Sự kiện hot
7 năm trước

Giá nhà đất dọc tuyến metro Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đang biến động như thế nào?

Theo Gachvang, chỉ trong một năm trở lại đây, dọc hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội, giá trị nhà đất thể hiện xu hướng tăng trưởng rõ ràng từ hơn 20% cho đến hơn 100%.

Báo cáo xu hướng giá trị bất động sản (BĐS) quanh khu vực các tuyến metro Hà Nội của Công ty TNHH MTV Gachvang.com vừa cho biết, chỉ trong một năm trở lại đây, dọc hai tuyến đường sắt đô thị đang triển khai là Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội, giá trị nhà đất thể hiện xu hướng tăng trưởng rõ ràng từ hơn 20% cho đến hơn 100%.

Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài 13 km và đi hoàn toàn trên cao với 12 ga đi trên cao. Dự án này đã điều chỉnh cả thời gian thực hiện và tổng mức đầu tư so với kế hoạch dự kiến ban đầu thành khởi công vào tháng 10/2011 với tổng vốn hơn 868 triệu USD. Điểm đầu của tuyến tại nút giao cắt đường Cát Linh – Giảng Võ, đi theo đường Hào Nam, qua phố Hoàng Cầu tới đường Láng, sau đó chạy ngang qua sông Tô Lịch, rồi chạy dọc theo trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung và kết thúc tại ga Bến xe Yên Nghĩa.

Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài 13 km, điểm đầu của tuyến tại nút giao cắt đường Cát Linh – Giảng Võ và kết thúc tại ga Bến xe Yên Nghĩa. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Dọc theo tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, Gachvang khảo sát giá đất tại một số tuyến đường chính có cư dân đông đúc thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội như đường Vũ Thạnh, Hào Nam, An Trạch (thuộc phường Cát Linh); đường Đặng Tiến Đông, Thái Hà (thuộc phường Trung Liệt); đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa) và đường Nguyễn Viết Xuân thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông.

Trong đó, khu vực hiện có giá BĐS cao nhất chính là đường Thái Hà với giá bán xấp xỉ 400 triệu đồng/m2. Mức giá tiếp đó giảm dần tại ba tuyến đường thuộc phường Cát Linh là An Trạch, Hào Nam và Vũ Thạnh. Khu vực đường Đặng Tiến Đông có giá đất thấp nhất trong số 5 con đường được khảo sát - ở mức 310 triệu đồng/m2, thấp hơn giá đất tại đường Thái Hà đến khoảng 90 triệu đồng/m2 dù hai con đường này nằm cách nhau chỉ chưa đầy 300m.

(Nguồn: Gachvang - Click vào hình để xem với kích thước lớn hơn)

Xét về yếu tố biến động giá BĐS tại thời điểm tháng 3/2018 so với cùng kỳ tháng 3/2017, đường An Trạch có mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng với hơn 106% (tức là giá đất năm nay gấp hơn hai lần giá đất năm trước). Theo sát nút là đường Đê La Thành với mức tăng hơn 97% (gần gấp đôi). Trong khi đó, mức tăng giá tại đường Nguyễn Viết Xuân lại chỉ là gần 24%. Như vậy, giá đất tại khu vực nội thành (trên các con đường thuộc quận Đống Đa, Ô Chợ Dừa và Cát Linh) đang có tốc độ tăng trưởng nhanh gấp đến hơn 4 lần so với khu vực ngoại thành (quận Hà Đông).

Còn tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội có tổng vốn đầu tư khoảng 33.000 tỷ đồng; được khởi công từ năm 2006 và dự kiến đến cuối năm 2010 hoàn thành, nhưng sau đó bị lùi tiến độ đến năm 2015, 2017 và đến nay xác định tới 2021 cố gắng hoàn thành. Công trình dài khoảng 12,5 km chạy dọc Quốc lộ 32 từ Nhổn qua các đường Hồ Tùng Mậu – Cầu Giấy – Kim Mã – Núi Trúc – Cát Linh – Trần Quý Cáp và kết thúc ở ga Hà Nội.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội dài khoảng 12,5 km, tổng vốn đầu tư khoảng 33.000 tỷ đồng. (Ảnh: Infonet)

Đối với metro Nhổn – ga Hà Nội, Gachvang cho thấy việc khảo sát giá BĐS được thực hiện tại các tuyến đường giao cắt phía dưới hoặc lân cận hướng tuyến mà metro đi qua như đường Kiều Mai, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Đức Thọ (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm), đường Phan Văn Trường, Trần Quý Kiên, Trần Đăng Ninh (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) và đường Kim Mã (phường Kim Mã, quận Ba Đình).

Trong số đó, tuyến đường có giá BĐS cao nhất lại không phải các tuyến đường trực tiếp giao cắt với làn đường phía dưới tuyến metro mà lại là đường Trần Đăng Ninh - chỉ nằm gần hướng tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, giá đất tại đây lên đến gần 390 triệu đồng/m2. Đứng vị trí thứ hai là đường Kim Mã với mức gần 318 triệu đồng/m2.

Còn lại ba tuyến đường Trần Quý Kiên, Chùa Hà và Phan Văn Trường có giá đất thấp hơn rõ rệt, dao động trong khoảng từ 193 - 236 triệu đồng/m2. Như vậy, giá đất tại đường Trần Đăng Ninh cao gấp đôi giá đất tại đường Phan Văn Trường (phần lớn con đường này đang hoạt động kinh doanh Chợ Nhà Xanh, chủ yếu bán quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm... cho sinh viên) dù hai con đường này cách nhau chỉ 800m.

(Nguồn: Gachvang - Click vào hình để xem với kích thước lớn hơn)

Đáng chú ý, dù không lọt top những cung đường có giá BĐS cao nhất dọc tuyến Nhổn - ga Hà Nội nhưng đường Nguyễn Cơ Thạch lại đang dẫn đầu về tốc độ tăng giá nhà đất với mức 40% trong tháng 3 này so với cùng kỳ năm trước. Các tuyến còn lại chỉ có mức tăng dao động trong khoảng từ 20,5 - gần 27%. Có thể thấy, mức tăng trưởng giá đất này còn thua xa so với mức tăng trưởng giá đất của các tuyến dọc trục Cát Linh - Hà Đông nói trên.

Trao đổi với PV, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, thường ở các khu vực có đầu mối ga, nơi đặt các trạm nghỉ thì giá trị đất đai sẽ được kích thích tăng cao.

“Nhưng những nơi mà đường sắt đô thị chỉ đi qua (không có trạm dừng) thì giá trị đất lại thấp đi bởi ở những nơi này người dân không tiếp cận được với tuyến metro, tiếng ồn, bụi, rung chấn do tàu chạy nhanh... sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống tại đây, đó là còn chưa kể đường tàu thường cao hơn nhà rất nhiều. Tâm lý chung là không ai thích ở những khu vực này”, KTS. Tùng nói thêm.

Ông đưa ra nhận định rằng Việt Nam đi sau thế giới rất nhiều về tốc độ phát triển các tuyến đường sắt đô thị trên cao khi đến Triều Tiên cũng đã có tàu điện ngầm từ những năm 1960. Hiện nay, tốc độ thực hiện các tuyến metro cũng chậm, còn vướng mắc nhiều vấn đề như quy hoạch ngầm, chọn vị trí đặt các nhà ga, giải phóng mặt bằng...

Hiếu Quân
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: