Sự kiện hot
5 năm trước

Gánh nặng nợ xấu của Vinaplast

Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam (Vinaplast) có khoản nợ xấu 73,9 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 9/2019), bằng hơn nửa vốn chủ sở hữu, giá trị thu hồi ước tính chỉ đạt 7,8 tỷ đồng.

Vinaplast đã đạt được thỏa thuận về khoản nợ với Công ty cổ phần Nhựa Tân Phú, nhưng khoản nợ của Nhựa Tân Phú chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nợ xấu của Công ty.

Cuối tháng 10/2019, Tòa án nhân dân quận Tân Phú, TP.HCM đã công nhận quyết định sự thỏa thuận giữa Vinaplast và Nhựa Tân Phú.

Theo công nợ, tính đến ngày 8/10/2019, Nhựa Tân Phú còn nợ Vinaplast hơn 5 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận, Nhựa Tân phú có trách nhiệm thanh toán khoản nợ trên thành 34 kỳ liên tục, mỗi tháng một kỳ, mỗi kỳ thanh toán 150 triệu đồng. Nếu vi phạm, các khoản thanh toán chưa đến hạn sẽ trở thành đến hạn thanh toán.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thi hành thì hàng tháng phải chịu lãi suất hai bên thỏa thuận là 12%/năm, tương ứng với thời gian và số tiền chậm thanh toán.

Mặc dù đã đạt được thỏa thuận về khoản nợ trên, nhưng giá trị các khoản nợ xấu của Vinaplast vẫn lớn. Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý III/2019 của Vinaplast, thời điểm cuối quý, Công ty có gần 74 tỷ đồng nợ xấu, trong đó giá trị thu hồi ước tính chỉ đạt 7,8 tỷ đồng.

Khoản nợ xấu lớn nhất là của Công ty cổ phần Nhựa Vân Ðồn, gần 47,1 tỷ đồng. Ðây là một trong những công ty liên kết của Vinaplast và công ty này thua lỗ lớn trong năm 2018.

Nhựa Vân Ðồn và một số công ty con, công ty liên kết khác thua lỗ trong 9 tháng đầu năm 2019 khiến kết quả kinh doanh của Vinaplast càng thêm sụt giảm.

Báo cáo tài chính của Vinaplast cho biết, 9 tháng đầu năm, Công ty mẹ đạt doanh thu 69,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 37% và 57% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu hợp nhất đạt 97,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8,9 tỷ đồng, lần lượt giảm 40% và 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo lãnh đạo Vinaplast, lợi nhuận Công ty mẹ giảm chủ yếu do trong cùng kỳ năm trước có hoàn nhập khoản dự phòng đầu tư làm cho lợi nhuận năm trước tăng cao.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2019, Vinaplast có 154 tỷ đồng đầu tư vào 4 công ty con và 3 công ty liên kết.

Trong đó, 4 công ty thua lỗ gồm Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Nhựa Trường An, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Nhựa số một, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhựa Việt Nam và Công ty cổ phần Nhựa Vân Ðồn.

Nhựa Vân Ðồn có vốn điều lệ 198 tỷ đồng, Vinaplast góp 16,9 tỷ đồng, chiếm gần 9%. Năm 2017, Công ty đạt lợi nhuận trước thuế 2,3 tỷ đồng, nhưng sang năm 2018, lợi nhuận sau thuế âm 34,6 tỷ đồng và có nhiều công nợ khó đòi.

Vinaplast có nhiều khoản đầu tư kém hiệu quả và báo cáo tài chính có các chỉ số tài chính không hấp dẫn nên cổ phiếu VNP của Công ty hầu như không được nhà đầu tư quan tâm.

Hơn 2 tháng qua, giá cổ phiếu VNP dao động phổ biến dưới mức 5.000 đồng/cổ phiếu, tính thanh khoản rất thấp.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Vinaplast, thời điểm cuối tháng 9/2019, Công ty có giá trị đầu tư dài hạn 137,2 tỷ đồng, trong đó 33 tỷ đồng vào công ty con, 121,9 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, khoản dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn là gần 17,8 tỷ đồng; các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 83,8 tỷ đồng; nợ ngắn hạn 189,7 tỷ đồng; nợ dài hạn 8,8 tỷ đồng; vốn đầu tư của chủ sở hữu là gần 194,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chưa phân phối âm 68,5 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu giảm còn gần 125,9 tỷ đồng; chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) 9 tháng đầu năm 2019 là 555 đồng.

Hà Linh
Theo Tin nhanh Chứng khoán

Từ khóa: