9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của VPBank đạt 5.111 tỉ đồng bằng 71% lợi nhuận hợp nhất đạt 7.199 tỉ đồng, chênh lệch khoảng 2.000 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính chi tiết riêng lẻ và hợp nhất quí III với một số điểm đáng lưu ý về sự khác biệt giữa lợi nhuận, tỉ trọng thu nhập từ lãi giữa ngân hàng mẹ và hợp nhất.
Không còn tình trạng lợi nhuận riêng lẻ cao hơn hợp nhất
9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của VPBank đạt 5.111 tỉ đồng bằng 71% lợi nhuận hợp nhất đạt 7.199 tỉ đồng, thấp hơn khoảng 2.000 tỉ đồng. Lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng mẹ sụt giảm hơn 26% trong khi lợi nhuận hợp nhất tăng 17,4%.
Trong khi đó, cùng kì năm trước, con số lợi nhuận trước thuế riêng lẻ lại cao hơn so với mức ghi nhận tại báo cáo hợp nhất gần 600 tỉ đồng. Hiện tượng này cũng đã xảy ra trong năm 2017.
Sự khác biệt này là do ảnh hưởng từ việc hạch toán kế toán lợi nhuận từ các công ty con của ngân hàng gồm VPBank FE (hay FE Credit) và VPBank AMC.
Trong năm 2018, lợi nhuận các công ty con trong năm 2017 phải chờ báo cáo tài chính kiểm toán và đại hội cổ đông trước khi được ghi nhận vào thu nhập từ góp vốn. Vì vậy, trong quí II/2018 đã ghi nhận thêm 2.856 tỉ đồng thu nhập từ góp vốn mua cổ phần (chủ yếu từ FE Credit) nhưng khi hợp nhất phải khấu trừ khoản này.
Tuy nhiên đến năm 2018, trong 9 tháng đầu năm ngân hàng mẹ chỉ ghi nhận 1.404 tỉ đồng "thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần", giảm một nửa so với con số cùng kì năm trước.
Nếu trừ đi con số này thì lợi nhuận thuần của ngân hàng mẹ sẽ chiếm tỉ trọng khoảng 44% trong tổng lợi nhuận thuần hợp nhất, tương đương tỉ lệ của cùng kì năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc 56% lợi nhuận thuần còn lại là đến từ công ty con mà phần lớn là từ FE Credit.
Cho vay ngân hàng mẹ chiếm gần 75% nhưng chỉ mang về hơn 40% thu nhập từ lãi thuần
Cùng với đó, có thể nhận thấy doanh số cho vay của ngân hàng mẹ trong 9 tháng đầu năm chiếm 74,6% tổng dư nợ cho vay khách hàng của VPBank (hợp nhất) nhưng thu nhập về lãi thuần mang về lại thấp hơn lãi từ hơn 25% dư nợ còn lại (tại các công ty con).
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng mẹ đạt 9.108 tỉ đồng, tăng gần 18% so với cùng kì năm trước trong khi thu nhập lãi thuần từ các công ty con là 13.320 tỉ đồng, chiếm gần 60% tổng thu từ lãi thuần hợp nhất.
Mặc dù tín dụng tiếp tục tăng trưởng khá mạnh (14,5% theo BCTC hợp nhất) nhưng số dư nợ xấu cũng được kiểm soát chặt chẽ với tốc độ tăng tương đương. Đặc biệt, tỉ lệ nợ nhóm 3 đến nhóm 5 tăng nhẹ tại ngân hàng mẹ (từ 2,72% cuối năm lên 2,91%) nhưng lại giảm ở các công ty con.
Theo cho biết từ VPBank, tỉ lệ nợ xấu của FE Credit vào cuối quí III là 5,21%. Số dư trái phiếu VAMC giảm mạnh từ 3.100 tỉ đồng xuống dưới 908 tỉ đồng, tương ứng giảm hơn 71%.
Việc kiểm soát số dư nợ xấu tại VPBank cho thấy ngân hàng đang nỗ lực tích cực cho việc tăng chất lượng tài sản có. Dư nợ tại công ty tài chính tiêu dùng cũng phần lớn được mở rộng từ nguồn khách hàng hiện có.
Cắt giảm hơn 2.000 nhân viên, thu nhập bình quân nhân viên tăng hơn 15%
Lợi nhuận tăng trưởng cao ngoài do tăng trưởng về doanh thu còn nhờ việc kiểm soát chi phí được áp dụng chặt chẽ tại ngân hàng.
Chi phí hoạt động (OPEX) hợp nhất trong 9 tháng đầu năm của VPBank tăng 17,3% so với cùng kì năm 2018, thấp hơn so với tốc độ tăng doanh thu là 19,1%. Điều này góp phần đưa chỉ số chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) xuống còn 34,7% so với mức 35,8% trong nửa đầu năm.
Đáng chú ý, trong vòng một năm trở lại đây, VPBank đã cắt giảm 2.135 nhân sự, trong đó ngân hàng mẹ cắt giảm 955 người, giảm 8,5%. Trong tổng hơn 27.000 nhân viên của VPBank thì có 16.776 nhân viên làm tại công ty con (chiếm tỉ trọng gần 62%) và hơn 10.300 nhân viên làm việc tại ngân hàng mẹ.
Thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên tại ngân hàng mẹ là 24,59 triệu đồng và của ngân hàng hợp nhất là 20,65 triệu đồng, tăng lần lượt 15,1% và 24,2% so với cùng kì năm trước.
Thu nhập của nhân viên VPBank tại BCTC hợp nhất và riêng lẻ
Diệp Bình
Theo Kinh tế & Tiêu dùng, Vietnambiz