"Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng phải vững mạnh, hiệu quả mới có thể hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Bởi vậy, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là việc làm cần thiết, trong đó nâng cao năng lực quản trị, tính minh bạch của các ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế là vô cùng quan trọng", TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ.
Mặc dù toàn bộ nền kinh tế cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, thế nhưng dường như hầu hết quan tâm chú ý đều đổ dồn vào hệ thống ngân hàng. Tại sao vậy, thưa ông? Đâu là nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng phải tái cơ cấu?
Ngành ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng do quy mô của thị trường chứng khoán còn nhỏ. Thị trường chứng khoán chưa trở thành kênh huy động vốn, trong khi đây là nhiệm vụ chính.
Xét về tổng thể, do một hệ thống tài chính không cân bằng giữa thị trường trái phiếu, cổ phiếu, vốn nợ, vốn chủ sở hữu (ngắn hạn, dài hạn)…, do vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam đóng một vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội. Sự lành mạnh, phát triển của hệ thống ngân hàng có yếu tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế.
"Trong bối cảnh hiện nay, hai nhiệm vụ rất quan trọng nếu ngành ngân hàng thực hiện được nhanh từ nay đến năm 2020 là xử lý nợ xấu và dứt điểm các ngân hàng yếu kém, thì tương lai phát triển của ngành này sẽ còn tốt hơn"
Trong nhiều giai đoạn, nói chung, ngành ngân hàng đều làm được việc đó. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, hệ thống ngân hàng có những yếu kém phải tái cơ cấu.
Tái cơ cấu ở đây không phải là chỉ riêng ngành ngân hàng, mà là cả thị trường tài chính Việt Nam. Ngành ngân hàng được đặt lên vai nhiều sứ mệnh, nhiều khi vượt quá chức năng nhiệm vụ, từ đó có lẽ cũng là nguyên nhân làm cho hệ thống ngân hàng yếu kém trong thời gian vừa qua.
Chính vì vai trò quan trọng như vậy nên thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tập trung vào tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và hiện đã qua được thời điểm khó khăn nhất.
Hệ thống ngân hàng dần dần củng cố, lấy lại niềm tin của thị trường như nợ xấu tiếp tục được xử lý, các ngân hàng yếu kém được tái cơ cấu, các ngân hàng được củng cố lại về cơ cấu sở hữu, hệ thống quản trị...
Nói chung, do điều kiện của nền kinh tế như tôi phân tích ở trên, ngành ngân hàng đóng vai trò hết sức quan trọng nên xét về cơ hội đầu tư, đây vẫn là ngành có cơ hội và là ngành mà nền kinh tế cần.
TS. Nguyễn Đình Cung
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, hai nhiệm vụ rất quan trọng nếu ngành ngân hàng thực hiện được nhanh từ nay đến năm 2020 là xử lý nợ xấu và dứt điểm các ngân hàng yếu kém, thì tương lai phát triển của ngành này sẽ còn tốt hơn.
Đây không phải lần đầu tiên hệ thống ngân hàng trải qua quá trình “lột xác” để bước vào giai đoạn phát triển mới. Còn nhớ cách đây hơn chục năm, hệ thống ngân hàng cũng đã trải qua quá trình tái cơ cấu và sau đó là giai đoạn phát triển bùng nổ. Phải chăng nguyên nhân một phần cũng do yếu tố chu kỳ, thưa ông?
Tôi cho rằng, đây là vấn đề yếu kém trong quản lý, chứ không nên nhìn đó như một chu kỳ. Những khiếm khuyết của quản lý kinh tế vĩ mô, sau đó đến khiếm khuyết quản lý của hệ thống ngân hàng nói chung và từng ngân hàng nói riêng, dẫn đến những dao động này.
Hy vọng chúng ta rút ra được kinh nghiệm từ những tồn tại như vậy để từ nay trở đi, những yếu kém của quản lý nhà nước, cũng như hệ thống ngân hàng phải được khắc phục, không để những dao động này ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, cũng như hệ thống ngân hàng.
Đừng để dao động này sâu quá, tốt nhất là giữ ổn định hệ thống vì những bài học đã có, không nên coi đó là quy luật, mà hãy coi đó là bài học đáng giá phải suy nghĩ, để hệ thống ngân hàng trở thành một địa điểm cấp vốn ổn định, đáng tin cậy cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông, vấn đề cốt lõi để các ngân hàng thực sự “lột xác” là gì?
