Lượng tăng, giá tăng là điểm đáng chú ý trong diễn biến XK gạo thời gian qua. Những điều này có được là nhờ nhu cầu NK gia tăng từ nhiều thị trường, cả truyền thống và thị trường mới.
Nhu cầu nhập khẩu gạo đang gia tăng
Khởi sắc
Năm 2016 có thể nói là một năm u ám của XK gạo Việt Nam khi cả lượng và trị giá đều sụt giảm nghiêm trọng. Tình hình đó tiếp tục kéo dài sang những tháng đầu năm 2017. Trên thực tế, XK gạo của Việt Nam còn bị phụ thuộc lớn vào thị trường NK, chính vì vậy sự lên xuống bất thường là điều khó tránh khỏi. Như năm 2016, Trung Quốc không ngừng tăng các điều kiện về quy chuẩn, điều kiện kiểm dịch với gạo Việt Nam NK chính ngạch vào thị trường này như bổ sung quy định chiều ngang hạt gạo phải dưới 2mm. Chỉ một yêu cầu nhỏ nhưng một số loại gạo của Việt Nam XK sang Trung Quốc không đáp ứng được lập tức ảnh hưởng đến kim ngạch XK.
Tuy nhiên, trong 5 tháng gần đây, gạo Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại bởi nhiều thị trường đã “bật đèn xanh”. Thống kê đến hết tháng 8 của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch XK gạo ước đạt 4 triệu tấn, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2016; trị giá đạt 1,78 tỷ USD, tăng 20,3%. Lý do chủ yếu giúp XK gạo tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số lượng và trị giá nhờ sự tăng trưởng XK sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại.
Các khu vực thị trường mới, còn nhiều tiềm năng cũng có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tại thị trường Malaysia, các DN đã ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150.000 tấn; tại thị trường Bangladesh ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 250.000 tấn; tại thị trường Philippines, 4 thương nhân Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175.000 tấn gạo… So với con số vài triệu tấn XK gạo thì những hợp đồng Việt Nam mới ký được với Philippines hay Bangladesh không nhiều, nhưng theo ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)- một trong 4 DN trúng thầu phiên đấu thầu của Philippines, đó cũng là tín hiệu tốt thúc đẩy giá gạo trong nước ổn định trong thời gian tới.
Không chỉ tăng về kim ngạch, một tín hiệu vui cho các DN XK gạo là giá gạo cũng liên tục được cải thiện từ tháng 6 đến nay. Thời điểm ngày 1/6, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã đạt mức 405-415 USD/tấn và gạo 25% là 380-390 USD/tấn. Tính đến cuối tháng 8, giá gạo 5% tấm XK là 380-390 USD/tấn và gạo 25% tấm là 360-370 USD/tấn (vẫn cao hơn thời điểm đầu tháng 6 từ 10-20 USD/tấn). Gạo XK được giá đã góp phần cải thiện giá gạo trong nước, đem lại lợi nhuận cho người nông dân.
Vẫn cần theo dõi sát thị trường
Với tình hình khả quan này, XK gạo được dự báo tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, đặc biệt vấn đề hợp đồng chưa phải lo lắng nhiều khi nhiều nước đang tỏ ý muốn NK thêm gạo. Chẳng hạn, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) mới đây đã cho phép tư nhân nước này nhập khẩu 805.200 tấn gạo theo cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu (MAV) từ 7 quốc gia và xuất xứ bất kỳ nước nào. Riêng Việt Nam và Thái Lan, tư nhân được phép mua 293.100 tấn/nước. Loại gạo được DN tư nhân Philippines chọn mua là gạo 25% tấm và các loại gạo nếp, gạo thơm..., đây đều là loại gạo Việt Nam có thế mạnh. Thời gian giao hàng cho lượng gạo này được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 20/12/2017 - 28/2/2018; giai đoạn 2 từ ngày 1/6/2018 - 31/8/2018. Gói thầu mới sẽ là cơ hội giúp DN XK có thêm đơn hàng lớn gối đầu từ nay đến sang năm.
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Bangladesh sau 3 đợt đấu thầu gạo và mua 250.000 tấn của Việt Nam, nay đang đàm phán mua 200.000 tấn gạo của Thái Lan và có thể tiếp tục mua thêm gạo của Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, Ấn Độ tăng cao dự báo cũng tác động đến XK gạo của Việt Nam trong thời gian tới. Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm, kim ngạch XK gạo sẽ tiếp tục ổn định và tăng trưởng thêm khoảng 1,3% so với thời điểm 8 tháng.
Như vậy, trong ngắn hạn, hợp đồng không phải là vấn đề đáng lo ngại đối với XK gạo. Mục tiêu đạt khoảng 5,7 triệu tấn, tăng 800.000 tấn so với năm 2016 mà VFA đặt ra có thể hoàn thành. Tuy nhiên, các chuyên gia lúa gạo cũng cho rằng, không nên chủ quan bởi thực tế đã được nói ở trên là XK gạo của Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường NK. Do vậy, từ cơ quan quản lý cho đến các DN cần theo dõi sát diễn biến thị trường lúa gạo để có những định hướng kịp thời.
Bên cạnh đó, mặc dù cơ cấu gạo XK đang tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt) nhưng vấn đề này cần được chuyển dịch nhanh hơn. Bởi lẽ, XK gạo cũng như nhiều mặt hàng khác của Việt Nam không thể cứ mãi “chạy đua” về số lượng được khi đã đạt đến ngưỡng. Việc chuyển dịch sang phân khúc gạo cao cấp vừa giúp DN, người nông dân có thêm nhiều lợi nhuận vừa là cách để Việt Nam xây dựng thương hiệu gạo cho chính mình.
Phan Thu
Theo Báo Hải Quan