Sự kiện hot
5 năm trước

GDP quý 1 thấp kỷ lục 10 năm nhưng vẫn có những ngành tăng trưởng cao hơn năm 2019

Tăng trưởng quý 1/2020 tăng trưởng chỉ đạt 3,82% là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo thống kê của TCTK vẫn có một số ngành công nghiệp mũi nhọn có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2019 là điểm sáng cho cả nền kinh tế.

Theo báo cáo quý 1/2020 của Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%). Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%. Khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý 1 không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66%.

Nhận định về tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới các ngành kinh tế trong quý 1/2020, ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, TCTK cho biết: Các ngành đang chịu ảnh hưởng trầm trọng từ dịch bệnh. Đáng chú ý có các ngành chịu thiệt hại lớn như hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn... bên cạnh đó, rất nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn và nhiều địa phương trọng điểm cả nước ghi nhận suy giả ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng chung.

pham-dinh-thuy-1

Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, TCTK.

Các ngành có tăng trưởng thấp hoặc sụt giảm trong quý 1/2020 có thể kể tới là: Ngành sản xuất đồ uống, ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ trong nước (có mức tăng thấp hơn nhiều mức tăng cùng kỳ năm trước), ngành may mặc (chỉ tăng 7,7% thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2019), ngành sản xuất xe có động cơ (tăng trưởng thấp do nhu cầu toàn ngành ô tô giảm sút) và ngành sản xuất chế biến thục phẩm.

Một số ngành ít chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh nhưng cũng sụt giảm như ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại, đặc biệt là xi măng do ngành xây dựng sụt giảm; hay ngành sản xuất kim loại, do các doanh nghiệp lón ngành này ngừng hoạt động để sửa chữa bảo dưỡng dây chuyền sản xuất nên cũng sụt giảm; ngành khai thác dầu thô và khí đốt thiên nhiên cũng tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái do cạn kiệt tài nguyên, và giá dầu thế giới giảm mạnh.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cũng cho biết, có nhiều ngành chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh nhưng cũng vẫn có một số ngành công nghiệp mũi nhọn tăng trưởng tốt, là điểm sáng cho nền kinh tế như ngành sản xuất hoá dược và dược liệu.

Thứ 2 là ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Ngành này có thêm 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn Thanh Hoá, đã có sản phẩm 2 năm nay nhưng chưa tìm được tiếng nói chung với các nhà sản xuất trong nước. Nhưng đến nay đã có mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Thứ 3 là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính. Quý 1 năm nay ngành này tăng khá, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước, nhờ quý 1 năm nay nhà máy của Samsung cho ra đời dòng điện thoại di động thế hệ mới.

Ông Thuý chia sẻ thêm, đầu tư nước ngoài tiếp tục dịch chuyển vào Việt Nam. Điển hình như LG chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại di động từ Hàn Quốc về Hải Phòng Việt Nam. Đặc biệt có xu hướng dịch chuyển nhập khẩu linh kiện điện thoại từ Việt Nam thay các nước khác trên thế giới như trước đây.

Động lực nào cho mục tiêu tăng trưởng 6,8%?

Nói về kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam trong quý 2 và cả năm 2020, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ: Ngay sau khi có kết quả tăng trưởng quý 1 là 3,82%, TCTK đã khẩn trương xây dựng lại kịch bản tăng trưởng.

nguyen-bich-lam

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Kịch bản thứ 1 dự báo dịch chỉ kéo dài hết quý 2 thì tăng trưởng khoảng trên 5%. Kịch bản thứ 2, dịch kéo dài sang quý III, khi đó tăng trưởng cả năm vẫn trên 5% nhưng thấp hơn kịch bản 1.

TCTK cũng tính toán làm sao để cả năm 2020 đạt mục tiêu 6,8% khi nền kinh tế có độ mở trên 200%, riêng quý 1/2020 là 242%.

"Chúng ta phụ thuộc nhiều bên ngoài mà các đối tác lớn, trong khi các đối tác này đều đang đóng cửa biên giới, đóng cửa thương mại, ưu tiên phòng chống dịch bệnh. Như vậy kịch bản 6,8% là rất khó đạt được", ông Lâm nói.

Theo đó, ông Lâm nêu quan điểm của TCTK cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, 180 quốc gia và vùng lãnh thổ đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thì Việt Nam đạt tăng trưởng dương đã là thành công.

Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng lúc này. "Trong bối cảnh như hiện nay,  Chính phủ nên tìm mọi giải pháp điều hành. Các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh cá thể đều phải vào cuộc đưa ra các giải pháp hữu hiệu để đạt được kết quả tích cực nhất. Đó mới là điều cần bàn", ông Lâm nói.

5 nhóm động lực được TCTK đưa ra để duy trì đà tăng trưởng năm 2020 gồm:

Một là động lực thể chế. Tháo gỡ thể chế sẽ giúp giải ngân được vốn đầu tư công, tạo ra động lực cho tăng trưởng. "Chỉ cần thêm 1% vốn đầu tư công đã làm cho GDP tăng thêm 0,06 điểm %. Các năm vừa qua chúng ta chỉ giải ngân được 92-93% theo kế hoạch", ông Lâm nêu.

Thứ 2 là vốn đầu tư ngoài nhà nước và FDI phải tiếp tục được giải ngân và làm sao nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư cả công, tư và FDI. Theo tính toán của TCTK, nếu hệ số ICOR giảm 0,5 điểm thì GDP tăng 0,64 điểm %, giảm đc 1 điểm thì GDP tăng 1,52%. "Cho nên việc nâng cao hiệu quả vốn đầu tư cũng là giải pháp quan trọng cả trước mắt và lâu dài", Tổng cục trưởng TCTK nhấn mạnh.

Thứu 3 là nâng cao năng suất lao động, cơ cấu lại nền kinh tế, ứng dụng KHCN vao sản xuất kinh doanh, đối mới sáng tạo.

Thứ 4 là ứng dụng KHCN. Chúng ta cần quan tâm ứng dụng KHCN trong quản lý nhà nước và phát triển doanh nghiệp.

Cuối cùng cần tận dụng hiệu lực của EVFTA để tăng cường xuất khẩu ngày trong năm 2020. Xuất khẩu sang EU có thể tăng 20% trong năm nay nếu tận dụng tốt.

Đình Vũ
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: