Ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, giá tiêu dùng mới giảm ở tháng 6 vẫn là bình thường, không đến mức bi quan. Nền kinh tế chưa thể sớm là rơi vào giảm phát, trì trệ mà ngược lại, đang có một số dấu hiệu cải thiện.
Ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, giá tiêu dùng mới giảm ở tháng 6 vẫn là bình thường, không đến mức bi quan. Nền kinh tế chưa thể sớm là rơi vào giảm phát, trì trệ mà ngược lại, đang có một số dấu hiệu cải thiện.
Chưa đáng bi quan
- Thưa ông, lần đầu tiên sau 38 tháng liên tục, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 giảm 0,26%. Nhiều nhà kinh tế lo ngại đây là dấu hiệu bất thường. Ý kiến của ông về điều này thế nào?
Ông Đỗ Thức: Tôi cho rằng, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 giảm như vậy không có gì là bất thường.
Điểm lại từ đầu năm đến nay: CPI tháng 1 tăng 1%, tháng 2, CPI tăng hơn 1%, tháng 3 tăng 0,16%, tháng 4 tăng 0,05%, tháng 5 tăng 0,18% và tháng 6 này giảm 0,26%. Có thể thấy rằng, CPI từ tháng 3 đã tăng chậm lại chứ không tăng nhanh như tháng 1, tháng 2 và đặc biệt tăng không giống như năm 2011. Đến tháng 6, CPI giảm 0,26% chỉ là giảm chút xíu.
Đây chính là kết quả của cả một quá trình chúng ta thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ từ đầu năm ngoái. Một trong những mục tiêu ưu tiên của Quốc hội đề ra là kiềm chế lạm phát, thay vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Do đó, sau một năm rưỡi duy trì chính sách này, đến nay bộc lộ hiệu quả và CPI âm là bình thường.
Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng, CPI của năm trước là rất cao, hơn 20% thì giờ CPI chững lại, giảm chút xíu tất yếu. Chẳng lẽ, chúng ta lại mong CPI tăng tiếp khi mà mặt bằng giá cũ đã tăng cao từ trước, hay là giảm thật mạnh?.
Dưới giác độ thống kê thì việc giảm này là bình thường.
Ông Đỗ Thức. (Ảnh: PH)
- Thưa ông, nhiều cảnh báo về khả năng suy giảm kinh tế đã được đưa ra. Nhìn từ các chỉ số vĩ mô thì theo ông, có những dấu hiệu nào đáng lo ngại về khả năng này?
Tháng 4, khi chúng tôi tính CPI tăng chỉ 0,05%, bối cảnh lúc đó là tốc độ tăng sản xuất rất chậm, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, hàng tồn kho tăng cao có lúc gần 40%, số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, phá sản tăng. Vì thế, đây đó đã xuất hiện quan điểm nghi ngờ liệu rằng chúng ta đang đi vào giảm phát, nền kinh tế đang rơi vào trì trệ?
Tôi thì cho rằng, để đánh giá là giảm phát, không thể chỉ căn cứ vào một tháng, hai tháng mà cần căn cứ vào cả một chuỗi số liệu liên tục, CPI phải giảm liên tục trong một thời gian khá dài, ở nhiều ngành. Nếu đánh giá kinh tế là trì trệ thì dấu hiệu này phải gắn vào cả một thời kỳ, mang tính phổ biến.
Hiện tượng một số DN khó khăn, do không tiếp cận được vốn, mà bản chất nguyên nhân trước đây do giá cả cao, bán sản phẩm không lãi thì nay phải thu hẹp sản xuất chính là hệ quả của một nền kinh tế chưa thật ổn định, ít nhiều phản ánh một chính sách tài khóa tiền tệ lâu nay chưa chặt chẽ. Nhìn vào số liệu, nếu tiếp tục diễn ra tình trạng trên thì có thể quan điểm kinh tế đang rơi vào trì trệ là đúng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các chỉ số về sức khỏe của nền sản xuất đã có dấu hiệu cải thiện. Ví dụ như chỉ số sản xuất công nghiệp hồi đầu năm tăng rất thấp, có lúc chỉ bằng một nửa năm trước, tăng 4% trong khi cùng kỳ các năm là 9%, nhưng đến tháng 6, chỉ số này ước đã tăng tới 7- 8%.
Hàng tồn kho trước đây cao, rất đáng lo ngại nhưng 2 tháng qua cũng đã giảm đáng kể. Qua 5 tháng qua, tồn kho đã giảm liên tục, dù răng chỉ số này vẫn cao, nhưng như vậy, cũng đã chứng tỏ tín hiệu cải thiện khá tốt. Giả sử như nếu tồn kho vẫn tiếp tục tăng hoặc không giảm thì sẽ là dấu hiệu đáng lo ngại.
Có thể nói, vì tăng trưởng sản xuất chậm, tồn kho cao nên chúng ta cảm giác trì trệ nhưng thực chất chưa phải là thế. Cộng các yếu tố trên, chúng tôi cho rằng chưa có gì đáng lo ngại và các dấu hiệu khó khăn trên không đến mức độ quá bi quan.
Thận trọng tăng cung tiền
- Dự báo tháng tới, CPI có giảm như tháng 6 không, thưa ông?
Khả năng tháng 7, CPI sẽ vẫn ở mức độ thấp, thậm chí tháng 8 cũng thấp nhưng cuối năm, CPI sẽ có nhích lên. Với mô hình kinh tế thị trường nhưng có sự can thiệp của Nhà nước, chúng tôi cho rằng mức độ CPI 6% là khả thi.
- Vậy, thưa ông, có điều gì phải lưu ý trong điều hành kinh tế 6 tháng tới?
Rõ ràng hiện nay, chúng ta đang có chủ trương làm tổng phương tiện thanh toán tăng lên, để dư nợ tín dụng tăng lên. Vì các mức tăng 6 tháng đầu năm nay là quá thấp so với mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, việc tiêu hóa được lượng tiền cần cho nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm sẽ không phải là nhiều lắm. Các nhà khoa học đặt ra vấn đề cần đẩy tiền giúp hồi phục sản xuất kinh doanh là đúng, nhưng không thể quay trở lại thời kỳ 2008-2009, tung tiền không kiểm soát được thì còn nguy hiểm hơn.
Quan điểm của tôi là vẫn phải tăng thêm tiền nhưng làm thế nào bản thân nền kinh tế có thể hấp thụ được. Cái chính là chúng ta phải kiểm soát nguồn tín dụng tăng lên đưa vào đúng đối tượng
Cốt lõi đây là quan hệ giữa các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp. Lãi vay đã giảm nhưng tiếp cận vốn vẫn khó. Trước đây lãi suất 20% đã không vay được, giờ vay 14% cũng không vay được nên chính sách lãi suất có thể nói là chưa đi vào vận hành trong thực tế nhiều. Chủ trương chúng ta đưa ra là đúng như khi xử lý vấn đề cụ thể này, ngân hàng cần chia sẻ thực sự với doanh nghiệp, xã hội, đảm bảo sự công bằng.
Ta cũng phải tỉnh táo, việc một số DN phá sản, một bộ phận DN mất đi cũng là bình thường. Nếu chúng ta cứ níu kéo tất cả DN ấy thì không được, vì đó là quy luật thị trường, phải chấp nhận. Ví dụ như kinh doanh bất động sản lợi nhuận trước đây rất lớn, giờ chủ trương không đầu tư tín dụng vào đó nữa, làm cho giá bất động sản trở lai giá thực hơn, thì những ông vay tiền vào bất động sản sẽ phải chịu rủi ro đó. Giờ, chúng ta lại phải bơm tiền cho vay bất động sản thì không giải quyết được vấn đề gốc.
Tăng trưởng kinh tế 6% là cực khó
- Thưa ông, khi mục tiêu CPI vừa được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khả năng cả năm nay là 7-8, tăng trưởng kinh tế GDP đạt mục tiêu 6%. Nhiều ý kiến lo ngại chúng ta khó đạt được mục tiêu này?
Lúc đầu, ta nói mục tiêu lạm phát ở mức một chữ số, nghĩa là 9- 9,5%, cùng với tăng tổng phương tiện thanh toán như cuối năm ngoái đặt ra là quãng 14-15%, dư nợ tín dụng 15-16% thì GDP đạt 6- 6,5% như mục tiêu ban đầu là bình thường.
Nhưng giờ các chỉ số không đạt mức như thế, CPI thấp hơn, chỉ 7-8%, tổng phương tiên thanh toán, dư nợ tín dụng đều thấp hơn thì GDP sẽ thấp hơn mục tiêu ban đầu.
Khi CPI tăng, tức là cầu nền kinh tế lớn, khả năng thanh toán lớn, theo thuyết cung cầu thì nó sẽ làm cho bên cung phải đáp ứng, sản xuất phải tăng lên. Do đó, CPI tăng thì cũng có nghĩa GDP tăng. Nhưng tăng lên thế nào thì không phải là quan hệ 1-1.
Nhiều nhà kinh tế dự báo CPI thấp, có thể chỉ mức 6%, có người nói trên 6-7%, do đó, quan điểm GDP đạt 6-6,5% là khó.
Ở giác độ thống kê thì quan điểm đó là hợp lý. Khả năng GDP năm nay ở mức 6% là cực khó, trên 6% là càng khó.
Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Nếu dư nợ tín dụng tăng lên, tổng phương tiện tăng lên nhưng hiệu quả tốt hơn. Ví dụ, sản xuất công nghiệp có 3 mảng lớn, khai khoáng, chế biến và điện nước. Trong khai khoáng có dầu và than., Nếu giờ vì mục đích tăng trưởng 6%, chúng ta cho khoan nhiều dầu, đào nhiều than lên thì sẽ đạt GDP như vậy. Nhưng nếu làm điều đó thì được mặt này, lại mất nhiều mặt khác. Ở đây là vấn đề lựa chọn sao cho đúng, chứ không phải là không có khả năng.
Theo tôi, cứ để tăng trưởng kinh tế vững chắc là tốt nhất. Trong 6 tháng còn lại, cung tiền vào trong sản xuất kinh doanh đúng địa chỉ, thiết thực, hiệu quả, có thể CPI quãng 6-7% thì phấn đấu mức GDP dưới 6% là hợp lý.
Theo Vietnamnet