Sự kiện hot
12 năm trước

Đừng biến quy định thành đồ... trang trí

Luật không sát thực tế, Nghị định chờ thông tư, thông tư chờ có đoàn thanh tra kiểm tra mới có thể đi vào thực hiện là “tình cảnh” của một số văn bản pháp luật đã được ban hành.

Luật không sát thực tế, Nghị định chờ thông tư, thông tư chờ có đoàn thanh tra kiểm tra mới có thể đi vào thực hiện là “tình cảnh” của một số văn bản pháp luật đã được ban hành.

Mới đây nhất, Nghị định 52 về phòng cháy chữa cháy với mức phạt từ 2-5 triệu đồng nếu sử dụng điện thoại di động ở cây xăng đã được ban hành nhưng lại rơi vào tình cảnh chung: Có Nghị định nhưng chưa biết ai phạt.

Có Nghị định nhưng chưa biết ai phạt

Nghị định 52/2012/NĐ-CP (thay thế cho Nghị định số 123/2005/NĐ-CP ngày 5-10-2005) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy sẽ chính thức có hiệu lực thi hành và được áp dụng từ ngày 5-8.

Theo Nghị định này một điểm đáng chú ý là hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng sẽ bị phạt từ 2-5 triệu đồng. Theo quy định, cửa hàng bán lẻ xăng dầu là một trong những khu vực buộc phải đặt biển báo cấm sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động và các thiết bị điện tử, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Do vậy, việc sử dụng điện thoại di động tại các trạm bán xăng là vi phạm quy định và bị phạt nặng. Nhưng trao đổi với Thanh tra Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, dù nghị định đã ban hành nhưng vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, Sở cũng đã ban hành một văn bản đến các cơ quan để hướng dẫn thi hành Nghị định trong khi chờ Thông tư của Chính phủ. Vì theo quy định trong Nghị định 52, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hoặc các lực lượng khác được phân công theo thẩm quyền sẽ thực hiện việc bắt “quả tang” hành vi sử dụng điện thoại di động, lập biên bản và ra quyết định xử phạt. Nhưng theo ý kiến của một số nhà quản lý và người dân, việc thực hiện xử phạt đối với người có hành vi sử dụng điện thoại tại trạm xăng sẽ gặp nhiều khó khăn vì hành động nghe điện thoại diễn ra rất nhanh, rất khó để bắt quả tang.

Hơn nữa không thể có đủ lực lượng để bố trí trực tại tất cả các cây xăng. Nếu giao cho “lực lượng khác” thì đó là lực lượng nào và nếu như những người bán xăng thực hiện việc bắt giữ và xử phạt thì hết sức phức tạp và khó thực hiện. Việc đó chẳng khác nào trường hợp quy định xử phạt đối với người hút thuốc lá nơi công cộng nhưng cho đến nay quy định này vẫn chỉ là quy định chỉ cho có, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng là phổ biến mà chẳng có ai xử phạt.

Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết: Theo quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính thì khi phát hiện hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn phường, lực lượng chức năng của phường phải lập biên bản. Nếu vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì người đó phải gửi biên bản đến người có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt theo đúng quy định. Với trình tự như vậy, sẽ rất khó thực hiện xử phạt người dùng điện thoại tại các cây xăng, bởi theo quy định của Nghị định 52, khi phát hiện hành vi vi phạm trên, người dân, nhân viên bán xăng dầu có thể báo UBND phường, hoặc công an phường đến lập biên bản. Tuy nhiên, những hành vi dùng điện thoại tại các cây xăng thường diễn ra rất nhanh, khi lực lượng chức năng đến cũng khó xử lý.

