Sự kiện hot
13 năm trước

Giá cả hàng hóa toàn cầu biến động dữ dội

Phiên giao dịch đêm qua (5/1), giá vàng giao sau tiếp tục tăng phiên thứ 4 liên tiếp bất chấp những số liệu kinh tế công bố trong ngày lạc quan hơn dự báo, trong khi giá dầu thô giảm khá mạnh do lượng dự trữ bất ngờ vọt lên.

Phiên giao dịch đêm qua (5/1), giá vàng giao sau tiếp tục tăng phiên thứ 4 liên tiếp bất chấp những số liệu kinh tế công bố trong ngày lạc quan hơn dự báo, trong khi giá dầu thô giảm khá mạnh do lượng dự trữ bất ngờ vọt lên.

Thị trường hàng hóa thế giới biến động mạnh do các thông tin kinh tế trái chiều từ Mỹ và châu Âu.

Vàng tăng phiên thứ 4

Trên sàn Comex ở New York, giá vàng giao tháng 2 tăng 7,4 USD, tương ứng 0,5%, lên 1.620,1 USD/ounce khi chốt phiên. Đây là mức giá chốt cao nhất của vàng loại này kể từ hôm 13/12 tới nay. Với 4 phiên đi lên vừa qua, giá vàng hiện đã tăng được 5,2%.

Phần lớn thời gian giao dịch trong ngày hôm qua, giá vàng đều ở dưới vùng 1.600 USD/ounce, do chịu áp lực từ các số liệu kinh tế Mỹ được công bố trong ngày lạc quan hơn dự báo của giới phân tích, cho thấy nền kinh tế đầu tàu đang hồi phục thực sự.

Cụ thể, theo một báo cáo, khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ trong tháng 12/2011 tạo được 325.000 việc làm mới, vượt xa các tháng trước. Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho hay, số người thất nghiệp lần đầu tuần trước giảm 15.000 xuống 372.000 người.

Tuy nhiên, chốt phiên, giá đồng Euro rơi xuống dưới 1,28 USD, do nhà đầu tư lo lắng trước tình hình ngân hàng châu Âu, khiến lực mua vàng tăng mạnh. Frank Lesh, nhà phân tích ở Chicago cho hay, mọi người bán tháo Euro để chuyển sang mua vàng.

Cùng đi lên với vàng trong phiên đêm qua, giá kim loại bạc loại hợp đồng tháng 3 tăng 20 cent, tương ứng 0,7%, lên 29,30 USD/ounce. Ngược dòng, đồng cùng kỳ hạn giảm 1 cent, tương ứng mức giảm 0,2%, xuống chốt ở 3,43 USD/lb.

Tương tự kim loại đồng, giá bạch kim và palladium giao sau cũng đi xuống vào cuối phiên 5/1. Cụ thể, giá bạch kim giao tháng 4 giảm 8,3 USD, tương ứng 0,6%, xuống 1.418 USD/ounce. Palladium giao tháng 3 giảm 9,15 USD xuống 644,4 USD/ounce.

Dầu thô bốc hơi trên 1%

Trong khi đó, chịu sức ép từ báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dự trữ xăng dầu tuần qua tăng mạnh hơn dự báo của giới phân tích, giá dầu thô hợp đồng giao sau tại New York đã sụt giảm khá mạnh.

Chốt phiên giao dịch 5/1, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 2 giảm 1,41 USD, tương ứng 1,4%, xuống 101,81 USD/thùng, chấm dứt chuỗi hai ngày tăng giá liên tiếp. Đà giảm càng trở nên mạnh hơn khi thị trường càng tiến sát tới thời điểm chốt phiên.

Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 30/12, lượng dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 2,2 triệu thùng, ngược với dự báo giảm 450.000 thùng của giới phân tích đưa ra trước đó.

Cũng theo báo cáo này, dự trữ xăng tăng 2,5 triệu thùng, các chế phẩm khác từ dầu tăng tới 3,2 triệu thùng. Trong khi giới phân tích dự báo rằng dự trữ xăng tăng 1,5 triệu thùng và các chế phẩm khác tăng 500.000 thùng.

Thị trường chịu áp lực lớn hơn khi đồng Euro suy yếu xuống dưới vùng 1,28 USD, làm tăng áp lực lên giá các mặt hàng được thanh toán bằng đồng bạc xanh. Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán trồi sụt nhẹ cũng gây sức ép lên thị trường năng lượng.

Cùng chiều với dầu thô, giá xăng giao tháng 2 giảm 5 cent, tương ứng 1,8%, xuống 2,74 USD/gallon. Dầu sưởi giao cùng kỳ hạn giảm 5 cent, tương ứng 1,7%, xuống 3,04 USD/gallon. Khí tự nhiên giảm 12 cent, tương ứng 3,8%, xuống 2,98 USD/ triệu BTU.

Giá nông sản trượt mạnh

Thị trường hàng hóa nông nghiệp giảm mạnh trong phiên 5/1, do áp lực từ việc đồng USD tăng giá mạnh. Cụ thể, giá ca cao giao sau tại New York giảm 47 USD, tương ứng 2,27% xuống 2.028 USD/tấn. Cà phê arabica giảm 3,15% xuống 219,55 cent/lb.

Giá đường thô thế giới giảm mạnh 5,28% xuống chốt ở 23,13 cent/lb. Giá gạo chưa xay xát giảm 0,34% xuống mức 14,485 USD/cwt. Giá đậu tương giao sau giảm 0,25% xuống mức 1.206 cent/bushel. Giá ngô giảm 0,31% xuống còn 641,5 cent/bushel.

Diệp Anh
Theo VnEconomy

Từ khóa: