Mặc dù khép lại phiên cuối tuần với mức giảm, song chuỗi ngày tăng trước đó vẫn giúp “vàng đen” ghi nhận một tuần giao dịch đầy ấn tượng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: wbrz.com)
Giá dầu đi lên trong hầu hết các phiên giao dịch tuần này, nhờ những dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu của Mỹ đang có chiều hướng giảm dần, qua đó rút bớt gánh nặng về tình trạng dôi dư nguồn cung cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nối gót đà tăng mạnh từ cuối tuần trước, giá dầu tại thị trường Mỹ và Anh vẫn tiếp tục tiến bước trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 13/4), song với biên độ khá hẹp, do báo cáo của hãng cung cấp dữ liệu năng lượng Genscape cho thấy nguồn cung dầu thô của Mỹ tại Cushing, bang Oklahoma tăng thêm, một tín hiệu cho thấy dầu mỏ Mỹ có thể tiếp tục tràn ngập thị trường.
Tới phiên giao dịch liền sau đó, giới đầu tư đã vững tâm hơn khi nhận được “tin vui” từ báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán sản lượng khai thác dầu đá phiến tại Mỹ sẽ giảm, qua đó giúp giá dầu thế giới tăng phiên thứ tư liên tiếp.
Bất chấp hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra sôi động, thị trường “vàng đen” vẫn duy trì đà tăng trong hai phiên tiếp theo, thậm chí còn xác lập mức cao nhất kể từ đầu năm 2015 vào ngày 15/4, sau khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho hay sản lượng khai thác dầu của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 10/4 đã giảm 20.000 thùng (0,2%), chỉ đạt 9,38 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, lượng dầu thô trong kho dự trữ chiến lược của Mỹ trong tuần trước cũng tăng ít hơn dự kiến.
Ngoài ra, cũng trong phiên này, đà tăng của giá dầu còn nhận được sự hậu thuẫn từ việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cắt giảm dự báo nguồn cung dầu mỏ của các nước ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đồng thời nâng dự báo về triển vọng tiêu thụ loại nhiên liệu này trong năm 2015.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 17/4), giá dầu đã quay đầu đi xuống, do những lo ngại về tình trạng cung vượt quá cầu bắt đầu “nóng lên”, sau khi OPEC, vốn chiếm 1/3 sản lượng dầu của thế giới, vừa công bố báo cáo cho hay sản lượng dầu mỏ của tổ chức này trong tháng Ba đã tăng 810.000 thùng/ngày, đạt mức trung bình 30,79 triệu thùng/ngày, vượt quá hạn ngạch về sản lượng mà tổ chức này đề ra là 30 triệu thùng/ngày.
Chuyên gia phân tích Tim Evans từ Citi Futures cho rằng một số người chỉ quan tâm tới việc sản lượng khai thác dầu mỏ của Mỹ giảm, số dàn khoan rút bớt và mức tăng trong kho dự trữ dầu của nước này chậm lại.
Theo ông, xu hướng gia tăng sản lượng dầu của OPEC là điều đáng quan ngại đối với tình trạng dư cung hiện nay. Ông Evans dự báo trong quý II năm nay, mức dư thừa nguồn cung dầu trên thế giới sẽ ở mức 1,9 triệu thùng/ngày hoặc hơn.
Kết thúc phiên cuối tuần, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 5/2015 giảm 97 xu, xuống 55,74 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2015 hạ 53 xu, xuống 63,45 USD/thùng.
Tuy nhiên, nhờ đà tăng từ đầu tuần, mặt hàng nhiên liệu chiến lược này vẫn ghi dấu tuần tăng giá ấn tượng.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ tăng 7,9%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 25/2/2011, khi giá dầu này tăng 13,5%. Còn giá dầu Brent cũng tăng 9,6%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 16/10/2009.
Giới chuyên gia nhận định rằng, cuộc can thiệp quân sự của Saudi Arabia vào Yemen được cho là một nguyên nhân giúp giá dầu liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Các nhà đầu tư dự đoán, nếu cuộc can thiệp quân sự này kéo dài và nguy cơ chiến tranh lan rộng, nguồn cung từ Saudi Arabia có thể bị gián đoạn và thị trường dầu mỏ có thể tiếp tục khởi sắc.
Minh Trang
theo Vietnam+