Khép mình giữa phố phường Hà Nội tấp nập, cửa hàng bánh tẻ Xuân Phúc (số 128 A10 ngõ 385 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) nườm nượp khách vào ra. Hơn 15 năm lưu giữ hương vị gia truyền, cửa hàng bánh tẻ này đã chiếm trọn được niềm tin của khách hàng…
Bánh tẻ trong tiềm thức người Việt
Khi về những vùng quê Bắc Bộ, bạn thường được thưởng thức món bánh tẻ của những bà mẹ. Hình ảnh những bà mẹ cắp thúng bánh tẻ đi bán không biết từ bao giờ đã trở nên quen thuộc, bình dị.
Từ lâu, cư dân nông nghiệp ở vùng trung du Bắc Bộ đã tạo cho mình những đặc sản gắn liền với hạt gạo, hạt ngô do chính họ làm ra. Nhiều món bánh đã được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành món ăn dân dã mà đậm đà tình quê.
Bánh tẻ, có nhiều nơi gọi là bánh lá hoặc Bánh răng bừa vì có hình dáng giống cái răng bừa, là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói ngoài bằng lá dong và được luộc cho chín. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, ít nhiều khác nhau. Bánh tẻ đã có từ khá lâu, không ai biết rõ món bánh này có từ bao giờ, chỉ biết rằng chiếc bánh tẻ gắn bó với cuộc sống của người dân quê từ bao đời nay, gắn với cây lúa nước do chính bàn tay con người trồng cấy.
Bánh tẻ là món ăn đậm đà mà dân dã của vùng quê trung du Bắc Bộ. Người dân thường chế biến món bánh này để ăn hằng ngày hay vào dịp tết, cưới hỏi và bán thường ngày ở phiên chợ quê.
Bánh tẻ dài khoảng một gang tay, hình khum dẹt, lá loang loáng mỡ. Khi bóc bánh, bên ngoài có màu xanh nhạt từ màu xanh của lá dong, bên trong bánh có màu trắng và ở giữa là nhân.
Bánh tẻ tuy đơn sơ nhưng khi ăn để lại dư vị khó quên. Bánh tẻ quê có vị thơm của lá dong hòa lẫn mùi thơm của gạo, hành, thịt, có vị béo của thịt băm, cái mềm dẻo, giòn của bánh cộng với cái lật sật của mộc nhĩ tạo cảm giác vừa thanh vừa ngon khi thưởng thức.
Bánh tẻ thường được chấm với nước mắm rắc hạt tiêu xay với chanh, tỏi, ớt hoặc chấm với tương ớt.
Bánh tẻ ngon giữa đất Hà Nội
Ngày trước, chỉ vào dịp ngày rằm, ngày giỗ và Tết Nguyên đán người ta mới làm bánh tẻ để cúng. Ngày nay, bánh tẻ đã được tiêu thụ rộng rãi khắp thị trường để cung cấp nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng. Thế nhưng, hiện nay lại có rất nhiều cơ sở sản xuất chỉ vì lợi nhuận đã nhập các nguồn nguyên liệu rẻ tiền không rõ nguồn gốc để làm bánh, bánh không đảm bảo được bán ra thị trường nhằm kinh doanh lợi nhuận cao gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
Tại Hà Nội, cửa hàng bánh tẻ Xuân Phúc (số 128 A10 ngõ 385 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) từ lâu đã thành địa chỉ quen thuộc của người dân vốn ưu thích dòng bánh này.
Chị Phúc – chủ cửa hàng chia sẻ: "Gia đình tôi làm bánh đã được 16 năm nay rồi. Đây là nghề mà trước đây bố mẹ tôi cũng đã làm và truyền lại cho vợ chồng chị. Vì nghề gia truyền nên chúng tôi rất tâm huyết, làm bánh bằng chính cái “tâm”, và có lẽ cũng vì thế nên được nhiều khách hàng ghi nhận”.
Cũng theo chị Phúc: “Với tiêu chí “an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt đảm bảo sức khỏe cho khách hàng cũng như chính người thân của gia đinh mình ” nên khâu nguyên liệu được gia đình chị hết sức quan tâm, đặc biệt là gạo và nguyên liệu làm nhân bánh. Gạo để làm bột bánh tẻ được lựa chọn kỹ lưỡng, ít độ dẻo dính, ngâm khoảng 5 tiếng đồng hồ rồi cho vào xay. Gạo được cho vào cối xay với tỷ lệ nước nhất định, sao cho bột bánh càng nhỏ càng tốt. Bột càng nhỏ, bánh làm ra càng mịn.
Trong quá trình ngâm bột, người thợ làm bánh cần chú ý thường xuyên thay nước để tránh cho bánh bị chua. Sau khi ngâm đủ thời gian, trước khi gói, bột bánh được người thợ bánh quấy đều trên bếp đến khi bột ráo nước. Nhân bánh cũng được làm cẩn thận từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu sơ chế. Thịt để làm nhân phải bảo đảm độ tươi, dính. Nguyên liệu tươi ngon thì bánh mới không bị chua. Sau khi rửa sạch, thịt, mộc nhĩ và hành được thái hạt lựu. Tất cả các gia vị được tẩm ướp riêng và đảo sơ qua chín 80% sau đó mới trộn đều với nhau như vậy mới đảm bảo được độ đậm đà của nhân bánh. Lá gói cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng bằng cách lá dong được rửa nhiều lần với nước sạch, để ráo và lau khô bằng khăn sạch. Sau khi hoàn thành khâu sơ chế, bánh được gói lại, cuộn bằng dây và được hấp hoặc luộc 25 – 30 phút là chín”.
Để làm kịp lượng bánh lớn bán ra mỗi ngày (với 4.000 chiếc/ ngày), cửa hàng Phúc Xuân phải thuê thêm gần 10 thợ phụ, làm hầu như từ đêm hôm trước đến tối ngày hôm sau. Giá mỗi chiếc bánh tẻ được bán ra là 5.000 đồng/ chiếc. Hầu hết, các khách hàng của cửa hàng đều không ăn trực tiếp ở quán mà mua về, ăn tại văn phòng cũng như đặt ăn tại các bữa tiệc như đám cưới, hỏi, liên hoan...
Chị Hoàng Trinh (Đào Tấn, Hà Nội), là khách quen ăn bánh tẻ nhà anh chị Phúc Xuân cho biết: "Bánh ở đây rất ngon và không có hàn the nên mình rất yên tâm ăn. Nhân thịt và nấm, mộc nhĩ thơm ngon”.
Anh Nguyễn Xuân Mạnh (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) bày tỏ: “Cơ quan mình mọi người đều thích ăn bánh tẻ ở đây nên hầu như 7 ngày thì 5 ngày đi làm qua đây là mình mua đến cơ quan cho mọi người. Bánh ở đây đều được mọi người đánh giá là ngon, bản thân mình cũng thấy thế. Mình ăn ở nhiều nơi, mỗi nơi một vị nhưng thấy bánh tẻ Xuân Phúc là ngon hơn cả”.
Ngoài bánh tẻ ra, cửa hàng còn bán rất nhiều loại bánh khác như bánh chưng, bánh giò, các gia vị ăn kèm... rất tiện lợi.
Ngày nay, bánh tẻ đã trở thành món ăn hấp dẫn cung cấp dinh dưỡng cũng như hoạt động sống hàng ngày của người tiêu dùng . Tuy nhiên hiện nay, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số gia đình, cơ sở chế biến chạy theo số lượng không chú trọng chất lượng sản phẩm có xu hướng tìm đến các nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc để giảm bớt chi phí, công đoạn làm gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ sản xuất chân chính. Chính vì vậy, để tìm được cơ sở làm bánh có nguồn gốc, nguyên liệu đảm bảo là vô cùng cần thiết đối với người tiêu dùng. Bột và nguyên liệu từ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc là một hiểm họa lớn, nếu ăn thường xuyên sẽ gây hại không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, người tiêu dùng cần tìm hiều kỹ những cơ sở, cửa hàng bán các loại bánh đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm để tránh “tiền mất tật mang, rước bệnh vào người”.
Mai Quỳnh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng