Đầu tháng 10-2012, khi đột xuất kiểm tra các máy ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Bình Thạnh (Tp Hồ Chí Minh), bộ phận chức năng mới bất ngờ phát hiện số tiền thiếu hụt lên tới hơn 21 tỉ đồng.
Đầu tháng 10-2012, khi đột xuất kiểm tra các máy ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Bình Thạnh (Tp Hồ Chí Minh), bộ phận chức năng mới bất ngờ phát hiện số tiền thiếu hụt lên tới hơn 21 tỉ đồng.
Việc tiếp quỹ cho các máy ATM tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Bình Thạnh (Agribank Bình Thạnh) có thành lập Ban tiếp quỹ gồm 3 thành viên: Trưởng ban, Quản lý kiểm soát và Cán bộ tiếp quỹ. Mỗi máy ATM có hai mã số mở két do Trưởng ban và Quản lý kiểm soát quản lý, mỗi người có một mã riêng. Khi mở hoặc khóa két, buộc phải có hai người cùng mở hoặc khóa.
Quy trình thực hiện việc tiếp quỹ tại các máy ATM của Agribank Bình Thạnh được thực hiện như sau: Hàng ngày cán bộ tiếp quỹ theo dõi tồn quỹ trong các máy ATM, thấy máy nào hết tiền thì người này báo cáo đề xuất, trình bày cho Trưởng ban tiếp quỹ và Quản lý kiểm soát ký duyệt, chuyển cho bộ phận kho quỹ của chi nhánh. Nhân viên kho quỹ căn cứ vào đề xuất sẽ giao tiền cho cán bộ tiếp quỹ ký nhận.
Trước sự chứng kiến của 3 người trong Ban tiếp quỹ, cán bộ tiếp quỹ bỏ tiền vào các hộp đựng tiền rồi niêm phong lại, cả 3 người trong Ban cùng ký trên niêm phong hộp tiền. Cuối cùng hộp tiền được bỏ tiếp vào hộp Tole (hộp chuyên dụng của ngân hàng - PV), được khóa lại, chuyển đến máy ATM.
Cả 3 người trong Ban sẽ cùng đi đến máy ATM, Trưởng ban và Quản lý kiểm soát quản lý mở mã két, lấy hộp đựng tiền cũ ra rồi đưa hộp tiền mới vào. Hộp tiền cũ còn nguyên niêm phong được bỏ vào thùng Tole khóa lại.
Trụ sở ngân hàng nơi Nhàn làm việc
Sau khi để hộp tiền mới vào máy ATM, cán bộ tiếp quỹ sử dụng chìa khóa kỹ thuật mở máy ATM phần trên để khởi động lại chương trình, kiểm tra phần mềm tin học nhằm đảm bảo hoạt động tốt. Hai thành viên trong Ban sẽ khóa két. Cuối cùng, hộp tiền cũ được đưa về kho quỹ, mở niêm phong kiểm đếm cùng nhân viên kho quỹ, có lập biên bản và ký đầy đủ trên biên bản.
Quy trình tiếp quỹ với nhiều khâu được quản lý nghiêm ngặt, giám sát chéo, nhiều bộ phận cùng kiểm tra như vậy, tưởng rằng một con kiến cũng khó lọt qua. Vậy mà ngày 8-10-2012, tổ công tác kiểm quỹ đột xuất các máy ATM phát hiện bốn máy: Hai máy đặt ở trụ sở chi nhánh (đường Điện Biên Phủ Phường 15), một máy tại Phòng giao dịch Bình Hòa (đường Lê Quang Định), một máy tại Phòng giao dịch Tân Cảng (đường Đinh Bộ Lĩnh, cùng quận Bình Thạnh) lại cho thấy số tiền thiếu hụt lên tới trên 21 tỉ đồng. Tiền đã “bốc hơi” như thế nào?
Nhận định về vụ việc, cảnh sát cho rằng việc “rút ruột” các cây ATM đã được thực hiện trong thời gian dài, có thể do “người nhà” của ngân hàng thực hiện. Ba người trong Ban tiếp quỹ ATM của Agribank Bình Thạnh được xác định là những nghi phạm số một. Bằng những biện pháp nghiệp vụ ngành, nghiệp vụ ngân hàng, thủ thuật tin học, cảnh sát không khó xác định “phù thủy” trong vụ này chính là cán bộ tiếp quỹ Nguyễn Thanh Nhàn (SN 1980, quê quán tỉnh Bình Định, tạm trú tỉnh Bình Dương). Bị “sờ gáy”, đối tượng nhanh chóng thừa nhận hành vi phạm tội.
Năm 2005, Nhàn được tuyển dụng vào làm việc tại Agribank Bình Thạnh, được phân công nhiệm vụ tại phòng kế toán. Cuối năm 2009, Nhàn được điều động làm việc tại phòng Marketing, công việc được phân công là tiếp quỹ cho các máy ATM, quản lý kiểm tra các sự cố kỹ thuật máy, quản lý máy sử dụng thẻ tín dụng. Đến khoảng tháng 6-2011, Nhàn được bổ nhiệm làm Phó phòng Marketing với chức trách nhiệm vụ, công việc như trên và được phân công thêm một số việc trong công tác quản lý phòng Marketing.
Đối tượng Nguyễn Thanh Nhàn.
Trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, Nhàn đã lợi dụng sự quản lý, giám sát không chặt chẽ, không tuân thủ các quy định về tiếp quỹ các máy ATM tại ngân hàng. Cụ thể, cán bộ ngân hàng này không kiểm tra đối chiếu số tiền tồn quỹ khi Nhàn đề xuất tiếp quỹ máy ATM. Khi nhận tiền từ kho quỹ đưa vào các hộp đựng tiền, cũng không được niêm phong.
Khi các hộp tiền được đưa từ máy ATM về kho quỹ cũng không được kiểm tra đối chiếu số tồn quỹ thực tế và sổ sách kế toán trên hệ thống. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo trên, từ tháng 1 - 9/2012, Nhàn nhiều lần lấy tiền từ các hộp đựng tiền mà không bị phát hiện.
Ngày 16-10-2012, cảnh sát đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thanh Nhàn về tội “Tham ô tài sản”
Tại cơ quan điều tra, Nhàn khai số tiền 21 tỉ chiếm đoạt, hắn nướng hết vào các trường gà. Trong quá trình làm việc, Nhàn có nhiều mối quan hệ với các “đại gia”, nhiễm bệnh ăn chơi vô bổ hư đốn của giới nhà giàu.
Trong những trò tiêu khiển đó, Nhàn bị trò đá gà ăn tiền thu hút đặc biệt. Cuộc chiến sinh tử của những chú gà, không khí tranh đua nảy lửa của những người chơi… khiến Nhàn cho rằng đây đúng là “thế giới sôi động phóng khoáng” khi liên tiếp tận hưởng những cảm giác gay cấn, căng thẳng tột cùng, vỡ òa hạnh phúc, hay thất vọng ngập tràn… Mới đầu chơi vài trăm ngàn, vài triệu, thua lại cố gỡ bằng cách đặt lớn hơn, Nhàn ngày càng sa lầy trong cờ bạc.
Có một điều ít ai biết, để tiết kiệm tiền cho “đam mê” với trường gà, gia đình vị “sếp” ngân hàng tiêu tiền tỉ một ngày này vẫn phải thuê nhà ở tận Bình Dương… cho rẻ. Nghề nghiệp thu nhập cao, cùng tương lai sáng lạn, hạnh phúc gia đình đã cán bộ biến chất này hủy hoại.
Theo Pháp Luật Việt Nam