Cấm nhưng sim đã kích hoạt vẫn bán tràn lan

Không giống như Nghị định 52, Thông tư 04 là văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20-9-2011 của Chính phủ. Theo đó từ ngày 1-6, nếu mua bán sim đã kích hoạt thì sẽ bị phạt hành chính từ 200.000-500.000 đồng. Nhưng sau giờ G, tức là sau ngày 1-6, việc mua bán sim đã kích hoạt dù không được quảng cáo rầm rộ như trước nhưng vẫn hết sức sôi động và giá cả có phần... leo thang. Chẳng hạn, trước 1-6 giá SIM sinh viên của VinaPhone và MobiFone được kích hoạt có giá bán là 40.000 đồng thì sau ngày 1-6 lên 60.000 đồng. Một chủ đại lý trên đường Nguyễn Thái Học cho biết, vì lo ngại nguồn cung bị các nhà mạng siết chặt nên giá SIM được đẩy lên. Chủ đại lý này cũng nói, biết quy định cấm bán SIM đã kích hoạt, thế nhưng cả thị trường vẫn bán thì chả có lý gì họ lại ngừng bán. Khi được hỏi về Thông tư 04, nhiều chủ đại lý đều cho rằng: "Nhân viên kinh doanh của các chi nhánh vùng của nhà mạng cũng đã phổ biến, hướng dẫn đầy đủ các thủ tục pháp lý khi bán sim thẻ mới. Nhưng về bản chất thì ai cũng phải sống, mình vẫn phải bán SIM khi khách cần, nhà mạng cũng vẫn cần có doanh số và phát triển thuê bao mới. Cơ quan chức năng có tăng cường quản lý thì cũng mới ở mức vĩ mô thôi, chưa thể sát sao ngay trong ngày một ngày hai được đâu".

Khoảng cách từ luật đến thực tế còn quá xa

Tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn xa với thực tế, khó áp dụng và không khả thi khiến văn bản chỉ nằm trên giấy là thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay. Ngay trên bàn nghị sự Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên, ngoài luật ống, luật khung, chúng ta còn có cả luật “né” nữa. Bởi cách ban hành văn bản của chúng ta quá phụ thuộc vào văn bản dưới luật.

Ở nước ta hiện nay, hiện đang tồn tại các văn bản luật chưa đạt đến một sự điều chỉnh cụ thể, rõ ràng và đầy đủ đến mức cần thiết, do vậy chưa thể áp dụng ngay vào thực tiễn. Do đó, cần có các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý thấp hơn quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Điều đó khiến nhiều người cho rằng, luật hay nhiều loại văn bản ban hành cho có và nó sẽ để lại hệ quả là tạo ra một hệ thống pháp luật gồm nhiều tầng nấc, nhiều cấp độ văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý khác nhau, khiến người dân nhiều khi rất mông lung, không biết áp dụng theo đường hướng nào. Không những thế kiểu ban hành văn bản xong để đấy đã làm giảm đi sự nghiêm minh của pháp luật.

Có quy định thì phải thực hiện

Anh Phạm Văn Trường (Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: “Tôi có biết quy định xử phạt khi nghe điện thoại di động tại cây xăng qua báo chí. Trước đấy, theo quan sát của tôi thì không phải cây xăng nào cũng có biển cấm nghe điện thoại. Tôi thấy nhiều người mua xăng vẫn sử dụng điện thoại bình thường tại điểm bán xăng mà không có ai nhắc nhở, thậm chí ngay cả nhân viên bán xăng cũng vô tư dùng điện thoại di động. Tôi e rằng lệnh cấm lần này chắc sẽ khó thực hiện hiệu quả”.

Thực tế hiện nay, khi có một văn bản quy phạm pháp luật nào, người dân thường chỉ biết qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó lực lượng chức năng xử phạt hành chính lại quá mỏng, không thể bao quát hết lĩnh vực quản lý. Chẳng hạn như với quy định đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi tham gia giao thông... lực lượng cảnh sát giao thông đã bố trí nhiều chốt chặn nhưng trên thực tế là vẫn không xử phạt hết. Hay như mới đây nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm. Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ. Thông tư được ban hành nhưng có vẻ như rất khó được thực hiện trong thực tế, các ngành, các cấp vẫn quay trước quay sau vì lúng túng không biết ai sẽ xử phạt và làm sao phạt cho có hiệu quả.

Việc xử phạt các vi phạm hành chính nếu căn cứ theo Nghị định, Thông tư quả là một bài toán khó giải đối với các cơ quan chức năng. Sau khi ban hành Nghị định, thường phải 6 tháng sau mới ban hành Thông tư, hướng dẫn thực hiện Nghị định. Có Thông tư, thanh tra các ngành chức năng mới có cơ sở đi kiểm tra, phát hiện sai phạm mới thực hiện xử phạt, đó là một quá trình quá dài và Nghị định trở thành một vật trang trí trong thời gian chờ Thông tư. Vì vậy để thực hiện nghiêm các quy định, cần phải nhanh chóng có những biện pháp cụ thể, siết chặt quản lý và thực hiện luôn các hình thức xử lý khi có một văn bản mới, không nhất thiết phải chờ đến Thông tư hướng dẫn. 

Châu Anh
theo ANTĐ

Từ khóa: