Dantin - Từ ngày UNBD tỉnh Bình Dương ra quyết định ngưng hoạt động các lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh như phóng viên đã nêu ở những kỳ trước, thị trường cung cấp gạch ở đây và các khu vực lân cận rơi vào cảnh khan hàng. Tận dụng cơ hội này, gạch Tuynel liên tục đẩy giá trong khoảng hai tháng trở lại đây.
Gạch Tuynel liên tục tăng giá trong thời gian qua
Găm hàng và đẩy giá
Tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, hàng loạt cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng lớn như cửa hàng Xuân Hải, Gia Nam, Cây Lơn, Văn Minh… rơi vào tình trạng không có gạch để bán. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng Xuân Hải cho biết: “Thời gian qua, gạch Tuynel tăng giá thành nhiều đợt. Cứ vài ngày lại tăng giá một lần. Cách đây hơn 1 tháng, giá gạch Tuynel khoảng 600 đồng/viên. Sau nhiều lần tăng giá, hiện tại giá gạch Tuynel tại cửa hàng của tôi giao động từ 900 đồng - 1.100 đồng/viên”.
Gạch tăng chóng mặt đến nỗi doanh nghiệp không kịp trở tay. “Nhiều lúc báo giá một đằng, nhưng gạch lên giá đột xuất nên phải báo giá lại cho khách hàng. Vì sự tăng giá đường đột này, tôi cũng đành chịu đưa mặt ra cho họ chửi” - chị Oanh than thở.
Cả cửa hàng rộng hơn 500m2 của chị Oanh không có một viên gạch để bán. Thời gian qua, có lúc các xe chở gạch nghỉ cả tuần vì không có gạch để chở. Đáng nói hơn, không có gạch để bán cho khách hàng dẫn đến hậu quả cửa hàng bị mất uy tín trầm trọng. Nhiều khi về được một xe gạch khoảng 10.000 viên cũng ráng chia nhỏ ra để đưa cho khách hàng bởi người này có, người kia không có cũng không được.
Gạch Tuynel bị đẩy giá lên cao khiến các chủ cửa hàng gặp không ít khó khăn. Ngồi bần thần trong cửa hàng lưa thưa vài viên gạch, anh Minh, chủ cửa hàng Văn Minh ngậm ngùi kể: “Nhiều lúc chở gạch Tuynel đến, các công trình không nhận nên phải chở về lại do giá gạch Hoffman rẻ hơn nhiều so với gạch Tuynel. Hơn nữa, kích cỡ của hai loại gạch trên cũng khác nhau nên đổi từ gạch này qua gạch khác trong một công trình là rất khó”.
Theo chủ các cửa hàng kinh doanh gạch, do tận dụng các phế liệu của ngành nông nghiệp làm nguyên liệu nên giá thành của gạch Hoffman thấp bằng 1 nửa của gạch Tuynel. Do đó, đa phần người dân, đặc biệt là người dân nghèo khi xây dựng đều lựa chọn sản phẩm gạch Hoffman. Nếu công nghệ Hoffman bị “xóa sổ” ở Bình Dương thì chỉ còn gạch Tuynel “một mình một chợ” độc quyền trong phân phối sản phẩm và có thể thoải mái đẩy giá thành lên cao cũng là điều dễ hiểu.
Giá gạch tăng đã đành, nhưng các doanh nghệp cũng không có gạch để bán. “Cứ mỗi lần đặt hàng phải đợi từ 2-3 ngày mới có gạch về. Mỗi lần về cũng chỉ được 1-2 xe, không đủ chia cho khách hàng. Ngày xưa, cứ mỗi ngày cửa hàng chạy được khoảng 4 chuyến gạch (40.000 viên). Tuy nhiên thời điểm hiện tại, mỗi ngày chỉ chạy được 1 chuyến. Nhân công, bốc xếp cũng không có việc làm, cửa hàng thì thất thu nặng nề. Tình hình này kéo dài có nước đóng cửa, nghỉ kinh doanh” - anh Minh than thở.
Trăm dâu đổ đầu… người tiêu dùng
Gạch khan hàng và liên tục tăng giá, hậu quả là người tiêu dùng lãnh đủ. Nặng nề nhất phải kể đến các công trình đang xây dựng dở dang, đặc biệt là những chủ thầu đã trót ký hợp đồng với khách hàng. Giờ đây, không có gạch, công trình trì trệ sẽ bị phạt, bị khách hàng phàn nàn. Còn gạch lên giá thì chủ thầu cũng lãnh đủ.
Anh Thanh, một chủ thầu ở thị xã Dĩ An chua chát nói: “Trót ký hợp đồng với khách hàng rồi, giá cả cũng đã chốt xong. Giờ đây thiếu gạch để thi công, gạch lại đẩy giá mỗi ngày. Vừa bị khách hàng phàn nàn, lại cắn răng bù lỗ cho gạch, cứ đà này thì doanh nghiệp như tụi tôi chết chắc”.
Còn với những người công nhân, việc không có gạch Hoffman để xây nhà, buộc phải chuyển qua sử dụng gạch Tuynel là cả vấn đề lớn. Theo anh Tuấn, một công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), nếu cứ cái đà thiếu gạch Hoffman và buộc phải chuyển qua gạch Tuynel đang có giá cao ngất ngưởng, căn nhà cấp 4 của anh phải chi thêm hơn 15 triệu đồng cho tiền gạch. “Với tôi, làm lụng gần cả năm trời mới tích cóp được con số đó” - anh Tuấn buồn bã nói.
Cùng hoàn cảnh với anh Tuấn là hàng chục công nhân và những gia đình có điều kiện khó khăn khác trên tỉnh Bình Dương đang xây nhà nhưng thiếu gạch. Theo chị Kim Oanh, chủ cửa hàng Xuân Hải, đa phần các gia đình công nhân xây nhà đều chọn gạch Hoffman giá rẻ và phải mua thiếu, trả dần. Nếu họ buộc phải chuyển qua xây bằng gạch Tuynel với giá như hiện tại, chị Oanh cũng không dám bán vì sợ không thu hồi được vốn.
“Với việc giá gạch tăng đột biến như thời gian qua, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, tìm hiểu để đưa ra những nhận định chính xác về hiện tượng giá gạch tăng cao và cần có giải pháp để bình ổn giá gạch” - một chủ cửa hàng ở Bình Dương nói.
Giang Nam