Sự kiện hot
13 năm trước

Dùng tiền 'thật' xử lý nợ xấu

Phải sử dụng nguồn lực có thật từ việc cổ phần hóa một số tài sản trong khu vực công, chứ không nên dùng tiền phát hành để xử lý nợ xấu vì sẽ gây ra nhiều rủi ro tiền mặt.

Phải sử dụng nguồn lực có thật từ việc cổ phần hóa một số tài sản trong khu vực công, chứ không nên dùng tiền phát hành để xử lý nợ xấu vì sẽ gây ra nhiều rủi ro tiền mặt.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, xung quanh câu chuyện “Phá băng nợ xấu” hiện nay. Ông Thành cho rằng:

- Có hai hướng giải quyết nợ xấu là dùng giải pháp thị trường hoặc Nhà nước đứng ra giúp xử lý nợ xấu. Biện pháp thị trường là giảm nợ và tự tái cấu trúc nợ, thiết lập và thúc đẩy thị trường mua bán nợ tư nhân. Biện pháp nhà nước là Nhà nước trực tiếp tiếp vốn cho ngân hàng (NH), NH có nguồn để xử lý nợ xấu hoặc dùng cầu nối là thành lập công ty mua bán nợ như đề xuất.

Đề án tái cơ cấu nợ của VN là tổng hợp tất cả biện pháp mà thế giới đã làm, cả thị trường, cả Nhà nước, cả hình thức trực tiếp, gián tiếp, thành lập công ty mua bán nợ, phát hành trái phiếu đặc biệt, chuyển đổi nợ xấu thành vốn cổ phần, giãn nợ, mua bán lại nợ...

Thời gian qua thị trường bị nhiễu thông tin. Cuối năm ngoái nói tình trạng nợ xấu chưa đến mức báo động, chỉ tập trung ở các NH nhỏ, chưa phải mang tính hệ thống nên để các NH tự giải quyết sáp nhập trên cơ sở tự nguyện. Đến đầu năm 2012 NH Nhà nước lại nói rằng tính thanh khoản của NH đã được cải thiện, các NH sẽ tự đề ra phương án cho mình.

Đầu ra khó khăn, hàng tồn kho tăng, nhiều doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản

Như vậy, ban đầu hình dung Nhà nước sẽ sử dụng biện pháp mang tính thị trường, NH tự xử lý nhưng gần đây nợ xấu tăng nhanh và mang tính hệ thống chứ không chỉ tập trung ở một bộ phận, do vậy thị trường xử lý không được mà phải dùng các giải pháp của Nhà nước.

* Khu vực nào được đánh giá là tập trung nợ xấu nhiều nhất, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Thành

- Nợ xấu tập trung ở các nhóm sau: Nhóm 1 là nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, tập trung ở các NH thương mại nhà nước, cho vay các doanh nghiệp nhà nước. Những khoản vay này quy mô lớn nhất, có những khoản vay vượt ngoài quy định bảo đảm an toàn. Chất lượng tài sản đảm bảo của những khoản vay này khó đảm bảo, có khi còn cho vay không có tài sản đảm bảo.

Nhóm 2 là nợ xấu do chủ NH, cổ đông lớn lách quy định để lấy tiền NH cho vay đầu tư vào các doanh nghiệp sân sau. Đây cũng là những khoản vay lớn, khó đòi, tài sản đảm bảo cũng có vấn đề, thậm chí vi phạm quy định. Đặc biệt, nhóm này liên quan nhiều đến bất động sản. Nhóm 3 là các doanh nghiệp bất động sản, nhà thầu vay đầu tư vào công trình xây dựng và các công trình này đang dở dang. Nhóm 4 là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn do sức mua giảm. Nhóm 5 là một số khoản cho vay cá nhân.

* Vậy theo ông, phải xử lý nợ xấu thế nào để tiết kiệm ngân sách?

