Sự kiện hot
7 năm trước

Giá cau cao ngất ngưởng, thương lái đua nhau 'gom hàng' xuất sang Trung Quốc

Trong thời gian gần đây, nhiều thương lái trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tỏa đi khắp địa bàn các huyện lùng sục mua cau với giá cao chót vót để bán sang Trung Quốc.

Gần 2 tháng nay, có hàng chục thương lái tại huyện Yên Thành (Nghệ An) đã tỏa đi khắp địa bàn toàn tỉnh để thu mua cau. Cau càng non thì giá thành càng cao, số lượng cau già sẽ được thu mua với giá rẻ hơn.

Là một trong những thương lái đi thu mua cau, anh Nguyễn Văn Nam (huyện Yên Thành) cho biết, trong thời gian gần đây, anh đi thu mua cau về nhập cho một chủ lò sấy khô trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi ngày thu mua từ 200 – 250kg cau ngay tại vườn nhà dân.

“Do nguồn cau ngày càng ít, nên có nhiều người phải tỏa đi sang tận Hà Tĩnh để thua mua. Loại cau nhập cho lò sấy phải là cau non, được chọn lựa một cách kĩ càng, còn những loại cau vỏ đã vàng hay hạt đông đặc thì giá rẻ hơn", anh Nam nói.

Thương lái đổ xô đi mua cau để xuất sang Trung Quốc. Ảnh Hoài Nam

Một thương lái khác cho biết, bình thường, giá cau giao động từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, nhưng thời điểm hiện tại đã lên tới 14.000 – 16.000 đồng/kg. Sau khi thu mua, các thương lái sẽ mang đi nhập cho chủ lò sấy rồi xuất sang Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Dương Thanh (47 tuổi) chủ lò sấy cau tại xã Tăng Thành cho biết, mỗi tháng lò sấy của ông thu mua khoảng 100 tấn cau từ các thương lái đổ về với giá 17.000 – 18.000 đồng/kg để sấy khô nhập cho các công ty ở Trung Quốc.

“Như hiện nay thì nhu cầu cau non tại thị trường Trung Quốc là rất lớn. Về nghề thu mua cau thì gia đình tôi đã thu mua tại miền Bắc và nhập sang Trung Quốc từ hơn 30 năm qua. Mấy năm nay, tôi chuyển vào quê vợ ở Nghệ An thu mua, xây dựng lò sấy để làm”, ông Thanh nói.

Cau sau khi thu mua về sẽ được sấy khô. Ảnh Hoài Nam

Ông Thanh cho biết, để nhập mặt hàng này qua Trung Quốc phải có quy trình, và cau phải được chọn lựa kỹ càng.

“Cau nhập thì phải có độ non nhất định. Sau khi cắt bỏ khỏi cành, cau được đem luộc chín bằng nước lạnh khoảng 1 giờ đồng hồ trước khi cho lên lò sấy.

Sau khi luộc chín, cau được đem để lên những giàn sấy thủ công và sử dụng than củi, và than tổ ong để sấy cau trong vòng 6 ngày 6 đêm liên tục để cho ra sản phẩm. Thông thường 7kg cau tươi sẽ cho ra 1kg cau khô thành phẩm”, ông Thanh cho biết.

Người dân đang chọn lựa cau để đóng gói thành phẩm. Ảnh Hoài Nam

Sau khi sấy khô, chủ cơ sở này phải thuê nhân công phân loại những quả cau đạt tiêu chuẩn “xuất ngoại”.

“Những quả cau đã già, hạt đã đông đặc thì họ không nhận. Loại này tôi phải tách ra lấy hạt bên trong, còn vỏ thì phải vứt bỏ. Hạt cau sấy khô này họ nhập làm gì thì tôi cũng chưa rõ”, ông Thanh nói.

Cũng giống như những thương lái khác, ông Thanh không biết chính xác thị trường Trung Quốc mua cau non để làm gì.

“Nhiều người cũng thắc mắc, nhưng tôi cũng không biết họ thu mua cau non để làm gì. Tôi chỉ biết sơ sơ các công ty ở Trung Quốc họ thu mua loại cau này để sản xuất kẹo có công dụng chống viêm họng. Ăn vào nóng người, tốt cho mùa đông”, ông Thanh cho biết.

Theo chủ cơ sở thu mua thì 7kg cau tươi sau khi sấy khô sẽ được 1kg cau thành phẩm. Ảnh Hoài Nam

Theo chủ cơ sở thu mu này thì từ tháng 7 âm lịch đến tháng 11 âm lịch hàng năm là dịp thu mua cau. Do giá cau tăng cao, nên người dân tại địa bàn này đã lùng sục khắp các địa phương trong tỉnh để thu mua cau.

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Thành cho biết, địa phương hiện có khá nhiều xã trồng cau, nhưng người dân chủ yếu có truyền thống trồng cau để ăn trầu.

“Việc nhiều người dân đi mua cau non thì giờ tôi mới nghe thông tin. Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mua cau non nữa và sẽ kiểm tra lại. Nếu việc này là thật thì sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cau trong tương lai”, ông Dương nói.

Hoài Nam
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: