Sự kiện hot
9 năm trước

Giá thép tăng: Người dân "đứng ngồi không yên"

Giá thép tăng mạnh khiến người dân xây nhà và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đứng ngồi không yên.

Giá thép vẫn cao ngất ngưởng

Mới đây, Bộ Công thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép, thép dài nhập khẩu vào VN, nhằm bảo vệ, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước giải quyết đầu ra.

Tuy nhiên, trong thời gian qua giá thép trên thị trường liên tục tăng đã gây khó cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Theo các chuyên gia xây dựng, thường những tháng giữa năm nhu cầu xây dựng của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh do lúc này đang bước vào mùa nắng. Nhu cầu xây dựng tăng cộng với việc găm hàng trước ngày áp thuế đã khiến giá thép trên thị trường tăng cao. Nếu như cách đây không lâu, giá thép chỉ khoảng 10,3 - 10,7 triệu đồng/tấn thì sau khi thông tin áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào VN được công bố, giá thép đã tăng vọt lên 12,4 - 12,6 triệu đồng/tấn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc giá thép tăng mạnh khiến người dân xây nhà và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đứng ngồi không yên.

Tin tức trên báo Kiến thức, giá thép bất chợt tăng cao ngất ngưởng suốt vài tuần nay, khiến người tiêu dùng choáng váng. Đến thời điểm này, tuy đã ổn định hơn nhưng giá vật liệu này vẫn đang ở mức cao ngất.

Cách đây 1 tháng, giá thép chỉ khoảng 10,3 - 10,7 triệu đồng/tấn nhưng khi thông tin áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào VN được công bố, giá thép trong nước đã tăng vọt lên 12,4 - 12,6 triệu đồng/tấn. Trước tình trạng này, nếu một ngôi nhà xây cần 8 tấn thép, với mức tăng hơn 2 triệu đồng/tấn thì khoản tiền xây nhà của người dân nhất định bị tăng lên trên dưới 20 triệu đồng.

Chị Thơ, quản lý công ty TNHH Thép Việt Ý trên đường Trung Yên, Yên Hòa, Cầu giấy, Hà Nội cho biết: “Thời điểm giá thép lên cao thất thường như hai tuần trước khiến nhiều người vô cùng lo lắng. So với cách đây 1 tháng, mỗi cây thép bây giờ tăng từ 2.000 đồng đến 2.500 đồng/cây.

Mặc dù mỗi lần điều chỉnh giá chỉ vài nghìn đồng/kg nhưng nếu người ta mua hàng chục tấn thì đó là một con số rất đáng kể. Nhiều chủ dự án xây nhà than vãn với chúng tôi, có người còn đặt tiền sẵn rồi nhưng bảo chờ giá thép hạ mới lấy hàng. Đỉnh điểm có lần trong một ngày mà chúng tôi nhận thông báo tăng giá thép hai lần khiến nhân viên bán hàng cũng chóng mặt. Tuy nhiên đến tuần này thì giá thép đã ổn định hơn mặc dù không có dấu hiệu giảm giá”.

 


Giá thép tăng mạnh khiến người dân xây nhà và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đứng ngồi không yên. (Ảnh minh họa)

 

Theo số liệu báo giá thép hiện tại của công ty TNHH Thép Việt Ý Thép cuộn phi 6 - 8 giá 12.400 đồng/kg, thép cây phi 10 giá 77,900 đồng/cây, thép phi 12 giá 124.000 đồng/cây, thép phi 14 giá 169.000 đồng/cây, thép phi 16 213.000 đồng/cây, thép phi 18 giá 279.000 đồng/cây, thép phi 20 giá 345.000 đồng/cây... Với mức giá này, mỗi loại thép đã tăng ít nhất 2.000 đồng so với một tháng trước.

Đến thời điểm này, tuy giá thép đã tạm dừng tăng nhưng vẫn đang ở mức cao ngất so với năm ngoái. Anh Tuấn, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Tuấn Bích trên đường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Dù hai, ba hôm nay giá thép đã chững lại không tăng lên nữa song cũng không giảm xuống. Giá thép cây bán tại cửa hàng chúng tôi đạt mức 12.500 đồng/kg so với cuối năm ngoái thì đây là một mức giá khá cao".

“Tất cả đổ lên đầu người dân”

Báo Thanh niên đưa tin, lãnh đạo một nhà thầu xây dựng lớn tại TP.HCM nói rằng giá thép tăng đột ngột ảnh hưởng đến chi phí giá vốn của nhà thầu, vỡ kế hoạch kinh doanh, gây lỗ nặng. Giá tăng đột ngột dẫn đến tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường thép, tạo sự khan hiếm trên thị trường. Thực tế, việc mua thép rất khó khăn, dẫn đến trễ tiến độ thi công, phát sinh chi phí kéo dài tiến độ và bị chủ đầu tư phạt do trễ tiến độ. Hiện nay đơn vị này đang làm thầu thi công hàng chục dự án, nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Giá hợp đồng với chủ đầu tư đã ký, nhưng giá thép tăng dẫn đến tăng chi phí giá vốn. Chưa kể mua thép khó khăn dẫn đến trễ tiến độ, phát sinh chi phí do chậm tiến độ, khiến doanh nghiệp lỗ nặng”, vị này cho biết.

Một trong các giải pháp nhà thầu này đưa ra là với các dự án đang dự thầu bắt buộc phải tăng giá. Tuy nhiên, do tình trạng đầu cơ, đẩy giá thép tăng không có điểm dừng dẫn đến việc nhà thầu không thể xác định giá dự thầu tăng bao nhiêu là hợp lý. “Tình trạng tăng giá này không được nhà nước thông báo trước thì làm sao doanh nghiệp có sự chuẩn bị được. Nhà thầu cũng trở tay không kịp, không kịp chuẩn bị, ứng phó khi không biết điểm dừng của việc tăng giá thép này? Chưa kể thép là mặt hàng cần phải có kho bãi lớn để dự trữ. Một nhà thầu mỗi năm có thể sử dụng đến 100.000 tấn thép thì kho bãi nào chứa cho đủ? Đề nghị ổn định giá thép, ổn định thị trường xây dựng, tránh đầu cơ trục lợi. Đề nghị xem lại chính sách tăng thuế nhập khẩu phôi thép”, vị này kiến nghị.

Ông Lâm Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Quang Huy cho biết: "Là nhà thầu xây lắp, chúng tôi theo dõi diễn biến giá thép hàng ngày. Những biến động dữ dội của giá thép trong những ngày vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến nhà thầu xây dựng. Trong các gói thầu xây lắp, chi phí cho vật liệu xây dựng đã chiếm 70% toàn bộ chi phí công trình. Giá thép tăng, nhà thầu phải gồng mình chống chọi, tìm cách vượt qua. Với những gói thầu đã ký hợp đồng trọn gói, đang thi công, chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn. Dự phòng của các gói thầu đều có nhưng không thể bù vào chi phí khi trượt giá do giá thép tăng quá cao diễn ra trong một thời gian ngắn.

Chúng tôi cũng như các nhà thầu xây lắp dân dụng, giao thông đang rất lao đao, đặc biệt là trong thi công các gói thầu trọn gói. Với diễn biến của giá thép hiện nay, với những gói thầu chuẩn bị đấu thầu, nhà thầu sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng khi tham gia, nhất là về cạnh tranh giá. Bên cạnh đó, việc xây dựng dự phòng phí trong các hồ sơ mời thầu cũng cần được các chủ đầu tư xác định chuẩn mực hơn."

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu nhận định giá thép tăng tác động đến giá thành, từ đó đẩy giá bán nhà tăng. Với mức giá thép tăng như hiện nay, giá nhà có thể tăng lên 5% và người mua nhà lãnh đủ. “Việc bảo hộ thép chỉ xảy ra khi ngành thép khốn đốn vì thép nhập, nhưng các doanh nghiệp thép năm qua lợi nhuận tăng nhiều. Nên giờ áp dụng chính sách này có lẽ chưa hợp lý. Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan quản lý ổn định giá thép, ổn định thị trường xây dựng, tránh hiện tượng găm hàng đầu cơ trục lợi như thời gian gần đây. Tất cả việc tăng giá này sẽ đổ lên đầu người dân”, ông Châu kiến nghị.

Ngọc Anh (tổng hợp)
theo ĐSPL

Từ khóa: