Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tisco ở mức 6.923 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 6% so cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn suy giảm mạnh 66% về còn gần 35 tỷ đồng.
CTCP Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 và 6 tháng đầu năm.
Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 3.189 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng 1,8% lên 3.142 tỷ đồng khiến biên lãi gộp giảm từ 12,9% còn 1,5%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 92,5% so với quý II/2021. Chi phí bán hàng quý này tăng 2,9% lên 14 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm.
Kết quả, doanh nghiệp mang về 5,8 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 90,1% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông ty mẹ cũng giảm 89,8% còn 6 tỷ đồng, EPS giảm từ 319 đồng về 31 đồng. Theo lý giải từ phía Tisco, lợi nhuận quý này của công ty giảm là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tisco ở mức 6.923 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 6% so cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn suy giảm mạnh 66% về còn gần 35 tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2022, Tisco đặt mục tiêu tổng doanh thu 20.105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được sau 6 tháng đầu năm, Tisco còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm.
Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của Tisco tăng thêm 528 tỷ đồng lên mức 10.855 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng mạnh lên 2.048 tỷ đồng, tiền mặt giảm nhẹ xuống 222 tỷ đồng; đặc biệt chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn vẫn treo ở mức 6.192 tỷ đồng.
Đây là khoản đầu tư vào dự án cải tạo Gang thép giai đoạn 2, trong đó lãi vay vốn hoá là 2.951 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong 6 tháng 2022 là chi phí lãi vay vốn hoá.
Trong cơ cấu nợ, Tisco đang vay nợ tài chính hơn 4.519 tỷ đồng. Công ty phải ghi nhận chênh lệch tỉ giá hối đoái âm hơn 180 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của các khoản phải trả, nên lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tisco âm gần 173 tỷ đồng.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường thép trong nước đã chứng kiến nhiều biến động về giá. Nguyên nhân là do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Điều này phần nào ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thép từ đầu năm nay.
Theo đó, giá thép đã tăng 7 lần trong 4 tháng đầu năm và tăng khoảng 2,4 triệu đồng/tấn. Trong tháng 3, giá thép tăng nóng 6 lần, vượt mức 19 triệu đồng/tấn. Trong 2 tháng tiếp theo, giá thép đã giảm 7 lần, trị giá lên đến 2,5 triệu đồng/tấn. Trong tháng 6, giá thép giảm 4 lần liên tiếp, về dưới mức 17 triệu đồng/tấn.
Nguyên nhân của sự biến động này là do trong 4 tháng đầu năm, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh sau Tết Nguyên đán ở Trung Quốc và khu vực ASEAN khiến giá phôi leo cao. Mặt khác, dịch bệnh khiến thời gian giao hàng kéo dài, nhập khẩu bị đình trệ, từ đó khiến giá thép tăng cao.
Trong tháng 5 và tháng 6, giá nguyên liệu đầu vào đồng loạt giảm so với tháng 3 do nhu cầu không mấy tích cực dù trong cao điểm mùa xây dựng. Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu suy yếu cũng là nguyên nhân làm giá thép giảm.
Thép là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất và vì thế, giá thép cũng có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nền kinh tế. Trên thực tế, giá thép chiếm 1,4% giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế, 6,2% chi phí trung gian của toàn nền kinh tế, 4% giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng (đường sá, cầu cống, công trình công cộng,…). Giá thép cũng chiếm 25% chi phí xây dựng căn hộ chung cư, 30% chi phí xây dựng căn nhà liền kề.
Lan Anh
Theo KTDU