Theo VCBS, trong năm 2023, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông lớn trong chu kì đầu tư 2021-2025 bắt đầu được khởi công. Do đó, nhu cầu xử lý nền đất dự báo tăng cao trong các năm 2023-2024 khi đây là một trong các gói thầu được triển khai đầu tiên trong chu kì đầu tư dự án.
Trong báo cáo triển vọng ngành xây dựng 2023 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VCBS cho biết, CTCP Fecon (FCN – sàn HOSE) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xử lý nền móng, thi công hạ tầng ngầm và là một trong số ít doanh nghiệp tại Việt Nam có năng lực thi công phần ngầm cho các công trình có sức nặng lớn (tòa nhà chọc trời, công trình giao thông lớn, nhà máy công nghiệp nặng,…).
Theo đánh giá của VCBS trong báo cáo cho biết, với việc tập trung vào lĩnh vực đặc thù, có yêu cầu kĩ thuật cao, FCN tránh được áp lực cạnh tranh gay gắt trong đấu thầu thi công dự án, đồng thời hưởng mức biên lợi nhuận gộp cao và ổn định hơn đáng kể so với các doanh nghiệp xây lắp thông thường.
Nhu cầu thi công nền móng tăng cao từ 2023: Các dự án công nghiệp nặng (Hòa Phát Dung Quất 2, Nhiệt điện Vũng Áng 2 và Nhơn Trạch 3&4) bắt đầu tiến hành thi công.
Cũng theo VCBS, trong năm 2023, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông lớn trong chu kì đầu tư 2021-2025 bắt đầu được khởi công. Do đó, nhu cầu xử lý nền đất dự báo tăng cao trong các năm 2023-2024 khi đây là một trong các gói thầu được triển khai đầu tiên trong chu kì đầu tư dự án.
Phần lớn các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông trong chu kì đầu tư mới nằm tại khu vực có nền đất tương đối yếu, qua đó thúc đẩy nhu cầu và mức đầu tư phân bổ cho hạng mục xử lý nền móng.
Trong năm 2022, hoạt động thi công điện gió của FCN bị suy giảm đáng kể khi: (1) Các dự án tồn đọng được hoàn tất thi công và đi vào hoạt động; (2) Hoạt động đầu tư điện gió đình trệ sau giai đoạn ưu đãi giá bán điện và các nhà đầu tư cần chờ định hướng từ quy hoạch điện 8, cơ chế giá điện mới.
Tuy vậy, Quy hoạch Điện 8 dự kiến sẽ được thông qua vào đầu năm 2023 với trọng tâm đầu tư vào nguồn điện NLTT (đặc biệt điện gió). Các dự án điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ được hưởng chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển trong các năm tới.
Kì vọng làn sóng đầu tư mới trong lĩnh vực điện gió. VCBS cho biết, FCN sở hữu vị thế cạnh tranh tốt nhờ liên kết với các chủ đầu tư lớn và là một trong các doanh nghiệp hiếm hoi sở hữu năng lực thi công dự án điện gió ngoài khơi (có yêu cầu kĩ thuật cao hơn đáng kể các dự án trên bờ).
Trong Q4.2022, FCN đã chính thức đạt được thỏa thuận chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án điện gió Vĩnh Hảo 6, giúp mang về nguồn lợi nhuận và dòng tiền tích cực cho doanh nghiệp.
Dòng tiền từ thoái vốn dự án kì vọng giúp FCN giải tỏa một phần áp lực nợ vay và tạo dư địa tài chính cho việc đẩy mạnh triển khai các gói thầu lớn trong năm 2023.
VCBS dự phóng năm 2023 Fecon sẽ đạt doanh thu thuần 6.256 tỷ đồng, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 159 tỷ đồng. Với mức định giá theo phương pháp P/B và phương pháp P/E, VCBS đưa ra giá mục tiêu của FCN là 13.839 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua cổ phiếu này.
Như Nguyệt
Theo KTĐU