Sự kiện hot
7 năm trước

Giá cá ngừ tăng ảnh hưởng tới tiêu thụ cá ngừ của Mỹ

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 5 tháng đầu năm 2017, Mỹ đã NK 98 nghìn tấn cá ngừ các loại, trị giá 616 triệu USD, tăng 0,9% về khối lượng và 6,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, cá ngừ đóng hộp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 76%, đạt 74 nghìn tấn, trị giá 345 triệu USD, giảm 0,2% về khối lượng và tăng 8,3% về giá trị so với nửa đầu năm 2016. Nguyên nhân là do giá cá ngừ vằn trên thế giới ở mức cao nên đã làm cho nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp của Mỹ không ổn định, tăng giảm phụ thuộc vào xu hướng giá và lượng hàng tồn kho tại Mỹ.

NK cá ngừ tươi, sống và đông lạnh của Mỹ đạt 24 nghìn tấn, trị giá 270 triệu USD, tăng 4% về khối lượng và 5% về giá trị so với cùng kỳ, tuy nhiên khối lượng NK cũng không ổn định qua các tháng. Nguyên nhân là do, giá cá ngừ tăng mặc dù đẩy giá sushi ở Mỹ tăng cao nhưng người dân vẫn chấp nhận mức giá này nên nhu cầu tiêu thụ vẫn tăng, nhưng không ổn định. Bên cạnh, do lệnh cấm khai thác tại các ngư trường đã làm giảm sản lượng khai thác của đội tàu Mỹ, nên dù giá cá ngừ cao nước này phải tăng NK cá ngừ đông lạnh để duy trì hoạt động của ngành sản xuất đồ hộp nước này.

Tính đến hết tháng 5/2017, Mỹ đang NK cá ngừ từ 60 nước trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), ASEAN hiện đang nguồn cung chính cho thị trường Mỹ, chiếm hơn 57% tổng khối lượng NK cá ngừ của Mỹ. Nếu xét về các nguồn cung đơn lẻ, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Ecuador, Indonesia, Fiji, Philippines, Mexico, Mauritius và Costa Rica là 10 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường Mỹ.

Thái Lan với thị phần áp đảo hơn 35% tổng khối lượng NK cá ngừ của Mỹ, hiện đang dẫn đầu về XK cá ngừ sang đây. Tiếp đến là Việt Nam chiếm 11%, Ecuador chiếm 8,9% và Trung Quốc chiếm 9%. Hiện NK cá ngừ của Mỹ từ ASEAN giảm so với cùng kỳ, do nguồn cung từ Thái Lan giảm. Năm nay, giá cá ngừ tăng cao đã làm giảm lợi nhuận của các DN Thái Lan, nên buộc DN phải giảm sản lượng đồ hộp dùng làm thực phẩm cho con người.

Cũng chính vì lý do đó, tại phân khúc thị trường cá ngừ đóng hộp, mặc dù vẫn chiếm vị thế áp đảo, nhưng thị phần cá ngừ của Thái Lan đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, thị phần của Ecuador, Việt Nam và Indonesia tăng. Ngoài Thái Lan, hiện tại XK cá ngừ đóng hộp của Trung Quốc, nguồn cung lớn thứ 3 cho Mỹ, giảm. Việc Mỹ tăng NK cá ngừ đóng hộp từ Việt Nam có thể thấy là để bù đắp lại lượng sụt giảm nguồn cung từ Thái Lan và Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ giảm nhẹ trong tháng 4, tuy nhiên sau đó đã phục hồi. Tổng giá trị XK cá ngừ sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2017 lên 108 triệu USD, tăng 16% so với 6 tháng đầu năm 2016.

Thăn/philê cá ngừ đông lạnh vẫn là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam sang đây, chiếm 60% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang đây. Trong nửa đầu năm nay, XK cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam sang Mỹ vẫn tiếp tục tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam sang đây đạt 40 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với mức thuế trung bình 10,1% cao hơn so với mức 9,2% của Trung Quốc, Ecuador, Philippines và Indonesia, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam vẫn khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước này trong dài hạn.

Dự báo, trong nửa cuối năm 2017, XK cá ngừ sang Mỹ vẫn sẽ khả quan. Các đơn đặt hàng sẽ tăng. Tuy nhiên, từ ngày 01/8/2017, Chương trình Giám sát NK Thủy sản của Mỹ (SIMP) sẽ có hiệu lực, do đó các DN cần phải tìm hiểu và chuẩn bị ngày các bộ hồ sơ có đầy đủ thông tin yêu cầu của chương trình này để có thể XK các lô hàng sang đây trong thời gian tới từ thời điểm này.

Nguyễn Hà
Theo Vasep

Từ khóa: