Dự kiến giữa tháng 8.2017, những lô thịt gà của VN lần đầu tiên sẽ xuất qua Nhật Bản - thị trường được xem là khó tính nhất thế giới.
Chuỗi giá trị gà VN xuất khẩu đi Nhật do doanh nghiệp FDI xây dựng, lợi nhuận chủ yếu vào túi doanh nghiệp ngoại. Ảnh: DE HEUS.
Dự kiến giữa tháng 8.2017, những lô thịt gà của VN lần đầu tiên sẽ xuất qua Nhật Bản - thị trường được xem là khó tính nhất thế giới. Đây là một tín hiệu vui, nhưng nếu nhìn vào vai trò của chúng ta trong chuỗi giá trị này thì niềm vui chưa trọn vẹn.
Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) là đơn vị được phía Nhật cấp phép xuất khẩu thịt gà đã qua chế biến từ VN vào Nhật. Ông Khưu Nhơn Hiếu, Tổng giám đốc Koyu & Unitek, cho biết: “Trước mắt sẽ xuất khoảng 300 tấn/tháng nhưng nhu cầu của các đối tác lên đến 2.000 tấn/tháng. So với tiêu thụ trong nước, khi xuất sang Nhật Bản, thịt gà có giá cao hơn khoảng 30%. Nếu hoạt động thuận lợi công ty sẽ tiếp tục mở thêm nhà máy để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Để sản phẩm xuất được vào Nhật, sản phẩm phải quản lý theo chuỗi chất lượng GlobalGAP và một số tiêu chuẩn riêng của thị trường Nhật Bản”.
Người Việt chỉ nuôi gia công
Nhật Bản là một trong những thị trường nhập khẩu thịt gia cầm lớn nhất thế giới. Năm 2016, nước này nhập khẩu gần 1 triệu tấn thịt gia cầm các loại, chủ yếu từ Brazil, Thái Lan và Trung Quốc. Chính vì vậy, bản thân các doanh nghiệp (DN) Nhật cũng muốn đa dạng hóa nguồn cung và từ nhiều năm trước họ đã tìm đến VN. Điển hình là năm 2015, Unitek Enterprise (thành lập năm 2006, do Tập đoàn Unitek của Úc đầu tư vào VN) chính thức sáp nhập với Tập đoàn Koyu Shokucho - DN có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất chế biến gia cầm tại Nhật Bản - để tạo ra Koyu & Unitek với dây chuyền khép kín nhằm cung cấp gia cầm sạch cho thị trường.
Ngày 26.10.2016, Bộ NN-PTNT phê duyệt “Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu”. Theo chuỗi giá trị này, Công ty cổ phần Bel Gà (thuộc Tập đoàn Belgabroed của Bỉ) cung cấp gà giống và gà đẻ chất lượng, đạt chứng nhận GlobalGAP. Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cung cấp thức ăn chăn nuôi và giải pháp chăn nuôi hiệu quả đạt chứng nhận GlobalGAP. Hai nguồn nguyên liệu đầu vào này sẽ được giao cho các trại chăn nuôi lớn, chuyên nghiệp đạt chứng nhận GlobalGAP. Sản phẩm gà thịt sẽ được De Heus mua lại và bán cho Công ty Koyu & Unitek. Có thể thấy, trong chuỗi giá trị này, người Việt chỉ tham gia khâu duy nhất là nuôi gà gia công. Cái lợi là người chăn nuôi yên tâm tập trung chăm sóc đàn gà cho tốt vì đầu vào đầu ra, kỹ thuật đã có DN trong chuỗi lo. Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á, nói: “Hiện nay các trại gà của VN tham gia chuỗi, giá thành sản xuất gần bằng với Thái Lan. Nếu tiếp tục phát triển theo hướng này thì sản phẩm gà VN không chỉ đi Nhật mà có thể xuất qua cả EU và các thị trường khác. Lợi thế của VN, cũng giống như Thái Lan, chính là chi phí nhân công thấp làm cho giá thành sản xuất rẻ hơn các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản. Ngoài gà, công ty này sẽ triển khai với heo và các loại khác”.
Phải xây dựng chuỗi giá trị Việt
Thông tin gà Việt đi Nhật đúng là một tín hiệu vui nhưng nếu nhìn vào chuỗi giá trị đó thì niềm vui không trọn vẹn. Bởi người Việt chỉ đóng vai trò gia công cho các tập đoàn nước ngoài và trong chuỗi giá trị thì chăn nuôi cũng là khâu ít mang lại giá trị gia tăng nhất.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, nói thẳng: “Người nông dân chỉ góp công, nên đừng quá lạc quan thế này thế nọ. DN Việt không làm được vì không có giống, công nghệ tốt và đáp ứng được các tiêu chuẩn, cũng chẳng có thị trường”. Đồng quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, phân tích: “Trong chuỗi đó, người VN chỉ thu lợi từ công lao động ở khâu chăn nuôi. Các yếu tố liên quan tới giá trị gia tăng đều rơi vào túi DN ngoại. Điều này cũng giống như ở các ngành công nghiệp dệt may hay da giày, chúng ta chỉ gia công thuần túy”. Tuy nhiên, theo TS Ngãi, dù sao việc gà VN xuất được đi Nhật cũng là một tín hiệu vui. “Chúng ta hy vọng là thông qua các chuỗi giá trị đó họ sẽ dần chuyển giao công nghệ và người Việt có thể học hỏi để xây dựng các chuỗi giá trị của mình”, ông Ngãi lạc quan.
TS Minh chia sẻ thêm: “Chuỗi là khái niệm chỉ đường đi của sản phẩm, không phải tổ chức. Trong khi theo kinh nghiệm của các nước là phải xây dựng các hiệp hội ngành độc lập và mạnh. Đây là nơi để các DN chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau. Từ các hiệp hội ngành nghề mạnh, các DN liên kết xây dựng chuỗi giá trị của chính người Việt thì đó mới đúng là điều đáng vui mừng cho ngành nông nghiệp VN”.
Tía tô 700 đồng/lá cũng là chuỗi giá trị Nhật
Gần đây rộ lên thông tin trồng tía tô xuất khẩu đi Nhật, giá mỗi lá tía tô xuất khẩu 500 - 700 đồng; doanh thu có thể đạt 2,5 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, theo những thông tin từ ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh (nơi trồng tía tô xuất khẩu) thì từ trang thiết bị xây dựng trang trại, vật tư đầu vào, kỹ thuật, “kỹ sư” đều phải nhập khẩu của... Nhật Bản.
Thịt và trứng gia cầm rớt giá
Sức mua thịt gia cầm giảm, ảnh hưởng tiêu cực tới giá gia cầm. Cụ thể, so với đầu tháng, giá gà lông màu tại các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL đều đã giảm 5.000 đồng/kg, xuống mức 23.000 - 25.000 đồng/kg; gà lông trắng giảm 1.000 - 2.500 đồng/kg xuống mức 23.000 đồng/kg tại Đông Nam bộ và 24.000 đồng/kg tại ĐBSCL. Giá trứng gà, vịt tại các trang trại, hộ chăn nuôi cũng đang giảm. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, giá trứng gà xuất bán tại trang trại chỉ còn 900 - 1.300 đồng/quả (tùy loại), giảm khoảng 1.000 đồng/quả so với cùng kỳ 2016. Trứng vịt xuất chuồng từ 1.700 - 2.000 đồng/quả, giảm 300 - 500 đồng/quả so với thời điểm đầu năm 2017. Tại Đồng Nai, hiện giá trứng gà công nghiệp tại các trại chăn nuôi nhỏ lẻ bán ra ở mức 1.150 đồng/quả, giảm khoảng 400 - 500 đồng/quả so với hồi đầu năm.
Chí Nhân
Theo Thanh Niên