Sự kiện hot
12 năm trước

EVN lỗ tại chính sách, lãi nhờ trời

Dẫu lãi thêm vài nghìn tỷ đồng đi nữa thì cũng không vì thế mà hạ nhiệt được giá bán, vì đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nghịch lý này chỉ có ở EVN.

Dẫu lãi thêm vài nghìn tỷ đồng đi nữa thì cũng không vì thế mà hạ nhiệt được giá bán, vì đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nghịch lý này chỉ có ở EVN.

Vỡ kế hoạch vì nhiên liệu, tỷ giá

Một con số âm trong hiệu quả kinh doanh của những ngành độc quyền và thiết yếu có thể được lý giải rằng, hoặc giá bán ấn định thấp hơn giá thành hoặc giá thành bị đẩy quá cao.

Nhưng đến nay, các lãnh đạo của Bộ Công Thương hay Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) mới chỉ nhấn mạnh được vế thứ nhất. Giá thành mỗi kWh điện năm 2011 đã tiếp tục tăng thêm 102 đồng/kWh so với trước. Câu hỏi vì sao giá thành điện không giảm bị bỏ ngỏ trong nhiều năm.

Trả lời VietnamNet hôm 6/12, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, vì đây là năm mà chi phí tăng mạnh nhất ở khâu phát điện, vốn là khâu chiếm tới 77% giá thành.

Theo ông, nếu như tỷ giá tính toán trong phương án giá điện năm 2011 chỉ là 19.500 đồng/USD thì đến ngày 31/12/2011, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã là 20.828 đồng/USD. Mỗi USD đã tăng 1.328 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng 6,81%.

Biến động này đã làm tăng chi phí mua điện của EVN từ các nguồn điện bên ngoài như nhà máy điện Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Cà Mau, Cần Đơn và nhập khẩu điện từ Trung Quốc. Đây đều là các nguồn phải mua bằng ngoại tệ.

Kế đến là giá than và giá khí cũng leo thang. Từ 1/3/2011, giá than tăng 5%. Đồng thời, chi phí vận chuyển than cũng tăng do giá dầu thay đổi, cụ thể như giá cước vận chuyển đường sông tăng 6,7%, đường sắt tăng 8% và phụ thu nhiên liệu tăng 15%. Giá khí cung cấp cho nhà máy điện Cà Mau nhảy vọt 15,45%. Trong kế hoạch, khí có mức giá là 6,69 USD/tr.BTU, nhưng đến tháng 12/2011 đã tăng lên đến 7,72USD/tr.BTU.

Loại nhiên liệu đắt đỏ nhất cho EVN là dầu diezen (DO). Ban đầu, gá dầu DO được dự trù là 15.500 đồng/lít nhưng sau đó, nhiên liệu này tăng tới 33%, tăng khoảng 5.112 đồng/lít. Tương tự, dầu madut ở phương án giá điện chỉ là 13.300 đồng/lít rồi sau đó, cũng tăng thêm khoảng 3.699 đồng/lít, tỷ lệ tăng 27,8%.

Tất yếu, chi phí phát điện của các nhà máy điện than, khí, dầu- vốn dĩ đã có giá thành không rẻ, đã bị đẩy cao.

Ông Tri cũng thừa nhận, năm 2011, EVN cũng có những thuận lợi về cơ cấu nguồn phát điện so với kế hoạch như thủy điện giá rẻ dồi dào hơn, nhiệt điện giá đắt huy động thấp hơn.

Vì hệ lụy hạn hán năm trước, tại thời điểm tháng 1/2011, tổng lượng nước thiếu để tích đầy các hồ thủy điện là 12 tỷ m3, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh. Nhưng trong năm, lượng nước lại về nhiều nên sản lượng thủy điện huy động thực tế cao hơn kế hoạch là 2,19 tỷ đồng. Nhờ đó, sản lượng nhiệt điện thực tế huy động trong năm cũng giảm được 8,86 tỷ kWh so với kế hoạch, riêng nhiệt điện dầu giảm 1,6 tỷ kWh.

Tuy nhiên, những thuận lợi này vẫn không đủ kéo thấp giá thành phát điện của EVN.

Lỗ vì công ích

Nhờ giảm tổn thất điện năng tới 0,27% so với chỉ tiêu, EVN giảm được chi phí khoảng 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí khâu truyền tải điện và khâu phân phối bán lẻ vẫn tăng.

Vị Phó tổng Giám đốc EVN cắt nghĩa, là do khối lượng quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp tăng nên chi phí khấu hao tài sản tăng. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, các Tổng công ty điện lực đều phải sửa chữa, củng cố lại lưới điện để đảm bảo vận hành an toàn. Hai khâu này cũng chịu tác động của tăng tỷ giá, lãi suất vay tăng làm tăng cao chi phí trả lãi vay và chênh lệch tỷ giá thực hiện.

Ngoài ra, trong giá thành truyền tải, phân phối, EVN đã phân bổ một phần của khoản 356 tỷ đồng chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn từ năm 2010 trở về trước còn treo, chưa phân bổ vào giá điện năm 2010.

Đặc biệt, một lý do lỗ khác cũng được lãnh đạo EVN nhấn mạnh, đó là nhiệm vụ công ích bán điện cho vùng hải đảo.

Theo ông Tri, tại huyện đảo Phú Quốc, giá thành điện lên tới 7.249 đ/kWh, huyện đảo Phú Quý là 7.724 đ/kWh, huyện đảo Lý Sơn là 8.482 đ/kWh. Trong khi đó, giá bán điện bình quân tại các huyện đảo là 3.589 đ/kWh, 2.356 đ/kWh và 747 đ/kWh tương ứng.

So sánh chênh lệch cho thấy, giá bán điện bình quân tại các huyện đảo Phú Quốc, Phú Quý và Lý Sơn chỉ bằng 50%, 31% và 9% giá thành điện thực tế .Trong năm 2011, các Tổng công ty điện lực bán điện tại huyện đảo Phú Quốc đã chịu lỗ 165,8 tỷ đồng, huyện đảo Phú Quý lỗ 37,8 tỷ đồng và huyện đảo Lý Sơn lỗ 15,8 tỷ đồng.

Và chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo này hiện vẫn đang được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện toàn quốc của EVN.

Vì trăm sự bất lợi như vậy nên nghiễm nghiên, giá thành điện… không thể hạ thấp. Nói cách khác, lỗ của năm 2011 là… tất yếu!

Lãi nhờ trời

Cũng theo chia sẻ của ông Tri, EVN dự kiến lãi tới 3.500- 4.000 tỷ đồng năm 2012. Lãi này cũng là “nhờ Trời” vì thủy điện huy động cao, nhiệt điện dầu chạy rất ít.

Ông Tri khẳng định, Tập đoàn không “ôm lãi” để đòi tăng giá điện. Nhờ thuận lợi đó, EVN đã báo cáo các Bộ sau khi trích dự phòng tài chính để bù lỗ 2 năm trước khoảng 3.500 tỷ đồng, EVN chỉ dám đặt kế hoạch lãi 100 tỷ đồng trong năm 2012. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với gánh lỗ hơn 11.000 tỷ đồng của hai năm trước.

Nói cách khác, sau khi lấy lãi bù lỗ, EVN vẫn còn tới 7.500 tỷ đồng lỗ kinh doanh điện, chưa kể khoản hơn 26.000 tỷ đồng lỗ tỷ giá. Một câu hỏi đặt ra là, liệu sắp tới, EVN sẽ xin tăng giá điện bao nhiêu để “giải quyết” gánh lỗ này?

Ở đợt tăng giá 5% hôm 1/7/2012, trong 5 tháng kế tiếp, tổng doanh thu điện tăng thêm 3.710 tỷ đồng. Không khó để nhận ra, với những tồn đọng trên, chuyện EVN dù lãi thêm vài nghìn tỷ trong năm 2013 thì giá điện tăng vẫn là… chắc chắn.

“Khả năng với mức lãi nào thì EVN cũng sẽ phải cân đối đưa vào bù lỗ những năm trước. Và sau khi được tăng giá điện, doanh thu sẽ được tăng thêm bao nhiêu tỷ đồng để giảm lỗ lũy kế của EVN thì còn tuỳ thuộc vào thời điểm tăng giá và mức tăng do cơ quan có thẩm quyền quyết định”, ông Tri khẳng định.

Phạm Huyền
Theo Vietnamnet

Từ khóa: