Sự kiện hot
11 năm trước

Giá sữa “lên đồng”, “thị trường ngầm” lên đời

Dù liên Bộ Tài chính - Công Thương vào cuộc thanh tra 5 hãng sữa chiếm thị phần lớn trong nước song giá sữa vẫn không có dấu hiệu giảm. Bản thân những chủ cửa hàng sữa cũng tỏ ra bức xúc vì việc sữa tăng giá đã khiến họ bị thiệt hại về doanh số do sức mua giảm. Trong khi đó, thị trường sữa xách tay lại được thể lũng đoạn.


Người tiêu dùng chuyển sang dùng hàng sữa xách tay vì giá sữa chính hãng lên cao. Ảnh: QT.

Phát khiếp giá hàng chính hãng

Chủ một cửa hàng sữa tại phố Hàng Giầy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc: “Giá sữa tăng từ khâu nào chứ chúng tôi đâu có muốn. Cả nửa tháng nay sức mua đã giảm hẳn. Cũng lạ, thị trường ảm đạm, chẳng ai mua mà giá sữa cứ tăng ầm ầm”.

Theo chủ cửa hàng này: “Giá sữa mà cửa hàng nhập về trong một tháng gần đây cứ tăng theo từng ngày. Trung bình các hãng đều tăng giá khoảng 10%, sau một lần tăng là thêm một lần doanh thu cửa hàng bị giảm sâu”. Hiện tại ở đây, sữa Nestle với dòng sữa Nan pro 400g có giá 235.000 đồng/hộp, loại 800g có giá 415.000 đồng/hộp… Tuy nhiên nhân viên bán hàng cho biết, đây chưa phải là bảng giá mới nhất được cập nhật, khi tính giá thực tế bán thì phải cộng thêm khoảng 10% nữa.

Không chỉ ở Hàng Giầy, tại một số đại lý, cửa hàng sữa khác, sức mua cũng ảm đạm không kém. Một chủ đại lý sữa trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) chia sẻ thông tin: “Việc mua bán diễn ra ảm đạm lắm. Sữa Nutifood tăng giá 11%, còn sữa nhập ngoại như MeadJohnson có mức tăng 5-6%”. Nói về nguyên nhân tăng giá, các chủ đại lý đều phủ nhận việc mình tự ý tăng. Theo họ, nhà phân phối tăng giá thì giá bán lẻ cũng chỉ biết điều chỉnh tăng theo. Cứ đà này, người tiêu dùng sẽ tẩy chay sữa nhập ngoại.

Giá sữa “lên đồng” khiến người tiêu dùng bắt đầu “nản” với mặt hàng này. Không chỉ những đại lý ở phố, mà tại siêu thị BigC, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều khách hàng đã rất thờ ơ với sữa nhập ngoại, họ dần chuyển sang dùng sữa nội. Vì thế, trong khi gian hàng bán sữa nội, sữa tươi tấp nập khách hàng thì gian hàng bán sữa nhập ngoại khá vắng vẻ.

“Thị trường ngầm” loại gì cũng có

Tại Hà Nội, trên các tuyến phố Tây Sơn, Hàng Buồm, Cầu Giấy, Thái Hà... tại các cửa hàng sữa đều có hàng chục loại sữa xách tay được giới thiệu có xuất xứ từ các thị trường khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nga, Đức, Mỹ, Hà Lan... Thờ ơ với những hệ thống đại lý cửa hàng sữa được phân phối chính hãng, người tiêu dùng quay sang tìm sữa xách tay và cũng không hề khó chút nào để tìm thấy một loạt shop sữa xách tay online.

"Cửa hàng tôi có mối chuyển sữa từ nước ngoài về nên yên tâm, đảm bảo không có hàng giả", chủ một cửa hàng trên phố Nguyễn Như Đổ nói. Chủ cửa hàng vừa nói dứt lời thì một chiếc xe tải đỗ xịch ngay cổng đại lý này. Ngay sau đó, hàng chục hộp sữa được đóng kín không để lộ nhãn mác nhanh chóng được chuyển vào kho. Chủ hàng tiết lộ: “Sữa từ Pháp vừa về đấy”. Theo quan sát của chúng tôi, nếu cùng nhãn mác, một số loại sữa xách tay như Meiji, XO, Morigana... có giá tương đương với hàng nhập chính ngạch.

“Hiện nay, dòng sữa Lactel Eveil xuất xứ từ Pháp, hộp 900g rất hút khách. Dòng sữa này được quảng cáo giúp tăng chiều cao cho trẻ. Giá bán cũng chỉ 450.000 đồng/hộp, tương đương với giá sữa phân phối chính hãng của một số dòng sữa ngoại quen thuộc, nhưng đây là sữa sản xuất ở Pháp nên có lẽ chất lượng sẽ tốt hơn”, chị Nguyễn Thị Kim Lành ở khu tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, cho biết.

"Sữa xách tay được sản xuất theo tiêu chuẩn dành cho trẻ em nước ngoài nên tốt và thời điểm này nó có đắt hơn sữa chính hãng là bao. Chính vì thế, cùng một nhà sản xuất nhưng sữa xách tay được nhiều người tin dùng hơn", chị Hoàng Thúy Hạnh ở Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, lý giải việc chuyển sang dòng sữa xách tay cho đứa con chuẩn bị lên 3 tuổi của mình.

Chưa bao giờ các website bán hàng sữa lại sôi động, phong phú như hiện nay với khá nhiều thương hiệu như: Sữa Pháp xách tay hiệu U tout petits 900g (dành cho trẻ từ 10 tháng đến 3 tuổi), sữa Enfagrow Older Toddler số 2 của MeadJohnson, sữa Aptamil  (600g) của Anh, sữa dê Vitacare 1 xách tay của Nga… Kèm theo hình ảnh sản phẩm là những dòng hướng dẫn sử dụng, công thức gồm các thành phần gì, chức năng của sản phẩm… Là hàng xách tay nên toàn bộ mặt hàng này đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Do đó, ngay về cách sử dụng, bảo quản, người tiêu dùng đa số làm theo hướng dẫn của người bán hoặc tham khảo trên mạng. Tuy có trở ngại về vấn đề ngôn ngữ, nhưng trước việc giá sữa chính hãng tăng phi mã, rất nhiều bà mẹ đã chọn mặt hàng sữa xách tay cho con mình.

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết, liên bộ Tài chính- Công Thương đã họp và quyết định thành lập 5 đoàn thanh tra với 5 doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn nhất là Meadjohnson, Nestle, Công ty CP Sữa Việt Nam, Frieslandcampina, Công ty CP Dinh dưỡng 3A, nhằm làm rõ việc tuân thủ quy định quản lý giá của doanh nghiệp. Trong khi chờ cơ quan chức năng ra tay “dẹp loạn”, người tiêu dùng đã “ra tay” trước khi quay sang dùng sữa xách tay. Đây cũng là một mối lo khi mặt hàng này đang được thả nổi về chất lượng và giá cả.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một trong những nước có giá sữa cao nhất thế giới. Giá sữa bán lẻ tại nước ta trung bình 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc là 1,1 USD/lít, Ấn Độ 0,5 USD/lít, các nước Âu- Mỹ từ 0,5- 0,9 USD/lít. Giá sữa Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan.

Quang Thành
theo GĐ&XH

Từ khóa: