Việc đền bù cho người dân vùng động đất Thủy điện sông Tranh vẫn chưa được EVN thực hiện. Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân đang mỏi mắt chờ được đền bù theo cam kết của EVN.
Việc đền bù cho người dân vùng động đất Thủy điện sông Tranh vẫn chưa được EVN thực hiện. Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân đang mỏi mắt chờ được đền bù theo cam kết của EVN.
Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chủ dự án thuỷ điện Sông Tranh 2, đã cam kết sẽ cùng địa phương nhanh chóng điều tra, khảo sát thống kê thiệt hại để khắc phục nhanh hậu quả nhà dân bị hư hại do động đất tại Sông Tranh 2. Nhưng việc khắc phục đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện…
Thống kê của huyện Bắc Trà My, tính đến thời điểm này, tại khu vực nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 2 đã xuất hiện hơn 70 trận động đất với cường độ ngày càng gia tăng.
Qua kiểm tra tại các xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Tân và thị trấn Trà My hiện có khoảng 600 nhà dân bị hư hỏng do nứt tường. Các xã còn lại như Trà Sơn, Trà Giang và một số xã lân cận chưa có con số thống kê cụ thể.
Theo văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, nếu thống kê đầy đủ từ các xã sẽ có ít nhất hơn 1.100 ngôi nhà bị nứt tường hư hại, người dân không dám ở. Nhiều hộ dân đã phải bỏ nhà ra dựng lều tạm để sinh sống.
Hiện hàng trăm hộ dân khác phải bỏ làng vào rừng dựng lều sinh sống và phá rừng làm rẫy để tìm kế sinh nhai.
Tuy vậy, đến thời điểm này, EVN vẫn chưa có biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả như đã cam kết.
Theo nhiều chuyên gia từ đơn vị chủ dự án thuỷ điện Sông Tranh 2 thì một khó khăn khiến chưa thể tiến hành đền bù là chưa xác định đâu là nhà nứt do động đất, đâu là do thi công không đảm bảo.
Việc chậm trễ của EVN khiến cho người dân rất bức xúc. Ông Hồ Văn Lợi, nhà ở Trà Bui, tỏ ra thất vọng: “Nhà nứt là do động đất, sao đổ lỗi cho thi công kém chất lượng? Mà thi công kém chất lượng cũng do ban quản lý dự án xây dựng nhà tái định cư”.
Chị Hồ Thị Hạnh, thôn 3, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết, lâu nay gia đình chị chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Để tránh hiểm họa xảy ra bất cứ lúc nào, nhiều gia đình chuyển sang làm nhà sàn, nhưng chi phí xây dựng nhà sàn từ 40 đến 50 triệu đồng là quá khó đối với người dân miền núi.
Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mới đây, chủ đầu tư lại một lần nữa cam kết và hứa sẽ thống kê số hộ thiệt hại để đền bù, chậm nhất là đến giữa tháng 11 tới.
Còn tại buổi làm việc với huyện Bắc Trà My, chính quyền địa phương đã đề xuất phương án hỗ trợ bằng tiền trên cơ sở danh sách hộ thiệt hại đã thống kê, nhưng chủ đầu tư không đồng ý. Lý do mà Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3, EVN, đưa ra là phải xác định được đâu là nhà nứt do động đất, đâu là nhà nứt do thi công không đảm bảo.
Đến thời điểm này EVN đang khảo sát và xác minh tại xã Trà Bui với hơn 300 hộ bị thiệt hại. Tuy nhiên, để nhận được đền bù hỗ trợ của EVN, người dân vùng động đất còn phải dài cổ chờ đợi và họ không biết phải chờ đợi đến bao giờ.
Nếu chủ đầu tư Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 thống nhất đền bù với mức bình quân 5 triệu đồng/nhà theo đề xuất của chính quyền địa phương, thì tổng số tiền mà họ bỏ ra đền bù cho các nhà dân bị thiệt hại ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng không đáng là boo nếu biết rằng, sau gần 2 năm chính thức phát điện tổ máy số 1, Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), sản lượng điện hòa vào lưới điện quốc gia khoảng hơn 1,1 tỷ KWh, doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Vũ Trung
Theo Vietnamnet