Bỏ thời gian dài cho dự án 'Chân dài hành động', Nguyễn Quang Dũng muốn làm phim kiếm hiệp không giống Trung Quốc. Đạo diễn chia sẻ, anh hoàn toàn tin tưởng khả năng diễn xuất của hai người đẹp Việt khi mời họ tham gia.
Bỏ thời gian dài cho dự án 'Chân dài hành động', Nguyễn Quang Dũng muốn làm phim kiếm hiệp không giống Trung Quốc. Đạo diễn chia sẻ, anh hoàn toàn tin tưởng khả năng diễn xuất của hai người đẹp Việt khi mời họ tham gia.
- Dự án phim 'Chân dài hành động' được anh tuyên bố khá lâu. Đến nay, kế hoạch làm phim này đang ở giai đoạn nào?
- Bộ phim vẫn đang trong thời gian chuẩn bị. Các diễn viên vẫn đang tập võ, phim trường đang xây và phục trang đang may.
- Mức độ đầu tư của anh cho phim ra sao?
- Tôi hy vọng đây là một bộ phim kiếm hiệp mà người ta xem xong sẽ nghĩ rằng: "Hóa ra Việt Nam cũng làm được phim kiếm hiệp thẩm mỹ mà không bị giống Trung Quốc".
Ở dự án phim này, tôi được một resort hỗ trợ xây dựng hẳn một studio riêng cho phim. Phim trường này sẽ xây dựng theo thiết kế của phim. Tôi được nhà thiết kế Công Trí hỗ trợ lập xưởng làm phục trang riêng cho phim. Còn các diễn viên thì bỏ công một năm ra để tập luyện trước khi nhập vai.
Với những sự chuẩn bị như thế, tôi nghĩ mình là người may mắn nhất của nền điện ảnh Việt Nam.
Vai diễn của Tăng Thanh Hà trong phim mới của Quang Dũng vừa hài hước vừa có những pha hành động. Ảnh: Phạm Hoài Nam
- Vì sao anh muốn làm phim kiếm hiệp?
- Đó là tham vọng của tôi. Tôi đã mơ mộng từ bé về việc này khi đọc truyện Kim Dung. Nhưng tôi muốn làm một phim kiếm hiệp Việt với bối cảnh, trang phục, hành động đẹp mà không bị nhận xét là giống phim Trung Quốc.
- Tăng Thanh Hà và Thanh Hằng xuất hiện trong phim mới của anh. Anh hy vọng gì ở diễn xuất của họ?
- Tôi không hy vọng mà tôi đặt hoàn toàn niềm tin của mình với 2 diễn viên này. Tôi tin chắc họ sẽ làm cho người xem thú vị, mãn nhãn và cảm xúc.
- Vì sao anh chọn tên "Chân dài hành động" cho phim, khi tên này trùng với một phim Hong Kong được phát hành ở Việt Nam?
- Phim Hong Kong đó có tên gốc nghĩa tiếng Anh hình như không phải như vậy. Nhưng khi ra mắt ở Việt Nam thì nhà phát hành đặt lại tên là Chân dài hành động. Mà tên phim đó xuất hiện sau tên dự án của tôi và nhà phát hành chính lại là nhà đầu tư phim tôi. Có lẽ họ biết chắc chắn tôi sẽ đổi tên phim của mình hay sao ấy! (cười). Tôi cũng có ý định đổi nhưng chưa nghĩ ra cái nào hay hơn.
Đạo diễn Dũng "khùng" (phải) bên nhà quay phim Nguyễn Tranh
- Phim Việt thường tên rất "kêu" nhưng nội dung lại không "tới". Anh nghĩ sao?
- Phim nước nào cũng vậy thôi. Vì cái tên là cái đầu tiên đến với khán giả nên luôn cần được đặt sao cho ấn tượng. Tuy vậy, cái tên phim thì chỉ có vài chữ, còn phim đến 90 phút. Nên tên dễ ấn tượng hơn phim là điều dễ hiểu.
- Khi làm phim mới, giữa khâu kịch bản và kỹ thuật thực hiện, anh chú trọng khâu nào?
- Với tôi, nội dung là cái bạn cần chuyển đến khán giả. Kỹ thuật giống như chiếc cầu, con đường hay chuyến xe... Bạn phải biết mình muốn chuyển gì đến người xem, dùng phương tiện nào phù hợp để chuyển tải đầy đủ cái bạn muốn.
Ở mỗi dự án mới, tôi luôn muốn khám phá khả năng của mình với những người hợp tác và cả sự tiếp nhận của khán giả. Đó có lẽ là một trong những cái "thú" của nghề làm phim.
- Theo anh, ở thời buổi hiện nay, cái khó của việc tạo chiêu để kéo khán giả đến với phim mình nằm ở đâu?
- Khán giả họ đơn giản đến mức phức tạp. Họ cần cái họ đang thiếu.
- Năm nay, hàng loạt phim Việt có đề tài đồng tính, thể loại kinh dị... được triển khai. Anh nhìn nhận nó thế nào?
- Điều đó bình thường thôi. Đa dạng là sự cần thiết cho thị trường, cũng giống như cái chợ thì cần phải có nhiều mặt hàng. Mà phim Việt Nam đa phần đều ngây ngô, có cái ngây ngô phát chán, làm bực mình; có cái ngây ngô buồn cười; thỉnh thoảng có những cái ngây ngô đáng yêu.
- Anh nghĩ gì về hiện tượng nhiều phim Việt hiện nay bị kêu ca là "đạo ý tưởng" hoặc có sự giông giống với phim ngoại về mặt kịch bản?
- "Avatar" người ta còn kêu là đạo ý tưởng huống gì phim Việt Nam. Khi nói người khác "đạo" là phải có luật như thế nào là "đạo". Tôi cho rằng, điện ảnh là bộ môn kết hợp nhiều ngành. Sự phát triển điện ảnh là sự phát triển kế thừa.
Thoại Hà
Theo VnExpress