Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tài chính, các khoản thanh toán này phải trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro một cách hợp lý.
Làm rõ mức độ hoàn thành công việc chuẩn bị dự án của Bitexco
Bitexco đã được giao lập Đề xuất Dự án Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây theo hình thức PPP từ năm 2007; lập dự án đầu tư từ năm 2008; và năm 2012 được chỉ định làm nhà đầu tư thứ nhất, giữ 60% cổ phần doanh nghiệp dự án. Bitexco không chỉ là nhà đầu tư của giai đoạn chuẩn bị dự án (nhà đầu tư đề xuất dự án), mà còn là nhà đầu tư của giai đoạn thực hiện và giai đoạn khai thác, vận hành Dự án nếu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thứ hai thành công.
Tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ về Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (NQ 20), Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt việc chỉ định Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện Dự án Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chủ trì xác định chi phí chuẩn bị Dự án Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và chi phí cơ hội cho Bitexco, đàm phán theo 2 phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Phương án 1 là Bitexco không tiếp tục tham gia Dự án thì Nhà nước thanh toán chi phí chuẩn bị Dự án và chi phí cơ hội. Phương án 2 là Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì được ưu đãi theo quy định và chi phí chuẩn bị Dự án sẽ được Nhà nước thanh toán ngay sau khi có kết quả đấu thầu.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, chi phí chuẩn bị đầu tư là những khoản chi phí đã được Bitexco sử dụng nguồn vốn tự có để chi trả, thực hiện từ đầu Dự án đến nay theo nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao (2007 - 2018), gồm chi phí quản lý của Bitexco và chi phí tư vấn, dịch vụ. Tổng chi phí chuẩn bị đầu tư của Bitexco được tính là 84,183 tỷ đồng, đã bao gồm thuế VAT.
Tham gia góp ý về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên khi xác định chi phí chuẩn bị Dự án cho Bitexco, Bộ GTVT cần chịu trách nhiệm xác định cụ thể các nội dung công việc và mức độ hoàn thành công việc chuẩn bị Dự án... Đối với các nội dung công việc, sản phẩm nghiên cứu do Bitexco thực hiện được Bộ GTVT đánh giá có thể tiếp tục sử dụng, cập nhật vào báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) của Dự án, Bộ GTVT tính toán, tổng hợp phần chi phí thực tế do Bitexco đã thực hiện để chuẩn bị Dự án trên cơ sở đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ và đầy đủ của các hồ sơ, chứng từ chứng minh có liên quan và không vượt quá giá trị khối lượng công việc hoàn thành. Đối với phần chi phí đã thực hiện các nội dung công việc, sản phẩm nhưng không tiếp tục sử dụng trong quá trình lập, phê duyệt BCNCKT của Dự án, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau khi đàm phán và thống nhất với Bitexco về phương án thanh toán phần chi phí đã thực hiện trên nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro giữa các bên.
Đề xuất cách tính chi phí cơ hội khác
Về chi phí cơ hội, theo báo cáo của Bộ GTVT, thực hiện NQ 20, Bitexco đã thuê đơn vị tư vấn là Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam tính toán, xác định cụ thể chi phí cơ hội là 104,623 tỷ đồng dựa trên lợi nhuận bình quân gia quyền của nhà đầu tư giai đoạn 2007 - 2018. Tỷ suất lợi nhuận bình quân gia quyền của Bitexco được xác định tương đương 14%/năm.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiện nay không có văn bản pháp lý quy định về khái niệm, phương pháp xác định, tính toán chi phí cơ hội trong trường hợp nhà đầu tư được giao nhiệm vụ thực hiện dự án đầu tư song phải tạm dừng, không tiếp tục triển khai.
Bộ Tài chính nêu quan điểm, để đảm bảo tính hợp lý và hài hòa lợi ích với mức độ chia sẻ rủi ro của các bên có thể chấp nhận được, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, tính toán phần chi phí cơ hội theo nguyên tắc dựa trên mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng thương mại đối với phần chi phí thực tế của nhà đầu tư đã thanh toán, đàm phán với Bitexco làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ GTVT bổ sung đánh giá phương án 2 trong trường hợp Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Minh Thư
Theo Đấu thầu