Phá được thế cầm bóng, đan bóng và chủ động tấn công của Tây Ban Nha, đặc biệt là hạn chế sức mạnh tuyến giữa của đối thủ là điều mà Conte hướng tới.
... Kể cả khi không còn Candreva. Đấy là điều mà huấn luyện viên (HLV) Antonio Conte và các học trò của ông tin tưởng, dù chấn thương của tiền vệ đang chơi cho Lazio đã lấy đi của Italy một cầu thủ chạy cánh không chỉ mạnh mẽ trong những pha xuyên phá ở biên phải, chính xác trong những quả tạt và là một phương án án tấn công cánh tốt nhất, mà còn ở việc giúp đội Thiên Thanh chuyển từ phòng ngự sang phản công cực nhanh chỉ với vài cú chạm bóng. Sự vắng mặt ấy của Candreva không khiến Conte thay đổi sơ đồ xuất phát 3-5-2 quen thuộc và cũng không làm cho các cầu thủ Azzurra nao núng, nhưng rõ ràng nó đã tước đi một giải pháp chiến thuật hữu hiệu.
Niềm vui chiến thắng của tiền đạo Italy Eder Martins (phải) cùng đồng đội.
Nhưng vấn đề của Italy không phải ở vai trò của cá nhân (dù trên thực tế, rõ ràng Italy rất thiếu các phương án chiến thuật khác nhau do hạn chế về chất lượng cầu thủ. Trận thua Cộng hòa Ireland cho thấy, nhiều cầu thủ dự bị hai trận đầu được trao cơ hội tỏa sáng đã chơi không tốt). Đánh bại Tây Ban Nha đòi hỏi sự hoàn hảo về chiến thuật để hóa giải lối đá của đối thủ, một bậc thầy về khả năng cầm bóng. Italy sẽ đối đầu với đội bóng cầm bóng nhiều thứ nhì giải này, với 61% bóng trong ba trận đấu vòng bảng của họ. Câu trả lời: Italy là đội cướp được bóng nhiều nhất ở vòng bảng, với 46 lần trong ba trận.
Nhưng có lẽ điều đó chưa đủ. Italy cũng gặp phải một đội bóng sút tới 51 lần, tương đương với 17 lần/trận, gấp đôi họ. Tây Ban Nha cũng được hưởng trung bình 10 lần phát góc mỗi trận, cho thấy áp lực tấn công mà họ tạo ra rất lớn và có thể uy hiếp đội Thiên Thanh bằng bóng chết. Tây Ban Nha cũng không cần phải chơi với một số 9 ảo như trước, bởi họ đã có một số 9 thật, Morata, hiện đang là một trong những người ghi bàn nhiều nhất giải. Nhưng đội bóng ấy cũng nằm trong số những đội bị sập bẫy việt vị nhiều nhất, 9 lần.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đấy sẽ là một trận đấu căng thẳng và quyết liệt trước hết ở khía cạnh chiến thuật. Mục tiêu số 1 của chiến lược gia Del Bosque là phá tan hàng thủ chắc chắn và dày dạn kinh nghiệm của Italy, không chỉ trong khả năng phòng ngự mà còn ở vai trò làm Pirlo của Bonucci, với những đường bóng dài vượt tuyến khởi phát phản công (các hậu vệ Italy chính là những người chuyền ban nhiều nhất đội, cho thấy sự thay đổi vai trò chiến thuật ở đội Thiên Thanh, khi việc thiết kế bóng lại chuyển xuống tuyến dưới, còn hàng tiền vệ chủ yếu tranh chấp và hỗ trợ phản công).
Trong khi đó, việc phá được thế cầm bóng, đan bóng và chủ động tấn công của Tây Ban Nha, đặc biệt là hạn chế sức mạnh tuyến giữa của đối thủ là điều mà Conte hướng tới. Chìa khóa của tất cả nằm ở Iniesta, người chuyền bóng nhiều nhất, chính xác nhất, và là bộ não của đội. Khống chế được Iniesta cũng như hóa giải được Silva và đặc biệt là Morata, người mà các đồng đội Juventus của anh ở hàng phòng ngự Italy rất hiểu, chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng Croatia đã làm được.
HLV Fabio Capello, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên nhật báo La Repubblica, đã chỉ ra một vài vấn đề của Tây Ban Nha. Theo ông, thứ nhất, Tây Ban Nha vẫn mạnh và đầy tài năng, nhưng không còn chắc chắn trong phòng ngự; thứ hai, Tây Ban Nha luôn gặp vấn đề đối với những đội bóng biết khóa chặt các khoảng trống, khống chế được các tiền vệ Tây Ban Nha thâm nhập cấm địa và tranh chấp quyết liệt để giành lấy bóng, từ đó tổ chức phản công nhanh ngay khi có thể; thứ 3, Tây Ban Nha vẫn ép sân tốt, nhưng không còn tốt như vào năm 2012, năm được cho là đỉnh cao sức mạnh của đội bóng này và những thế hệ cầu thủ gắn bó với họ. Tốc độ lên bóng và triển khai tấn công cũng đã giảm đi.
Nhưng theo Capello, Tây Ban Nha vẫn là Tây Ban Nha, và họ thật đáng gờm. Vậy, làm thế nào để đánh bại được họ, ngoài những điều chung chung đã nói ở trên? Phạm lỗi để giảm áp lực khi tình huống đòi hỏi (Italy là đội phạm lỗi nhiều thứ hai ở vòng bảng, sau Romania), ngã vờ để kiếm penalty (cách này có vẻ thiếu fairplay, nhưng Italy là đội làm điều đó nhiều thứ ba ở vòng bảng và chưa hề bị trừng phạt) và tập đá penalty cho tốt nếu họ cầm cự được hết 120 phút (Italy đã thua Tây Ban Nha hai lần trong 8 năm qua trên loạt luân lưu, ở EURO 2008 và Confederations Cup 2013).
Vậy, người ta mong đợi điều gì ở Italy? Họ sẽ tìm cách chiến thắng Tây Ban Nha bằng việc chủ động phòng ngự, hay là sẽ tấn công phủ đầu chớp nhoáng để có bàn thắng ngay từ đầu trận và rồi sau đó chơi phòng ngự phản công? Với người Ý, thật khó có thể đoán trước được điều gì. Chỉ biết rằng báo chí Italy viết rằng, Thiên Thanh sẽ dành cho Tây Ban Nha những bất ngờ. Để xem những bất ngờ ấy là gì!
Dự đoán: 1-1 (Italy thắng bằng đá luân lưu)
theo Công lý