Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sắp có hiệu lực, toàn bộ những đối tượng bán dâm đang được chữa trị, giáo dục trong các cơ sở giáo dưỡng sẽ được tái hòa nhập cộng đồng.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sắp có hiệu lực, toàn bộ những đối tượng bán dâm đang được chữa trị, giáo dục trong các cơ sở giáo dưỡng sẽ được tái hòa nhập cộng đồng.
Đây là một chính sách thể hiện tính nhân văn, song cũng tạo ra những luồng dư luận hết sức lo ngại.
Chèo kéo khách mua dâm trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Quang Trường
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Kim Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội về vấn đề này.
- PV: Số lượng gái bán dâm đang được quản lý tại trung tâm giáo dưỡng ở Hà Nội rất lớn. Khi Luật có hiệu lực, Hà Nội sẽ tiến hành như thế nào?
- Ông Nguyễn Kim Hùng: Hiện tại, Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội (Trung tâm 02, Ba Vì) đang quản lý giáo dưỡng 208 gái bán dâm, trong đó có 165 đối tượng tái phạm nhiều lần phải thực thi giáo dưỡng 18 tháng, 40 đối tượng phải thi hành giáo dưỡng 12 tháng, chỉ có 3 đối tượng vi phạm lần đầu có thời gian phải thực thi giáo dưỡng 9 tháng.
Có rất nhiều vấn đề cần phải tính toán cẩn thận như: thả đồng loạt cả 208 đối tượng gái bán dâm hay thả từng đợt? Khi họ về cộng đồng rồi thì quản lý thế nào để họ không theo con đường cũ?... Cũng vì đặc điểm hết sức phức tạp đó, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH về việc thả các đối tượng bán dâm đang quản lý, sau đó sẽ trình UBND TP thông qua hướng giải quyết.
- Rất nhiều gái bán dâm bị mắc các bệnh đường tình dục, nếu họ trở về xã hội mà không quản lý được sẽ rất nguy hiểm, rất dễ tái hành nghề bán dâm, truyền bệnh cho người khác?
- Đây chính là điều chúng tôi lo lắng nhất. Trong số 208 gái bán dâm được giáo dưỡng ở Hà Nội có 142 người bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, khoảng 8-10% bị nhiễm HIV.
Những đối tượng này sẽ là nguồn lây truyền bệnh rất nguy hiểm cho cộng đồng một khi họ đã được “thả ra đường” và không bị kiểm soát nữa. Để phòng tránh mối nguy này, Trung tâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cũng như kết hợp các biện pháp như dạy nghề, giới thiệu việc làm để định hướng nghề nghiệp cho họ, tránh đẩy họ buộc phải trở lại con đường cũ.
Tuy vậy, cái khó khăn hiện nay là những biện pháp hỗ trợ cho họ vẫn chưa đến nơi đến chốn, chẳng hạn nhà nước chỉ cấp chi phí hỗ trợ cho họ một khóa đào tạo nghề là 650.000 đồng, giới thiệu việc làm là 1 triệu đồng (được hỗ trợ duy nhất một lần)… với số tiền này thì rất khó để học nghề cho ra nghề, càng khó để tìm được một việc làm phù hợp và đáp ứng được cuộc sống sau khi trở về xã hội.
Hơn nữa, với những người từng bán dâm, nghề bán dâm đem lại thu nhập cao hơn rất nhiều lại không phải bon chen vất vả nên chúng tôi lo lắng rằng, tỷ lệ gái bán dâm sau khi được thả quay lại hành nghề rất cao, nguy cơ làm bùng phát lại tệ nạn mại dâm vốn đã được thành phố rất cố gắng truy quét trong những năm qua.
- Nếu họ tiếp tục vi phạm, có biện pháp nào để xử lý mạnh hơn hay không?
- Theo Luật, nếu họ tiếp tục vi phạm sẽ xử phạt hành chính. Vấn đề là xử phạt hành chính với gái bán dâm hết sức khó khăn bởi hầu hết họ không có tiền khi hành nghề hoặc làm được bao nhiêu thì nộp luôn cho bảo kê rồi mới nhận lại phần thu nhập của mình sau.
Nếu bắt được họ vi phạm mà họ không có tiền thì tối đa cũng chỉ bắt giữ được họ trong khoảng 24 giờ để chờ người đến nộp phạt.
Hơn nữa, Luật cũng còn nhiều điểm chưa đề cập đến được, tạo kẽ hở cho họ lợi dụng.
Chẳng hạn Luật không xử phạt với phụ nữ mang thai, đang nuôi con trong thời gian cho bú, phụ nữ quá 50 tuổi hành nghề bán dâm, hoặc quy định muốn phạt được hành vi bán dâm thì phải bắt quả tang…
Thêm nữa, so với thu nhập từ bán dâm thì mức xử phạt hành chính cũng khó mà đủ sức răn đe. Theo tôi, giải pháp quan trọng là cần phải đẩy mạnh, tăng cường kiểm tra của đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp, đặc biệt ở cấp xã, phường đồng thời xử lý thật mạnh các đối tượng tổ chức, môi giới hành vi mua bán dâm.
- Cảm ơn ông!
Theo ANTĐ