Giá trị xuất khẩu các mặt hàng như rau quả, cà phê, gạo và chăn nuôi đã tăng mạnh, mang lại lợi ích kinh tế cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 7 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%; thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; lâm sản đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11%; đầu vào sản xuất đạt 210 triệu USD, tăng 12,7%.
Tính đến hết tháng 7/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% - mức giảm nhẹ hơn so với những tháng trước. Cụ thể, giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản đạt 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%.
Tuy nhiên, nhóm nông sản xuất khẩu thu về 14,99 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,23 tỷ USD, tăng mạnh 68,1%; gạo đạt 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%. Ngoài ra, sản phẩm chăn nuôi cũng đạt 276 triệu USD, tăng 27,4%.
Đáng chú ý, giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đua nhau tăng mạnh, lập kỷ lục lịch sử. Minh chứng là giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt mức cao kỷ lục 2.828 USD/tấn, tăng 5,4% so với tháng 6/2023 và tăng 23,4% so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.418 USD/tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giá gạo xuất khẩu cũng đạt mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục lịch sử khi Ấn Độ và một số quốc gia khác cấm xuất khẩu mặt hàng này.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ngày 11/8 đã đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (20/7), giá gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử. Chỉ trong vòng 20 ngày, giá gạo xuất khẩu loại 5% và 25% tấm của nước ta lần lượt tăng lần lượt 19,7% và 20,5%. Việc cấm xuất khẩu của Ấn Độ đã tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất gạo Việt Nam tăng giá và mở rộng thị trường.
Mặc dù có sự giảm giá trong một số ngành nông nghiệp xuất khẩu như thủy sản và lâm sản, nhưng nhóm nông sản vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng tích cực trong tháng 7/2023. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng như rau quả, cà phê, gạo và chăn nuôi đã tăng mạnh, mang lại lợi ích kinh tế cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Bảo An
Theo Kinh tế và đồ uống