Các ngân hàng nói chung phải là một công ty đại chúng không bị lợi ích của một nhóm cổ đông chi phối, mà phải phục vụ lợi ích chung. Do đó, khái niệm công ty đại chúng là rất cần thiết và công ty đại chúng sở hữu phân tán thì có những chuẩn mực quản trị phải tuân theo, đồng thời phải quản lý minh bạch theo chuẩn mực quản trị quốc tế.
Tuy nhiên, hiện chúng ta rất cần tiền để tái cấu trúc ngân hàng, nên khó có thể huy động khoản tiền lớn từ một nhóm cổ đông phân tán. Cho nên, trong giai đoạn 5 - 10 năm tới vẫn phải để tồn tại những ngân hàng có những ông chủ có tiềm lực tài chính và năng lực quản lý vào nắm tỷ lệ sở hữu lớn, nhưng phải thoái dần theo lộ trình.
Đồng thời với đó, việc quản lý phải rất hiệu quả, đặc biệt phải giám sát tính minh bạch, mục tiêu sứ mệnh của ngân hàng, để đảm bảo rằng, dù là ông chủ lớn nhưng phải phục vụ cho lợi ích chung, chứ không phục vụ lợi ích riêng của ông chủ ngân hàng, không tạo ra xung đột lợi ích trong quản trị công ty.
Mục tiêu Việt Nam có ngân hàng tầm cỡ khu vực vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi
Trước mắt, có những chuẩn mực quốc tế chúng ta chưa theo được, mà phải ứng phó theo điều kiện Việt Nam. Song về lâu dài, phải nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị của các ngân hàng theo chuẩn quốc tế.
Đồng thời, phải cải thiện tính minh bạch trong hoạt động của các ngân hàng. Chúng ta đã có những bài học xương máu về vấn đề này trong thời gian qua.
Ngành ngân hàng đặt mục tiêu sẽ có ngân hàng tầm cỡ khu vực năm 2020. Theo ông, mục tiêu này có khả thi?
Tôi cho rằng, mục tiêu đó là trong tầm tay. Một hệ thống kinh tế phụ thuộc lớn vào ngân hàng, rõ ràng, ngân hàng có thị trường lớn. Vấn đề là nâng tầm quản lý, nâng cao năng lực quản lý, tìm kiếm những người quản lý thực sự có tầm nhìn toàn cầu, thực sự là nhà quản trị ngân hàng.
Tôi tin rằng, mục tiêu Việt Nam có ngân hàng tầm cỡ khu vực vào năm 2020 là hoàn toàn có thể. Còn cụ thể ngân hàng nào, theo tôi, tất cả các ngân hàng đều có cơ hội.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần có những động thái hỗ trợ, trước mắt hãy để các ngân hàng chỉ làm sứ mệnh của hệ thống ngân hàng, đừng giao quá nhiều nhiệm vụ mang tính chất chính trị - xã hội.
Nếu có thì đó phải phục vụ lợi ích kinh doanh, phát sinh từ những nhiệm vụ kinh doanh tự nhiên. Chỉ có như vậy hệ thống ngân hàng mới lớn lên được và có như vậy mới có những nhà quản trị ngân hàng xuất hiện…
Nếu hướng tới tầm nhìn 2035 của nền kinh tế như nghiên cứu đã công bố, thì ngành ngân hàng phải như thế nào và cần làm gì để đạt mục tiêu đó, thưa ông?
Vấn đề là quản lý nhà nước cần phải phát triển cân đối hơn về thị trường tài chính, hệ thống cấp vốn cho nền kinh tế, đa dạng hơn, không giao nhiều sứ mệnh không phải là chức năng của ngành ngân hàng. Thị trường cấp vốn cần lớn hơn, nhiều quỹ đầu tư đa dạng hơn để cấp vốn cho nền kinh tế.
Tổng thể, cân đối ngành tài chính đa dạng hơn, chuyên sâu hơn, phức tạp hơn, tinh vi hơn, nhiều dịch vụ hơn, đặc biệt là đầu tư cấp vốn cho nền kinh tế, chứ không phải chỉ là cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Nhuệ Mẫn
Theo Tin nhanh Chứng khoán