Sách giáo khoa (SGK) là vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu, giá sách giáo khoa có tác động lớn đến xã hội, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
Câu chuyện giá SGK “phi mã” đã bắt đầu từ năm ngoái với SGK lớp 1, giờ tiếp tục lặp lại với SGK lớp 2 và lớp 6.
Hiện nay có 7 nhà xuất bản (NXB) được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp phép xuất bản SGK: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm Hồ Chí Minh, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, NXB ĐH Quốc gia TPHCM, NXB ĐH Vinh, NXB ĐH Huế.
Và theo Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì việc lựa chọn SGK lại do UBND các tỉnh lựa chọn. Thời điểm này, nhiều địa phương đã chọn xong SGK cho năm học mới. Hiện nay, TPHCM đã công khai danh mục SGK được chọn trong năm học tới, đa số đều thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo (SGK lớp 2) của NXB Giáo dục Việt Nam.
Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phê duyệt danh mục gồm 32 SGK lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng SGK tự chọn môn Tiếng Anh; 40 SGK lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Như vậy, nếu tính cả SGK tiếng Anh, phụ huynh sẽ phải bỏ ra từ 399.000 đến 410.000 đồng/bộ - cao gấp hơn 3 lần so với giá SGK lớp 2 những năm học trước.
Nhà xuất bản nói gì?
Lý giải về mức giá của các bộ SGK mới do đơn vị biên soạn được phê duyệt sử dụng trong chương trình phổ thông, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, để xây dựng giá bán cho các bộ SGK mới này, đơn vị đã thực hiện các bước theo quy định hiện hành của Luật Giá. Giá bán các bộ SGK được hình thành từ các yếu tố cấu thành cơ bản như số cuốn trong bộ SGK; chi phí tổ chức bản thảo; chi phí vật tư, công in; chi phí lưu thông, bán hàng; tích hợp công nghệ 4.0; nguồn vốn biên soạn SGK.
Về chi phí tổ chức bản thảo, bao gồm chi phí nhuận bút (thực hiện theo Nghị định số 18/2014/NĐ-CP năm 2014 quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản); chi phí biên tập, thiết kế, minh hoạ, chế bản, đọc góp ý, thẩm định đề cương chi tiết, bài mẫu, bản thảo; chi phí dạy thực nghiệm..., trước đây, Nhà nước bao cấp một số nội dung trong công tác biên soạn, in ấn, kể cả phát hành, nay thực hiện xã hội hóa thì NXB phải trả nhuận bút cho tác giả, khâu đọc thẩm định bản thảo, tập huấn. Biên soạn bộ sách theo chương trình giáo dục mới thì số lượng đầu sách tăng hơn nên tất yếu tổng chi phí tăng.
Bên cạnh đó, theo NXB Giáo dục Việt Nam, SGK mới được thực hiện in ấn công phu, với khổ sách lớn hơn (19x26,5 cm) theo định hướng phát triển năng lực học sinh với việc tăng cường kênh hình, hình ảnh hoá nội dung với hệ thống hình ảnh minh họa phong phú, hấp dẫn. Chất lượng giấy và yêu cầu kĩ thuật in được nâng lên nhằm đảm bảo chất lượng hình ảnh…
Rà soát Luật đề bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá
Về phía Bộ GD&ĐT, thời gian qua Bộ đã có nhiều công văn yêu cầu các NXB tiết giảm chi phí sản xuất. Qua nhiều lần các NXB kê khai giá với Bộ Tài chính thì giá các bộ sách cũng đã giảm so với giá bìa kê khai ban đầu.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các NXB thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành sách giáo khoa để giảm giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới năm học 2021-2022.
Kết quả, đã có 3 lần các NXB kê khai lại giá SGK, trong đó điều chỉnh giá giảm từ 3,3-9% đối với sách lớp 2 và 2,4-9% đối với sách lớp 6.
Bộ Tài chính cho biết về số học thì giá bộ SGK mới (179.000-203.000 đồng/bộ sách lớp 2, 234.000-259.000 đồng/bộ sách lớp 6) cao hơn giá bộ sách cũ (53.000 đồng/bộ sách lớp 2, 99.000 đồng/bộ sách lớp 6). Khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ.
Số lượng cuốn SGK trong bộ SGK mới (từ 10-13 cuốn) cao hơn số lượng cuốn sách trong bộ SGK cũ (6-11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới tất cả 4 màu), khổ sách rộng hơn (sách cũ 14x24 cm, sách mới 19x26,5 cm).
Theo quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá SGK do các NXB tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán, thực hiện kê khai giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức triển khai bộ sách giáo khoa mới theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
SGK là vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu, giá SGK có tác động lớn đến xã hội, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về giá SGK, Bộ Tài chính đang rà soát đánh giá tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá; trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá trong trường hợp cần thiết.
Thiệt thòi nhất vẫn là phụ huynh, học sinh
Tại nhiều quốc gia, SGK là mặt hàng được Nhà nước trợ giá nên giá rất rẻ, thậm chí còn được phát miễn phí.
Thực tế, tại Việt Nam, việc triển khai SGK mới có giá tăng cao hơn SGK cũ như vậy đã ảnh hưởng tới học sinh, đặc biệt những học sinh vùng khó khăn.
Quan trọng hơn, việc tăng giá sách có giúp nâng chất lượng sách, chất lượng giảng dạy hay không còn là câu hỏi lớn – nhiều phụ huynh cùng có ý kiến này. Và cuối cùng, những người chịu thiệt thòi nhất vẫn là phụ huynh, học sinh.
Điều cần thiết nhất trong câu chuyện này là Bộ GD&ĐT cần phải tăng cường các biện pháp để bảo đảm chất lượng một cách công khai, minh bạch, thông qua các hội đồng thẩm định về nguồn lực, nhân lực để xây dựng các bộ SGK có chất lượng.
Ngành giáo dục cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để lập lại trật tự về giá SGK, làm sao cho tất cả các em học sinh đều có thể có cơ hội được tiếp cận với bộ SGK tốt nhất với giá chi trả phải chăng nhất, vì mục tiêu xây dựng một nền giáo dục phát triển.
Nhật Nam
Theo VGP News