ sinh, mẹ có thể hút sữa và gửi nhà trường để cho bé ăn.

Chị Jasmine Tran hiện sống tại Mỹ.

Nếu phải đối diện với việc trở lại làm sớm và không thể nhờ ai trông con, chị Jasmine Tran sẽ chọn lựa gửi ở trường, chứ không thuê người giúp việc. Chị cho biết các cô giáo trường mầm non ở đây có kỹ năng, bằng cấp và được học cách sơ cứu bé nếu có vấn đề xảy ra. Các mẹ Mỹ cũng rất cẩn thận trong việc xem xét, chọn trường cho con. Họ sẽ tham quan rất nhiều trường cùng lúc và từ đó so sánh, đánh giá, nhận xét theo tiêu chí nào phù hợp rồi mới chọn. Nếu gửi dạng homecare - cơ sở trông giữ trẻ ở nhà thì phải tìm hiểu có đủ bằng cấp chứng nhận và cho phép thì mới gửi con ở đó.

Nếu không không bị áp lực về kinh tế gia đình, mẹ có thể tìm giải pháp về làm việc bán thời gian tạm thời để có nhiều thời gian gần con hơn. Vì chắc chắn chẳng ai chăm con tốt bằng mẹ được.

Cũng có nhiều trường hợp mẹ đi làm, để cho người khác trông con, dẫn đến con bám người giúp việc hơn cả bám mẹ. Cá nhân chị Jasmine Tran thấy đây không phải là một điều tốt đối với sự phát triển bình thường của 1 đứa bé.

Tình thương và sự gắn kết giữa mẹ và bé luôn là điều thiêng liêng và hết sức tuyệt vời. Tuổi thơ bé rất ngắn. Chẳng mấy chốc mà bé đã lớn và vụt khỏi tầm tay mẹ. Khi ấy những cái ôm, cái vỗ về, hay vuốt ve của mẹ và bé đâu còn nữa. Những hôm con quấy, khóc do bệnh, mệt, rơi vào tuần khủng hoảng hoặc chỉ đơn giản là con cần hơi ấm của mẹ, thì mẹ dù có mệt cũng vẫn là nơi con cần tìm nhất. Với một người mẹ, sợi dây liên kết tình mẫu tử là không gì thay thế được. Mẹ vốn là nền tảng và là tình yêu đầu đời của con, nên nếu để đánh đổi, thay thế mẹ bằng ông bà hay người chăm sóc khác, thì em bé đó thật thiệt thòi.

Kinh nghiệm thuê người giúp việc

Nếu điều kiện và hoàn cảnh cho phép thì mẹ ở nhà chăm con là phương án hoàn hảo nhất. Nhưng nếu bất đắc dĩ phải thuê người giúp việc thì sao. Chị Vũ Thị Phương Ánh (sống tại Singapore) đưa ra lời khuyên khi mẹ buộc phải thuê người giúp việc chăm con.

Chị Vũ Thị Phương Ánh cùng chồng và con trai.

Theo chị Ánh, trước khi quyết định có con, hãy lường trước mọi biến cố/rủi ro/ thử thách, và liệu rằng khi đối mặt với nó, người mẹ có vượt qua không? Để làm được điều này thì cần siêng năng học hỏi những người đã làm mẹ, họ luôn sẵn lòng chia sẻ với bạn rằng họ đã gặp khó khăn gì. Những khó khăn mà người mẹ phải đối mặt như cơm áo gạo tiền, khó khăn nuôi con bằng sữa mẹ, trầm cảm sau sinh... Hãy liệt kê hết ra và thử tìm cách giải quyết từng cái một. Nếu mình chưa sẵn sàng giải quyết được, thì đừng vội có con. Đừng để một phút nông nỗi có con ngoài ý muốn, rồi lúng túng không biết nuôi con thế nào. Một người phụ nữ có tầm nhìn đủ xa sẽ điều khiển được cuộc sống của mình thay vì để đời xô đẩy.

Khi đối mặt với sự lựa chọn phải đi làm, hãy đặt ra câu hỏi: Lí do thật sự mình đi làm có phải là do hoàn cảnh quá khó khăn đến nỗi nếu không đi làm thì sẽ đói? Hay chỉ là mình sợ mất việc, hoặc muốn tăng thu nhập để chi tiêu thoải mái hơn? Nếu là lí do 1, thì khoan quyết định có con. Nếu là lí do 2, thì người mẹ có thể ở nhà với con khoảng 2-3 năm đầu tiên.

Khi thuê người giúp việc, có một số nguyên tắc nên tuân theo.

Khi thuê người giúp việc chăm con mình, cần tuân theo các nguyên tắc sau:

1. Khi thuê người giúp việc, nên chọn người được người thân thiết của mình giới thiệu, chứ không phải người tự xin việc.

2. Phải có các quy tắc được viết trong hợp đồng rõ ràng. Nên tham khảo thêm từ các gia đình có kinh nghiệm thuê người giúp việc. Thử xem trong quá trình sống chung và làm việc thường xảy ra vấn đề gì không mong muốn, từ đó chọn lọc và viết trong hợp đồng cam kết.

3. Thái độ của người chủ nhà rất quan trọng. Hãy xem người giúp việc như người nhà trong gia đình. Ăn uống, đi chơi, tiệc tùng...hãy để họ được đi cùng, ăn cùng, thay vì phân biệt.

4. Phải liên tục ngồi xuống phản hồi với nhau mỗi tuần. Lắng nghe nhau xem trong 1 tuần vừa qua có gì không thoải mái. Để họ được tâm sự, được nói lên những điều họ mong muốn. Chăm bé có cực quá không? Việc nhà có nhiều quá không?

5. Nếu được thì nên có thêm 1 người thân ở trong nhà, phòng trường hợp người giúp việc có ý xấu với trẻ.

6. Đừng quan trọng việc nhà phải kĩ lưỡng, để người giúp việc toàn tâm toàn ý lo cho bé. Nếu có điều kiện hơn nữa thì nên thuê 2 người giúp việc: 1 người chăm bé và 1 người làm việc nhà

7. Nhờ những người hàng xóm xung quanh trông coi nhà giúp. Có hay nghe bé khóc không? Có hay nghe những tiếng chửi bới trong nhà không?

Hiền Thu - (Ảnh: NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: