Lãnh đạo các nước trên thế giới hôm 18.6 đã lên tiếng thúc giục châu Âu đưa ra các biện pháp mạnh để giải quyết cơn khủng hoảng nợ công sau khi kết quả bầu cử Hy Lạp vẫn không vực dậy được thị trường toàn cầu.
Lãnh đạo các nước trên thế giới hôm 18.6 đã lên tiếng thúc giục châu Âu đưa ra các biện pháp mạnh để giải quyết cơn khủng hoảng nợ công sau khi kết quả bầu cử Hy Lạp vẫn không vực dậy được thị trường toàn cầu.
Khủng hoảng nợ công châu Âu là chủ đề được quan tâm tại Hội nghị G20 lần này
- Ảnh: AFP
Căn cứ theo bản báo cáo mà Reuters có được từ Hội nghị thượng đỉnh G20 kéo dài trong hai ngày 18 và 19.6 tại Los Cabos (Mexico), các cường quốc dự tính sẽ kêu gọi châu Âu nên tiến hành “tất cả các chính sách cần thiết” để ngăn chặn cơn khủng hoảng vốn đã kéo dài hơn 2 năm.
Tại cuộc họp, các lãnh đạo châu Âu đã phủ nhận ý kiến cho rằng khủng hoảng tại eurozone là nguyên nhân chính gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Thành thật mà nói thì chúng tôi không đến đây để nghe giảng về cách điều hành nền kinh tế của chính mình”, ông Jose Manuel Barroso - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - phát biểu.
Được biết, khủng hoảng nợ công châu Âu là chủ đề chính của phiên họp bàn về tình hình kinh tế toàn cầu tại hội nghị G20 lần này. Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu tổ chức cuộc họp do lo ngại rằng tình trạng bất ổn tại châu Âu có thể làm ảnh hưởng đến chiến dịch tái tranh cử của mình.
Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã hạ mức dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2012 xuống còn 2,5%; và cảnh báo tình hình thị trường tài chính biến động và suy giảm tăng trưởng đã kéo dài quá lâu tại các nước đang phát triển.
Theo dự kiến, lãnh đạo các nước thuộc nhóm G20 sẽ cùng ký kết Kế hoạch hành động Los Cabos với cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xúc tiến thương mại, nhưng vẫn sẽ duy trì việc cắt giảm chi tiêu công.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien