Từ tháng 9/2014 đến nay, trong khi VN-Index đã tăng được 20% thì cổ phiếu GAS đã giảm 46%, PVD giảm 82% so với VN-Index.
Con đường từ thời kỳ vàng kim tới bức tranh u ám của GAS và PVD (Ảnh: Internet)
Cách đây 3 năm, khi giá dầu thô ở ngưỡng 100 USD/thùng thì nhóm cổ phiếu thuộc "họ dầu khí" ở Việt Nam đã liên tiếp lập đỉnh, nằm trong top vốn hóa lớn của thị trường, đặc biệt 2 ông lớn trong ngành là Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (Mã: GAS) và Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD).
Từ đầu năm 2013 đến tháng 9/2014, giá cổ phiếu GAS đã tăng 114% còn PVD tăng 165% so với chỉ số VN-Index, trong khi VN-Index chỉ tăng hơn 20%.
Từ đó đến nay, VN-Index đã tăng được 20% ngược lại cổ phiếu GAS đã giảm 46%, PVD giảm 82% so với chỉ số VN-Index.
So sánh diễn biến chỉ số VNINDEX với giá cổ PVD, GAS từ năm 2013 đến nay (Nguồn: VnDirect)
GAS - "Ông lớn" dầu khí có sống dậy?
Giai đoạn trước năm 2014, GAS như một "kim chỉ nam" của chỉ số VN-Index. Kết quả kinh doanh xuống dốc kéo theo cổ phiếu liên tục tạo đáy.
Tính đến đầu năm 2016 giá cổ phiếu GAS giảm 75% sau hơn một năm. Tuy nhiên, đây cũng là đáy của cổ phiếu trong 4 năm qua, khi giá dầu hồi phục thì cổ phiếu GAS bắt đầu tăng trưởng trở lại, đến tháng 10/2016 đã tăng lên 70.000 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu GAS kể từ khi lên sàn đến nay (Nguồn: VnDirect)
Thông tin kết quả kinh doanh quý I khả quan nhưng dường như thị trường phản ứng khá thờ ơ với GAS khi cổ phiếu đi ngang hơn 2 tháng nay. Kết thúc ngày 22/6, cổ phiếu GAS chốt ở mức 57.000 đồng/cp, giảm khoảng 19% so với tháng 10/2016.
Có lẽ với GAS, niềm an ủi duy nhất của cổ đông là duy trì mức chi trả cổ tức tiền mặt cao. Năm 2016, cổ đông GAS nhận được cổ tức 40% bằng tiền, tương đương 4.000 đồng/cp.
Đơn vị: tỷ đồng (Nguồn: Reuters)
Ở thời kỳ đỉnh cao năm 2014, GAS có mức doanh thu kỷ lục 73.549 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm doanh nghiệp niêm yết, thậm chí lớn hơn cả doanh thu của 2 ông lớn Vinamilk và Vingroup cộng vào (khoảng hơn 63.000 tỷ đồng).
Giá dầu giảm mạnh, GAS cũng không thoát khỏi tình cảnh kết quả kinh doanh lao dốc. Năm 2017, GAS lại tiếp tục đặt đặt kế hoạch kinh doanh thụt lùi, chỉ bằng 2/3 so với kết quả năm 2014 với giả định giá dầu 50 USD/thùng.
Điểm sáng trong quý I/2017, GAS đã hoàn thành được 43% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm, một tín hiệu đáng mừng với doanh nghiệp sau một thời gian dài kinh doanh xuống dốc.
Tại ĐHCĐ của GAS, ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng ban phát triển thị trường khí đưa ra dự báo cho giá dầu cuối năm 2017 khoảng 59 USD/thùng, cả năm ở mức trung bình khoảng 56 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong một tháng trở lại đây, giá dầu đã mất mốc trên 50 USD/thùng, hiện tại chỉ còn khoảng 42 - 43 USD/thùng. Tín hiệu bất thường từ giá dầu làm dấy lên e ngại về một năm kinh doanh của GAS.
PVD - Tương lai u ám, cổ phiếu lại phá đáy
Thời kỳ năm 2014, doanh thu chạm ngưỡng tỷ đô, cổ phiếu PVD đã liên tiếp lập đỉnh, đạt mức trên 80.000 đồng/cp, EPS đạt 7.987 đồng, trở thành một trong những cổ phiếu dẫn dắt thị trường cùng với GAS.
Diễn biến cổ phiếu PVD theo sát diễn biến giá dầu từng ngày, giá dầu liên tục lao dốc xuống còn dưới 50 USD/thùng năm 2016 thì cổ phiếu PVD cũng tạo đáy. Vào cuối tháng 1/2016, giá cổ phiếu PVD chỉ còn hơn 16.000 đồng/cp, giảm 80% so với thời kỳ đỉnh cao.
Diễn biến giá cổ phiếu PVD từ khi lên sàn đến nay (Nguồn: VnDirect)
Với giá giảm 80% trong hơn 1 năm, nhiều nhà đầu tư đã cháy tài khoản vì kỳ vọng giá dầu hồi phục cũng như PVD có khả năng chống chịu qua thời kỳ khó khăn.
Quý I, PVD đưa ra bức tranh "u ám" trong kết quả kinh doanh khi đạt 503 tỷ đồng doanh thu, bằng 1/3 cùng kỳ, lãi sau thuế âm 200 tỷ đồng. Sau tin đó, cổ phiếu bị nhà đầu tư liên tục bán tháo và tiếp tục tạo đáy.
Cùng với đó, một tháng trở lại đây, giá dầu từ trên 50 USD/thùng giảm xuống còn khoảng 42 USD/thùng kéo theo giá cổ phiếu PVD lại tiếp tục phá đáy lần nữa. Kết thúc ngày 22/6, giá PVD chốt ở mức 13.000 đồng/cp.
Ở thời kỳ "vàng son" năm 2014, giá thuê giàn khoan của PVD khoảng 155.000 - 160.000 USD/ngày. Bên cạnh 4 giàn khoan sở hữu chưa đủ cung cấp cho thị trường, PVD còn hợp tác với các nhà thầu khoan Ensco, Seadrill, UMW, Shelf Drilling để cung cấp thêm 5 - 6 giàn khoan biển cho khách hàng (tăng hơn 50% so với bình quân chỉ có 3 giàn năm 2013). Đây là thời kỳ bùng nổ của PVD khi các nhà thầu mở rộng khai thác nhờ giá dầu tăng cao.
Đơn vị: tỷ đồng (Nguồn: Reuters)
Đến năm 2017, PVD lên kế hoạch doanh thu 2.300 tỷ đồng và đặt mục tiêu "không lỗ". Mức doanh thu PVD đặt ra chỉ bằng 1/9 với năm 2014, thậm chí còn thấp hơn cả mức lợi nhuận năm đó. Với tình hình kinh doanh khó khăn, PVD sẽ không chia cổ tức cho năm 2016.
Trong năm 2017, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo số giàn trung bình hoạt động của PVD chỉ đạt 2,5 giàn, tương đương với năm 2016.
BSC cho biết, hiện mức giá cho thuê giàn của PVD khoảng 50.000 - 60.000 USD/ngày, chỉ còn 1/3 so với thời kỳ năm 2014. Hiệu suất sử dụng giàn khoan quý I chỉ đạt 28%.
PVD đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như kế hoạch khai thác và thăm dò dầu khí chưa có nhiều biến chuyển, kế hoạch khai thác dầu của PVN giảm trong 2017; không còn nguồn đóng góp đáng kể từ các công ty liên doanh, liên kết. Điểm lo ngại nhất đối với PVD là gánh nặng trích lập dự phòng cho các khoản phải thu từ PVEP, hiện đang có dư nợ gần 1.000 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết điểm hòa vốn cho hoạt động kinh doanh của PVD tương ứng với giá dầu khoảng 60 USD/thùng. Năm 2017, PVD chủ yếu trông chờ vào khoản hoàn nhập dự phòng khoản phải thu để bớt lỗ.
Với mức giá dầu hòa vốn như trên cùng tình hình kinh doanh ngày càng sa sút liệu PVD có vượt qua thời kỳ khủng hoảng vẫn là một câu hỏi lớn.
Hoàng Kiều
Theo Vietnambiz