Tận dụng cơ hội đồng Euro đang suy yếu, sinh viên cũng như du khách lựa chọn châu Âu là điểm đến lý tưởng nhằm tiết kiệm được nhiều khoản chi phí.
Tận dụng cơ hội đồng Euro đang suy yếu, sinh viên cũng như du khách lựa chọn châu Âu là điểm đến lý tưởng nhằm tiết kiệm được nhiều khoản chi phí.
Du học châu Âu nhân lúc khủng hoảng
Zhang Yuqing, 19 tuổi, sinh viên khoa công nghệ thông tin đã quyết định bỏ trường đại học tại Bắc Kinh và đăng ký theo học tại một trong những trường danh tiếng của Pháp. Sự suy yếu của đồng Euro đã khiến Zhang và nhiều sinh viên khác nghĩ đến ý tưởng này. Theo đó, cô sinh viên Zhang sẽ tiết kiệm được một khoản, ít nhất là 10.000 tệ (1.587 USD) mỗi năm.
Zhang cho biết, các viện đào tạo uy tín của Pháp thường có mức học phí 100,000 tệ mỗi năm, cộng thêm các chi phí ăn ở khác tầm 100,000 tệ nữa. Trong khi đó, sẽ phải mất ít nhất 6 năm để lấy bằng cử nhân và thạc sĩ.
“Với tình hình giá cả leo thang thì bất kỳ sự biến động đi xuống nào của đồng Euro đều là những tin vui”, cô sinh viên này cho biết.
Sự giảm sâu về giá trị đồng Euro đang mang đến một động lực lớn cho nhiều sinh viên, học sinh Trung Quốc đi đến quyết định du học tại các quốc gia khu vực đồng tiền chung. Sự mất giá của đồng tiền này khiến cho học phí cũng như phí sinh hoạt giảm. So với một năm trước đây, thì chi phí giảm đến 20%.
Trong khủng hoảng, châu Âu trở thành điểm đến của nhiều sinh viên châu Á, đặc
biệt là Trung Quốc
Tại các nước châu Âu, hầu hết các trường đại học đều miễn học phí. Wang Zhenyu từ European Union Delegation (Phái đoàn liên minh châu Âu) tại Trung Quốc cho hay, tỷ giá giữa đồng Euro và nhân dân tệ ngày một giảm. Điều này sẽ tiếp tục giúp cho chí sinh hoạt giảm mạnh tại các nước châu Âu.
Châu Âu là một trong những điểm đến hàng đầu mà các sinh viên Trung Quốc có ý định du học lựa chọn. Trong khi đó, số lượng du học sinh Trung Quốc tại các trường học châu Âu cũng đang gia tăng rất nhanh chóng.
Với 28.000 sinh viên đại học tại Đức, Trung Quốc đứng đầu trong cộng đồng du học tại nước này.
Theo nhiều chuyên gia, điều thực sự hấp hẫn người học chính là sự xuất sắc vượt trội về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên sự biến động tiền tệ thường mặc dù chỉ mang tính chất tạm thời nhưng nó cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý của người du học.
Zhang Yuqing đã quyết định chọn châu Âu là điểm đến cho sự nghiệp học hành của mình ngoài lý do thuận lợi về tỷ giá tiền tệ thì còn vì cô muốn được học tập trong một môi trường chuyên nghiệp hơn để gia tăng cơ hội nghề nghiệp cho chính mình.
Trong 4 năm gần đây, số lượng du học sinh Trung Quốc tăng khoảng 20% mỗi năm. Năm 2011, đạt kỷ lục 350.000 người.
Du lịch châu Âu hút khách
Có thể sẽ không nhiều du khách châu Âu quyết định dành kỳ nghỉ của mình tại các đất nước như Hy Lạp bởi lý do cuộc khủng hoảng đồng Euro vẫn đang tái diễn và sự bất ổn chính trị đã khiến ví tiền của người dân khu vực càng trở nên eo hẹp.
Tuy nhiên sự gia tăng lượng du khách Trung Quốc đến với châu Âu mùa hè năm này có lẽ là một dấu hiệu hết sức khả quan trong bối cảnh triển vọng kinh tế khu vực vô cùng ảm đạm như hiện nay.
Chen Chaoying, tổng giám đốc văn phòng du lịch Mandarin Voyages tại Paris, Pháp cho biết: "Khách châu Âu đến với chúng tôi hiện rất hạn chế. Nhưng bù lại lượng du khách Trung Quốc tới thăm châu Âu lại tăng rất nhanh trong thời gian này".
Tian Yuan, 27 tuổi, người Bắc Kinh đang bận rộn chuẩn bị cho tuần trăng mật của mình tại Hi Lạp Và Ý trong tháng này cho biết: "Sự suy yếu của đồng euro là lý do để vợ chồng tôi quyết định du lịch tới đây. Điều đó có nghĩa là mọi thứ sẽ rẻ hơn so với trước đó mặc dù Hy Lạp có thể không ổn định lắm bởi cuộc khủng hoảng"
Hartmann, làm việc tại đại sứ quán Đức tại Trung Quốc cho biết, xu hướng gia tăng số lượng du khách Trung Quốc tới Đức đang rất tích cực trong mấy năm trở lại đây.
Các công ty du lịch tại châu Âu hi vọng sự gia tăng về giá của đồng tiền Trung Quốc
so với Euro sẽ khuyến khích người dân Trung Quốc đến với khu vực và chi
nhiều tiền hơn cho các dịch vụ.
So với tháng 6 năm 2011, đồng tiền Euro đã mất giá đến 15%, Oliver Sedlinger, giám đốc kinh doanh và Marketing của Văn phòng du lịch quốc gia Đức tại Bắc Kinh cho biết.
Ông tin rằng, với tình trạng này thì chắc chắn châu Âu, và đặc biệt là Đức sẽ hấp dẫn các du khách trên thế giới. "Chỉ trong ba tháng đầu năm nay, nhu cầu đến với chúng tôi đã tăng 20,8% so với năm 2011" Sedlinger cho biết.
Trong vòng 5 năm qua, số lượng du khách Trung Quốc đăng ký nghỉ tại Đức đã tăng đột biến, từ 950.000 năm 2007 đến 1,32 triệu năm 2011. "Lần đầu tiên, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường châu Á quan trọng nhất của Đức " ông nói.
Tận dụng cơ hội thị trường du lịch đang bùng nổ tại Trung Quốc, các công ty du lịch châu Âu đang tăng cường đầu tư vào văn phòng chi nhánh của mình tại nước này để thu hút ngày càng nhiều hơn du khách cũng như các nhóm doanh nghiệp Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động tại Trung Quốc. Hiện chúng tôi đã có một văn phòng tại thành phố Bắc Kinh và trong năm nay sẽ mở thêm tại Thượng Hải", Yu Miao, Giám đốc bộ phận của Incentive Europe - Công ty du lịch của Hà Lan cho biết.
"Chúng tôi hết sức lạc quan về triển vọng của thị trường Trung Quốc. Sự suy yếu của đồng tiền Euro rõ ràng là đã khuyến khích lượng du khách ngày càng nhiều của Trung Quốc tới châu Âu và họ cũng chi nhiều tiền hơn cho các hàng hóa cao cấp" Yu cho biết.
Công ty của ông Yu đã tạo được doanh thu kỷ lục 3,5 triệu euros (4,38 triệu USD) chỉ từ thị trường Trung Quốc năm 2011. Dự đoán doanh thu của công ty sẽ tiếp tục tăng 20% trong năm nay.
Với sự gia tăng của tầng lớp giàu có và sự lớn mạnh về sức mua của người Trung Quốc, nhu cầu của khách du lịch nước này cũng đang thay đổi. "Người Trung Quốc bây giờ không chỉ đi du lịch và mua sắm, chụp ảnh. Họ muốn những dịch vụ tốt hơn và chất lượng hơn " Yu nói.
Nhóm doanh nghiệp từ Trung Quốc cũng đang trở thành nguồn thu lợi nhuận chính cho các công ty du lịch. "Hàng năm, châu Âu thường tổ chức các triển lãm lớn nhằm đảm bảo ổn định lượng khách hàng doanh nghiệp của Trung Quốc”, Wang Yan, Điều hành cấp cao tại Comfort Travel Trung Quốc, tại Bắc Kinh cho hay.
"Các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực như ô tô, dược phẩm, khai khoáng thường tổ chức các chuyến du lịch tới châu Âu cho nhân viên của mình. Loại hình nhu cầu này đang phát triển nhanh chóng những năm vừa qua", Wang nói.
Trong khi đó, sự bùng nổ của thị trường du lịch Trung Quốc đang khiến cho sự cạnh tranh giữa các văn phòng du lịch trở nên gay gắt hơn bao giờ hết nhằm thu hút du khách.
Ông Paul Bunsell, tại EU Delegation, cho biết, vẫn còn quá sớm để nói sự biến động của giá trị đồng Euro so với nhân dân tệ sẽ có ảnh hưởng dài hạn đến tiềm năng mà Trung Quốc mang lại cho khu vực châu Âu. Nhưng ông cũng hy vọng có thể khuyến khích nhiều công ty du lịch châu Âu cũng như các nhà tổ chức tour tham gia vào thị trường du lịch Trung Quốc để tạo ra những kết quả tốt đẹp lâu dài.
Theo Vietnamnet, China Daily