Sự kiện hot
7 năm trước

Giá cá tra, tôm nguyên liệu tăng mạnh trong tháng 9 vì nhu cầu lớn

Giá cá tra, tôm nguyên liệu tăng vào thời điểm hiện nay chủ yếu nhờ thị trường xuất khẩu đang hút hàng để đáp ứng nhu cầu cuối năm, trong khi nguồn cung hạn chế.

Trong 9 tháng đầu năm, giá cá tra và tôm trong nước nhìn chung có xu hướng khởi sắc, với sức tiêu thụ ở một số thị trường chính vẫn ổn định, giúp việc tiêu thụ nguyên liệu khả quan.

Về nuôi trồng thủy sản

Trong tháng 9, các đợt không khí lạnh từ phía bắc và dải hội tụ nhiệt đới đã gây ra mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là cơn bão số 10 gây thiệt hại nặng cho miền Trung.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 9 ước đạt 348 nghìn tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, sản lượng ước đạt 2.813 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa

Với cá tra, các ao nuôi cá tra đang tích cực thu hoạch phục vụ nhu cầu của các nhà máy chế biến trong dịp cuối năm. Diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL đạt 5.142,9 ha, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng thu hoạch 9 tháng tăng trưởng khá, đạt 998 nghìn tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các tỉnh có diện tích và sản lượng cá tra lớn vẫn phát triển nuôi mạnh là Đồng Tháp (390 nghìn tấn, tăng 18,7%), Cần Thơ (133,9 nghìn tấn, tăng 13,5%).

Giá cá tra thương phẩm trong tháng 9 vẫn ổn định ở 24.000 – 26.500 đồng/kg, tăng 19 – 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng này tăng khá mạnh lên 25.000 – 27.000 đồng/kg, vì nguồn cung yếu. Giá cá tra nguyên liệu size lớn, trọng lượng trên 1kg/con tăng 2.000 – 2.500 đồng/kg so với tháng trước lên 24.500 – 25.000 đồng/kg.

Giá cá tra giống cũng có xu hướng tăng do khan hàng trong khi nhu cầu thả nuôi tăng cao.

Ảnh minh họa

Với tôm, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước trong 9 tháng đầu năm nay ước đạt 696,2 nghìn ha, tăng 4,4% với sản lượng thu hoạch ước đạt 468,3 nghìn tấn, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tại các tỉnh Nam Trung Bộ và ĐBSCL, thời tiết thuận lợi, tôm thẻ chân trắng thả nuôi ít mắc bệnh nên nhiều nơi thu hoạch có lãi.

Diện tích và sản lượng nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tăng mạnh.

Trong đó, diện tích nuôi tôm sú lên 583,8 nghìn ha, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái; với sản lượng thu hoạch tăng 11,3% lên 188,1 nghìn tấn.

Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng 16,1% lên 72,4 nghìn ha với sản lượng đạt 2,16,3 nghìn tấn, tăng tới 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá tôm thương phẩm trong tháng 9 tăng so với những tháng trước. Với tôm thẻ chân trắng cỡ 60 – 70 con/kg có giá 120.000 – 130.000 đồng/kg; cỡ 100 – 110 con/kg có giá 100.000 – 105.000 đồng/kg.

Giá tôm sú cỡ 40 – 50 con/kg là 220.000 – 230.000 đồng/kg; cỡ 70 – 80 con/kg là 140.000 – 150.000 đồng/kg.

Tương tự, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL cũng tăng mạnh, đặc biệt là mặt hàng tôm sú với mức tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại Bạc Liêu, Cà Mau, giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg là 260.000 – 270.000 đồng/kg; loại 30 con/kg là 225.000 – 235.000 đồng/kg.

Về khai thác thủy sản

Thời tiết trên biển trong mùa mưa bão có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác thủy sản, đặc biệt là đội tàu làm nghề lưới rê, chụp mực.

Tuy nhiên, đánh giá chung 9 tháng vừa qua, thời tiết, ngư trường thuận lợi trong vụ cá Bắc. Vụ cá Nam năm nay kéo dài thêm một tháng đã giúp thời gian bám biển của ngư dân dài thêm.

Khải thác thủy sản trên biên theo mô hình tổ, đội đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, hạn chế được những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, sự cố kỹ thuật,…

Ước 9 tháng năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản đạt 2.635,8 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khai thác biển ước đạt 2.491,8 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Tình hình xuất - nhập khẩu thủy sản

Tháng 9, xuất khẩu thủy sản ước đạt 696 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu các mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm lên 5,91 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, chiếm 55,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu thủy sản ước đạt 124 triệu USD trong tháng 9, và đạt 1,04 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 8 tháng đầu năm là Ấn Độ (chiếm 28% thị phần), Trung Quốc (8,5%), Na Uy (7,7%), Đài Loan (6,8%) và Nhật Bản (5,4%).

Thanh Tùng

Theo KTTD,Vietnambiz

Từ khóa: