Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Giá cà phê Việt Nam tăng mạnh mặc xu hướng thế giới

Trái ngược với giá thế giới, giá cà phê Việt Nam tăng mạnh trong tháng 6, tính hết quý II/2022, giá cà phê trong nước tăng khoảng 8%.

Cà phê thế giới đồng loạt giảm

Trong tháng 6/2022, giá cà phê toàn cầu tăng 4,5% so với tháng trước lên mức trung bình 202,5 US cent/pound, cao nhất kể từ tháng 2. Trong tháng, mức giá cao nhất ghi nhận được là 208,7 US cent/pound vào ngày 1/6, nhưng sau đó giảm dần xuống chỉ còn 193,3 US cent/pound ngày 28/6.

Cuối tháng 6, giá cà phê thế giới giảm so với cuối tháng 5. Áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường toàn cầu nói chung. Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào khiến giá cà phê tiếp tục giảm.

Tại Brazil, đồng real giảm xuống mức thấp nhất 4,5 tháng so với đồng USD đã khuyến khích người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán hàng vụ mới. Tại Việt Nam, xuất khẩu cà phê robusta tháng 6 tăng so với tháng trước và tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm 2021. Điều này càng tạo thêm áp lực lên giá cà phê robusta.

Trên sàn giao dịch London, ngày 28/6, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7, tháng 9, giảm lần lượt 2,5%, 2,7% so với ngày 28/5, xuống mức 2.044 USD/tấn, 2.040 USD/tấn. Tính chung trong quý II, giá cà phê robusta giao trong tháng 7 và 9 giảm khoảng 2,4%. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, giá cà phê robusta giảm 6%. Đỉnh điểm hồi đầu tháng 3, giá giảm sâu quanh mốc 2.000 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/6 giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 7, tháng 9 giảm lần lượt 1,5%, 3,3% so với ngày 28/5, xuống mức 226 US cent/pound (tương đương 5.022 USD/tấn), 222,1 US cent/pound (tương đương 4.936 USD/tấn).

Tính chung trong quý II/2022, giá cà phê arabica giao tháng 7 và 9 cũng ghi nhận mức giảm lần lượt 2,4% và 4%. Nửa đầu năm nay, giá cà phê arabica mất 5,8% giá trị.

Cùng lúc đó, tình hình lạm phát tăng cao và các đồng Yên Nhật, EUR mất giá cũng ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của các nước.

Ngược xu hướng thế giới, giá cà phê Việt Nam tăng mạnh

Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam cho biết, ước tính trong tháng 6, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 145 nghìn tấn, trị giá 335 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với tháng 5, so với tháng 6/2021 tăng 13,3% về lượng và tăng 34,7% về trị giá.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,03 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay (chỉ tính riêng trong giai đoạn 6 tháng đầu năm) nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao.               

Tháng 6, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.309 USD/tấn, tăng 1,3% so với tháng 5 và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.258 USD/ tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021.

Xu hướng tăng đã xuất hiện từ tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 khi xuất khẩu chủng loại cà phê robusta, arabica và cà phê chế biến của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ cà phê excelsa.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê robusta trong tháng 5 đạt 125,1 nghìn tấn, trị giá 244 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 37% về trị giá so với tháng 5/2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê robusta đạt 792,4 nghìn tấn, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 27,2% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuât khẩu cà phê robusta sang nhiều thị trường chính tăng, gồm: Đức, Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Anh, Hà Lan. Ngược lại, xuất khẩu cà phê robusta sang Nhật Bản, Algeria, Trung Quốc, Malaysia, Pháp giảm.

Hoài Anh/ KTDU

Từ khóa: