Sự kiện hot
8 năm trước

Giá dầu thế giới tăng

Giá dầu tăng phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày 15/2 với giá dầu ngọt của Mỹ lên trên mốc 30 USD/thùng...

Lúc 13h00 giờ New York, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 3/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 71 cent lên 30,15 USD/thùng.

Thứ Hai 15/2, thị trường New York đóng cửa ngày sớm lúc 13h chiều để nghỉ lễ Ngày Tổng thống và giới đầu tư sẽ quay lại vào thứ Ba. Phiên thứ Sáu 12/2, giá dầu WTI tăng hơn 12% lên 29,44 USD/thùng sau khi giảm 19% trong 6 phiên trước đó, nhưng cả tuần trước giá vẫn mất 4,7% và giảm gần 21% kể từ đầu năm đến nay.

Giá dầu Brent giao tháng 4/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 3 cent lên 33,39 USD/thùng, trước đó, trong phiên giá có lúc lên 33,97 USD/thùng.

Giá dầu tăng trong bối cảnh thị trường tiếp tục bàn về khả năng diễn ra phiên họp giữa các nước thành viên OPEC. Cuộc gặp này khiến thị trường lạc quan với hy vọng OPEC sẽ nhất trí cắt giảm sản lượng. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 1/2016 giảm 20% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua khi các nhà máy lọc dầu giảm công suất do lượng lưu kho nhiên liệu tăng mạnh.

Giá dầu giảm trong đầu phiên 15/2 khi số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu và nhập khẩu của nước này trong tháng 1/2016 thấp hơn dự kiến, gây lo sợ về đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

Bên cạnh đó, USD tăng lên và việc Iran bắt đầu xuất khẩu dầu thô sang châu Âu lần đầu tiên trong 3 năm qua sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ cũng gây áp lực lên giá dầu.


Giá dầu ngày 15/2 tăng phiên thứ 2 liên tiếp với giá dầu Mỹ lên trên mốc 30 USD/thùng lần đầu tiên trong một tuần qua. (Ảnh minh họa).

Trước đó, vào cuối ngày 11/2, WSJ đưa tin Bộ trưởng Năng lượng UAE tuyên bố các nước thành viên OPEC đã sẵn sàng thu hẹp bớt hoạt động sản xuất năng lượng. Bộ trưởng Năng lượng Venezuela cũng khẳng định nội bộ OPEC đang đạt được sự đồng thuận về giải pháp giúp giá dầu tăng trở lại. Thông tin này giúp giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 tăng 3,23 USD, tương đương 12%, lên mức 29,44 USD/thùng tại phiên ngày 12/2 trên thị trường New York. Đây là phiên tăng mạnh nhất của giá dầu tính từ năm 2009. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá dầu WTI vẫn hạ 5,5%.

Dù vậy, không ít chuyên gia trong giới đầu tư tỏ ra hoài nghi về thông tin được WSJ đăng tải bởi trước đó đã có nhiều lời đồn đoán như vậy, nhưng khả năng giảm sản lượng đã không xảy ra.

Giám đốc điều hành Hãng năng lượng Kuwait Petroleum International (KPI) của Kuwait, ông Bakheet Al-Rashidi nhận định giá dầu có thể đạt ngưỡng 50-60 USD/thùng vào giữa năm 2017 và 60-80 USD/thùng trong 3 năm tới.

Phát biểu trước báo giới tại một sự kiện của KPI diễn ra cuối tuần qua ở London (Vương quốc Anh), ông Al-Rashidi cho rằng sự suy giảm mạnh của giá dầu thời gian qua là do tình trạng dư cung quá mức trên thị trường và nhu cầu suy yếu tại châu Á, nhất là Trung Quốc, đồng thời khẳng định thị trường dầu mỏ toàn cầu đang trải qua một sự điều chỉnh và đã chạm đáy.

Đánh giá triển vọng của giá dầu trong trung hạn, ông khẳng định: "Chúng ta có thể chứng kiến giá dầu đạt mức 60-80 USD/thùng trong 3 năm nữa."

Trong một báo cáo mới đây, hãng đầu tư Jadwa Investment (Saudi Arabia) đánh giá giá dầu sẽ vẫn tiếp tục giai đoạn ảm đảm đến hết năm 2016, chủ yếu do thị trường tràn ngập nguồn cung.

Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các thành viên trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ vẫn là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường.

Ngay cả khi nguồn cung của các nhà sản xuất ngoài OPEC bắt đầu giảm trong năm 2016, sự trở lại thị trường dầu mỏ thế giới của Iran tiếp tục gây áp lực lên giá dầu.

Báo cáo của OPEC cho rằng nguồn cung của các nhà sản xuất ngoài OPEC sẽ giảm 0,5 triệu thùng/ngày trong năm 2016.

Hai nước sản xuất lớn nhất ngoài OPEC là Mỹ và Nga có thể chứng kiến sự sụt giảm sản lượng.

Đối với Nga, các lệnh trừng phạt quốc tế khiến các công ty dầu mỏ nước này khó tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế và việc Moskva đề xuất tăng thuế khai thác dầu thô nhằm tăng thu ngân sách có thể sẽ khiến sản lượng dầu của Nga giảm trong năm 2016.

Theo hãng đầu tư Jadwa Investment, sự sụt giảm sản lượng của Nga và Mỹ sẽ được bù đắp một phần bởi sự tăng cung trong OPEC.

Sản lượng của OPEC dự kiến tăng thêm 0,5 triệu thùng/ngày trong năm 2016, lên mức trung bình 32,9 triệu thùng ngày.

Hầu hết mức tăng này của OPEC đến từ Iran, quốc gia vừa thoát khỏi các lệnh cấm vận quốc tế.

Trong khi đó, sản lượng khai thác của Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất OPEC, sẽ không thay đổi ở mức 10,2 triệu thùng năm 2016.

Tuyết Mai (Tổng hợp)
theo ĐS&PL

Từ khóa: