Một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực giám sát ngân hàng đã được bắt đầu từ ngày 4/1/2014, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đảm nhận vai trò là cơ quan giám sát trực tiếp các ngân hàng châu Âu, với việc công bố một chương trình mới nhằm cơ cấu lại hệ thống tài chính khu vực, để tránh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tiếp theo tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Ảnh minh họa. (Nguồn: observatordebacau.ro)
Với tư cách là cơ quan giám sát, ECB sẽ trực tiếp giám sát 120 ngân hàng lớn nhất của Eurozone, chiếm hơn 80% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng toàn Eurozone. Khoảng 3.500 ngân hàng nhỏ hơn sẽ tiếp tục được giới chức ngân hàng tại từng quốc gia thành viên của Eurozone kiểm soát, song vẫn chịu sự giám sát chung của ECB.
Cơ chế Giám sát Chung (SSM), cơ quan giám sát mới của ECB có trụ sở tại Frankfurt (Đức) này, sẽ là một trong ba trụ cột chính của liên minh ngân hàng châu Âu trong tương lai, và một cột trụ khác là Cơ chế Xử lý chung (SRM) - có quyền hạn để giải thể hoặc tái cơ cấu bất kỳ ngân hàng nào bị phá sản.
Ủy viên EU phụ trách các dịch vụ tài chính, Jonathan Hill cũng hoan nghênh SSM, khi lạc quan cho rằng giờ đây EU đã có một hệ thống thực thụ để giám sát các ngân hàng Eurozone và đối phó với bất kỳ nguy cơ phá sản nào trong tương lai.
Trước khi bắt đầu vai trò của mình, ECB đã tiến hành một đợt sát hạch “sức khỏe” kéo dài một năm của 130 ngân hàng lớn nhất khu vực Eurozone. Kết quả của đợt sát hạch này đã được công bố vào tháng trước, với phần lớn các ngân hàng qua được các bài kiểm tra.
Cơ quan giám sát ngân hàng mới của ECB được đặt tại tòa trụ sở Eurotower của ECB ở trung tâm thành phố Frankfurt (Đức), và người đứng đầu ban giám sát là ông Daniele Nouy.
Các giám sát viên được tuyển từ nhiều nước khác nhau và lãnh đạo một nhóm kiểm tra một ngân hàng nào đó phải là một người thuộc quốc tịch khác với quốc gia của ngân hàng được kiểm tra.
theo Vietnam+