- Tôi ủng hộ quan điểm dùng nguồn lực ngân sách để xử lý nợ xấu nhưng phải xử lý với chi phí tối thiểu. Như vậy, đề xuất thành lập công ty mua bán nợ không phải không có cơ sở. Mục tiêu là phải xử lý nhanh nợ xấu nhưng sau khi mua bán phải thanh lý nợ để thu hồi càng nhanh càng tốt. Không nên đặt mục tiêu mua rồi tái cơ cấu. Vì như vậy chỉ nuôi nợ, không thu hồi được.

Để tiết kiệm ngân sách, theo tôi, Nhà nước chỉ nên mua lại những khoản nợ xấu có thể xử lý được. Những khoản nợ được đánh giá là không có khả năng thu hồi thì không mua lại. Với những khoản nợ gần như đã mất này, phải dùng vốn dự phòng rủi ro của các NH để xử lý. Hai nhóm nợ Nhà nước không nên mua mà nên để các NH tự xử lý là nhóm nợ mà NH có khả năng thu hồi tốt như khoản vay có tài sản đảm bảo tốt và những khoản nợ đã “chết” do đầu tư ngoài ngành.

Với các tổ chức tài chính yếu kém thì NH Nhà nước không nên dùng nguồn lực nhà nước để mua lại nợ xấu nữa. Chỉ mua lại nợ xấu của Nhà nước để sau khi mua lại nợ, Nhà nước có thể tự tái cấu trúc và trở lại vững mạnh. Còn tổ chức tài chính khó khăn thì Nhà nước đứng ra tiếp quản, sau đó dùng nguồn lực dọn dẹp sạch sẽ nợ xấu và bán lại thu hồi vốn.

Ông Nguyễn Hoàng Hải (chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN): Chuyển nợ xấu thành cổ phần

Để cứu doanh nghiệp và cứu NH, không chỉ các NH thương mại phải hạ lãi suất cho vay, NH Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 3-4% để hỗ trợ các NH. Để xử lý nợ quá hạn, giải pháp tối ưu là nên chứng khoán hóa các khoản nợ xấu, tức là chuyển các khoản nợ xấu thành vốn góp cổ phần. NH phải dùng quyền lực của chủ nợ để chuyển nợ thành cổ phần. Điều này sẽ lợi cho cả NH và doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, khi không còn áp lực trả nợ thì họ sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh. Còn về phía NH, sau khi chuyển nợ xấu thành cổ phần thì có thể bán cổ phần đó cho nhà đầu tư khác. Như vậy NH sẽ bảo toàn được vốn. Tuy nhiên, tùy theo từng loại nợ mà có thể áp dụng giải pháp này.

Đối với những món nợ bất động sản, ximăng... thì khả năng thu hồi vốn là rất cao khi kinh tế phục hồi. Còn đối với các doanh nghiệp có tài sản đảm bảo tốt, khả năng phục hồi nhanh thì có thể chuyển nợ xấu thành trái phiếu vì trái phiếu chỉ phải trả lãi. Khoảng 3-4 năm sau, doanh nghiệp có thể trả nợ cũ khi phục hồi hoàn toàn.

* Ông Nguyễn Đại Lai (chuyên gia ngân hàng): Giảm lãi cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp không tồn tại thì NH chết theo. Về mặt đạo lý, NH phải chủ động chia sẻ với doanh nghiệp chứ không trông chờ vào cơ quan quản lý. Chính NH thương mại là nơi có thể phân loại từng khách hàng, xem triển vọng của doanh nghiệp như thế nào để còn đàm phán từng món nợ, tư vấn về tài chính tìm cách giãn, miễn, giảm tiền lãi vay cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, giảm lãi, thậm chí là lỗ thì NH cũng phải chấp nhận để còn tồn tại.

Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên giảm tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro như đề xuất của một số NH. Ngược lại, phải tăng dự phòng vì đó là phao để cứu chính NH. Tăng dự phòng sẽ làm giảm lợi nhuận, NH sẽ thiệt. Nhưng khi nợ xấu gia tăng mà giảm tỉ lệ trích dự phòng thì rủi ro sẽ tăng cao, tình hình sẽ rất gay go cho chính NH và nền kinh tế.


  Theo Tuổi trẻ

Từ khóa: