Smartphone "nghìn đô" cao cấp trong tương lai sẽ có giá ngày càng đắt do giá vật liệu tăng, chi phí đầu tư công nghệ và các yếu tố khác.
Cách đây vài năm, khi smartphone giá rẻ chạy Android đang lên ngôi, các nhà phân tích của phố Wall cho rằng Apple nên ra mắt một (hoặc một vài) sản phẩm giá rẻ để cạnh tranh nếu không muốn lụi tàn. Apple tất nhiên không làm theo. Hai năm sau ngày các chuyên gia đưa ra nhận định, "Táo khuyết" ra bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus - hai mẫu smartphone đắt nhất từ trước đến thời điểm đó của hãng. Kết quả thì ai cũng biết: Apple liên tiếp đạt kỷ lục về doanh số và lợi nhuận trong nhiều quý sau đó.
iPhone 8 và Galaxy Note 8 là 2 smartphone chạm ngưỡng 1.000 USD.
Có một điều dễ nhận ra là, giá bán các dòng điện thoại cao cấp đang tăng. Nếu trước đây, rất ít người dám bỏ ra trên 900 USD để mua smartphone và điện thoại 1.000 USD được xếp vào danh mục xa xỉ, thì giờ đây mức giá đó được coi là "không quá cao".
Galaxy Note 8 mới ra mắt gần đây có giá khởi điểm từ 930 USD đến 960 USD tùy thị trường cho phiên bản dung lượng bộ nhớ thấp nhất, các mẫu dung lượng bộ nhớ cao hơn đều có giá trên 1.000 USD. Trước đó, Note 7 có giá từ 849 USD.
Trong khi đó, theo New York Times, iPhone 8 ra mắt sẽ có giá bán không dưới 1.000 USD. iPhone 7 năm ngoái có giá lên tới 969 USD cho bản 256 GB, iPhone năm nay được cho là nâng cấp rất nhiều về cả ngoại hình lẫn cấu hình và tính năng, thậm chí có bản bộ nhớ trong lên tới 512 GB. Do đó, giá 1.000 USD cho iPhone 8 không hề gây ngạc nhiên.
BGR dự đoán, smartphone sắp tới cũng có giá bán tiệm cận 1.000 USD hoặc hơn. Trong tương lai, các mẫu điện thoại có giá này không còn hiếm như hiện tại nữa. Nó cũng không giới hạn ở hai thương hiệu là Apple và Samsung, mà còn xuất hiện và mang thương hiệu khác.
Có nhiều nguyên nhân để các hãng tạo và bán ra một chiếc điện thoại đắt hơn. Thứ nhất, chi phí nghiên cứu cho chúng đang ngày một tăng, bởi điện thoại hiện nay nếu thành công phải tự đột phá. Đó là lý do Apple, Samsung và các hãng khác đang xây dựng các trung tâm nghiên cứu có giá hàng tỷ USD.
Vật liệu tạo nên smartphone cũng trở nên đắt đỏ, bởi khoáng sản trên Trái đất có hạn và đang dần bị khai thác cạn kiệt. Việc áp dụng công nghệ mới để khai thác cũng góp phần làm tăng giá nguyên liệu.
Việc áp dụng các chi tiết sử dụng công nghệ mới, như Apple dùng màn hình OLED cho iPhone 8 chẳng hạn, cũng khiến thiết bị bị đẩy giá lên cao. Màn hình cong trên smartphone Samsung cũng khiến giá bán thiết bị này cao hơn.
Đó là chưa kể các yếu tố tác động từ thị trường. Việc đồng tiền mất giá đã khiến các sản phẩm tăng theo thời gian. Thực phẩm đắt tiền hơn, xe cộ đắt tiền hơn, đất, nhà ở cũng đắt tiền hơn... thì không có lý do gì các thiết bị điện tử lại có giá thấp hơn theo thời gian cả. Tất nhiên, riêng thiết bị điện tử, không thể so sánh tính năng để suy ra giá tiền mà phải lấy công nghệ mới nhất làm tham chiếu, bởi một chiếc điện thoại hiện tại áp dụng công nghệ cách đây 10 năm chẳng hạn, sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Hiện nay, người dùng cũng thoải mái mua sắm hơn. Đó là chưa kể các hãng điện thoại (và các lĩnh vực khác) đã hỗ trợ người dùng rất nhiều. Họ sẽ không cần phải bỏ ra một lần 1.000 USD để mua một chiếc điện thoại, mà có thể trả chúng nhiều lần, từ đó việc mua sắm cũng dễ dàng hơn.
Còn rất nhiều yếu tố khác để cho thấy rằng thị trường sắp tới sẽ phổ biến smartphone "nghìn đô". Tất nhiên, với số tiền bỏ ra, người dùng cũng nhận lại rất nhiều lợi ích từ chúng. Thị trường hiện tại dần vắng bóng smartphone giá rẻ, chỉ còn smartphone trung cấp, cận cao cấp và cao cấp cho thấy nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi, họ cần những thiết bị hữu ích hơn phù hợp với số tiền tương ứng. Các hãng tất nhiên sẽ đáp ứng nhu cầu này và Apple và Samsung là hai cái tên tiên phong.
Bảo Lâm
Theo VnExpress/Số Hóa