Trên thị trường nông sản hôm nay (ngày 6/7), đà tăng nhẹ của robusta thế giới giúp giá cà phê Tây Nguyên vượt mốc 46.000 đồng/kg; giá cao su giảm theo giá dầu trong khi giá tiêu vẫn chưa thể lên lại 80.000 đồng/kg.
Cập nhật giá nông sản ngày 6/7.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Giá cà phê)
Đà tăng chậm lại nhưng giá cà phê Tây Nguyên vẫn vượt 46.000 đồng/kg
Hôm nay, giới thương lái tiếp tục tăng nhẹ giá thu mua cà phê nguyên liệu tại khu vực Tây Nguyên thêm 100 – 200 đồng, với mức giá phổ biến là 46.000 – 46.100 đồng/kg.
Giá cà phê tại Việt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com)
Giá cà phê Tây Nguyên giữ vững đà tăng nhẹ theo giá robusta trên sàn ICE London, với giá hợp đồng giao tháng 9 chốt phiên hôm qua (5/7) tăng thêm 8 USD lên 2.157 USD/tấn.
Với đà tăng chậm chạp như hiện nay, giá robusta rất khó để bứt phá lên ngưỡng 2.200 USD/tấn. Thị trường robusta sẽ có động lực tăng giá rất lớn nếu vượt qua được ngưỡng quan trọng này.
Không như robusta, giá arabica lại tăng khá nhanh, với giá hợp đồng giao tháng 9 chốt phiên hôm qua tăng 1,8% lên cao nhất ba tuần ở 130 Uscent/pound tại New York. Ở mức giá này, thị trường arabica có thể duy trì đà tăng mạnh trong những phiên tới nếu các yếu tố cơ bản trên thị trường không thay đổi.
Theo nhận định của giới giao dịch, giá arabica gần đây liên tiếp tăng mạnh vì làn sóng bán khống trên thị trường sau một thời gian mạnh tay mua vị thế ngắn hạn. Theo số liệu ghi nhận được vào cuối tuần trước, tổng vị thế ngắn hạn đối với arabica đang ở mức cao kỷ lục, dù có thông tin cho rằng niên vụ 2017 – 2018 sẽ thâm hụt arabica.
Trên thị trường hàng thực, giá cà phê cũng được hỗ trợ lớn sau khi chính phủ Brazil công bố số liệu xuất khẩu. Theo số liệu của Bộ Thương mại Brazil, nước này đã xuất khẩu 1,91 triệu bao cà phê 60 kg trong tháng 6, giảm gần 17% so với tháng trước đó và 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về thời tiết, Brazil vẫn đang trong mùa đông nhưng nhiệt độ không quá lạnh để ảnh hưởng đến vụ cà phê hiện tại. Cuối tuần trước, các vùng cà phê nguyên liệu lớn ở Brazil đã may mắn tránh được một khối không khí lạnh lớn.
Tuy nhiên, vì một số nước sản xuất cà phê chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch nên thị trường sẽ xuất hiện nhiều yếu tố tiêu cực, công ty nghiên cứu BMI cho hay.
Hồ tiêu chưa thể lên 80.000 đồng/kg
Giá thu mua hồ tiêu gần như không đổi tại các vùng nguyên liệu lớn. Riêng giá tại Bà Rịa – Vũng Tàu tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Hiện tại, giá hồ tiêu trong nước vẫn dao động trong khoảng 76.000 – 79.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu tại Việt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com)
Tại Ấn Độ, giá hồ tiêu tăng trở lại sau một phiên đi ngang. Cụ thể, giá hồ tiêu giao ngay tăng 100 rupee/tạ vì nguồn cung eo hẹp trên thị trường.
Chốt phiên hôm qua, giá tiêu giao ngay của Ấn Độ giao dịch ở 49.100 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 51.100 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc). Trên thị trường kỳ hạn, 10 tấn tiêu được giao dịch, trong đó 5 tấn tiêu chất lượng cao có giá 505 rupee/kg và 5 tấn tiêu Pulpally, Bathery có giá 500 rupee/kg.
Giá tiêu Ấn Độ xuất sang châu Âu và Mỹ cũng lần lượt tăng lên 8.150 USD/tấn và 8.400 USD/tấn.
Giá dầu lao dốc kéo giá cao su giảm nhẹ
Giá cao su giảm trở lại vì giá dầu thô lao dốc khoảng 4% trong phiên hôm qua. Theo đó, giá cao su giao tháng 12 trên sàn TOCOM (Nhật Bản) giảm 1 yen so với hôm qua, xuống 196,5 yen/kg.
Giá cao su TOCOM (Nguồn: TOCOM)
Giới đầu tư cao su tại Nhật Bản dường như không để ý tới phiên tăng nhẹ của giá cao su Thượng Hải và USD hôm nay.
Trên thị trường thế giới, phần lớn hàng hóa đều giảm trước đà tăng của USD. Chỉ số giá hàng hóa lõi trên 19 thị trường mà Thomson Reuters theo dõi theo đó giảm khoảng 1,5% sau khi tăng 7 phiên liên tiếp trước đó.
Thanh Tùng
Theo KTTD, Vietnambiz