Ngày 5/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định hạ 0,25% lãi suất chủ chốt, xuống còn 0,75% và là mức thấp kỷ lục với mục đích nhằm kích thích nền kinh tế châu Âu đang trì trệ.
Ngày 5/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định hạ 0,25% lãi suất chủ chốt, xuống còn 0,75% và là mức thấp kỷ lục với mục đích nhằm kích thích nền kinh tế châu Âu đang trì trệ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo giới quan sát kinh tế, việc ECB hạ lãi suất chủ chốt đã được trông đợi từ lâu và động thái này được xem sẽ thổi một luồng khí mới cho các ngân hàng đang gặp khó khăn do mắc nợ và do bị cắt các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế châu Âu, việc giảm lãi suất chủ chốt này của ECB cũng chưa đủ để khôi phục sinh lực Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), một khu vực với nhiều thành viên bị chìm trong khủng hoảng nợ từ hơn hai năm qua.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nguồn tin báo chí Đức, nhận xét rằng mặc dù việc ECB cắt giảm lãi suất lần này được coi là một bước đi lịch sử, vì lần đầu tiên lãi suất trong khu vực được hạ xuống dưới 1%, nhưng nó lại không có tác động đáng kể đối với việc kích thích nền kinh tế trong Eurozone và cũng không có tác động gì tới đa số công dân Liên minh châu Âu (EU).
Theo quy luật thông thường: nếu lãi suất hạ xuống, nền kinh tế có sức bật để vươn lên; nhưng nếu lãi suất tăng, sự tăng trưởng kinh tế lại bị kìm hãm. Lý do là bởi mức lãi suất chẳng có gì khác là giá của đồng tiền. Nếu lãi suất hạ, việc vay tín dụng sẽ thuận lợi hơn, rẻ hơn, vì vậy người ta sẽ mua nhiều hơn, xây dựng nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn. Bình thường là như vậy.
Nhưng tình hình hiện nay là không bình thường: Lãi suất mặc dù thấp chưa từng có, nhưng nỗi sợ hãi đang ngự trị trong các ngân hàng.
Trong tháng 12 năm ngoái và tháng Hai vừa qua, ECB đã mời chào cho vay một số lượng tiền lớn với những điều kiện đặc biệt thuận lợi: Với lãi suất chỉ 1% và thời gian cho vay dài bất thường tới 3 năm. Các ngân hàng đổ xô tới vay tổng cộng tới gần 1.000 tỷ euro. Nhưng ngay sau đó, hàng trăm tỉ ơrô đã được đưa lại vào ECB để gửi. Ngay khi đó, các nhà buôn đã ghi nhận: "Nhu cầu tiền mặt của các nhà băng đã quá đủ. Vấn đề là đồng tiền không chuyển từ A tới B. Nó bị vướng mắc trong việc phân chia lại."
Thái độ của các ngân hàng cũng lại càng kỳ lạ hơn, khi họ chỉ nhận được 0,25% lãi suất hoặc hoàn toàn không có lãi suất, nếu họ gửi tiền ở ECB. Lãi suất đó thấp hơn nhiều so với việc họ phải trả lãi suất tín dụng. Như vậy, họ bị lỗ thực sự nếu gửi tiền ở ECB. Tuy nhiên, hiện nay họ vẫn đang gửi trên 800 tỉ ơrô ở ECB, thay vì cho nhau vay hoặc cho khách hàng vay.
Cũng tương tự như vậy với việc hạ lãi suất. Các ngân hàng mặc dù giảm được gánh nặng, nhưng các khách hàng, doanh nghiệp cũng như cá nhân hầu như không được hưởng lợi gì.
Ông Torsten Schmidt của Viện Nghiên cứu kinh tế nhận xét rằng trong nền kinh tế với sự mất an toàn quá lớn thì việc giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm sẽ không thể gây ra sự bùng nổ đầu tư.
Hậu quả là ECB bị đe dọa sẽ mất đi uy tín, vì ngày càng thấy rõ là trong cuộc khủng hoảng hiện nay, họ hầu như không gây tác động gì được cả, ít nhất là với những công cụ mà thông thường họ làm việc.
Thay vì điều đó, ECB lại làm một việc rất nguy hiểm: Họ thay thế các ngân hàng và công ty bảo hiểm trong vai trò nhà đầu tư. Họ đảm nhận những nguy cơ rủi ro, mà bình thường nền kinh tế tư nhân phải gánh chịu. Ngược lại, ngành tài chính thì bên cạnh việc gửi tiền ở ECB chỉ giới hạn vào những đầu tư có vẻ an toàn, đẩy giá bất động sản và đất lên cao, qua đó tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng tiếp theo, nhất là khi việc vay tiền đối với ngân hàng lại càng rẻ hơn.
Giới phân tích lo ngại những từ ngữ lớn như "bước đi lịch sử" và "lãi suất thấp kỷ lục" cuối cùng chỉ là tín hiệu cho thấy châu Âu đang ở trong một tình trạng lầm đường lạc lối như thế nào./.
Theo TTXVN