SSI Research điều chỉnh tăng doanh thu Hòa Phát năm 2017 lên 41.517 tỷ đồng (tăng 25% cùng kỳ) nhưng duy trì ước tính lợi nhuận 7.562 tỷ đồng (tăng 14,5% cùng kỳ) dựa trên giả định sản lượng tiêu thụ đạt 2,1 triệu tấn thép xây dựng và 0,6 triệu tấn ống thép.
Trong một bản tin liên quan tới giá thép, bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (RongViet Research) cho rằng các sự kiện đang diễn ra trên thị trường thép thế giới dự báo xu hướng tăng mạnh của giá thép trong tương lai.
Các chính sách tái cơ cấu ngành thép của Trung Quốc bằng quyết tâm cắt giảm dư cung thép và ngưng các nhà máy gây ô nhiễm môi trường và lực cầu dồi dào của nước này trong những tháng gần đây đã khiến giá phôi thanh và thép cán nóng thế giới tăng mạnh kể từ tháng 5. Các nguyên liệu thượng nguồn như quặng sắt, than cốc và thép phế cũng đang trong đà tăng tương đối vững chắc. Xu hướng giá ổn định theo hướng đi lên như hiện tại là điều kiện tốt để các nhà máy thép đạt tăng trưởng sản lượng cũng như duy trì biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 7, chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt hoạt động khai thác khoáng sản trong đó ra lệnh đóng cửa các mỏ chì không đủ tiêu chuẩn. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung than điện cực chì - một nguyên liệu dùng trong sản xuất thép bằng lò điện mặc dù có hệ số rất nhỏ 0,007 tấn/tấn thép nhưng cũng chiếm khoảng 10% giá thành sản xuất theo công nghệ EAF. Giá than điện cực chì đã tăng tới 4 lần trong Qúy II tại thị trường Trung Quốc.
Tại thị trường Việt Nam, Hiệp hội Thép cũng cho biết do khan hiếm nguồn cung nguyên liệu này mà các nhà máy EAF phải hạn chế sản lượng bán phôi thép ra thị trường, khiến giá phôi thanh trong nước bật tăng. VSA cũng dự báo giá phôi sẽ ở mức cao, lên tới 10,7 triệu đồng/tấn, tương đương với giá thép thành phẩm. Thậm chí thiếu than điện cực trong thời gian dài sẽ dẫn tới khả năng gián đoạn hoạt động. Thị trường thép sẽ thiếu hụt nguồn cung phôi và thép thành phẩm, đặc biệt là khu vực phía nam khi hầu hết các nhà máy thép đều sử dụng công nghệ EAF này.
Về phía lực cầu, RongViet Research cho rằng nhu cầu thép xây dựng vẫn đang diễn biến theo hướng tích cực. Tổng tiêu thụ của các thành viên VSA tháng 7 đạt hơn 900.000 tấn, cao thứ hai trong vòng 3 năm gần đây, chỉ thấp hơn tháng 3/2016 khi thuế CBPG phôi thép và thép xây dựng bắt đầu có hiệu lực. Cũng theo Hiệp hội Thép, trong tháng 7 các nhà máy thép đã tăng giá 3 - 4 lần với mức tăng từ 6,7 - 8,2% chỉ trong vòng một tháng. Trong điều kiện giá phôi thép đang bật tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 8, giá thép được dự báo vẫn có thể tăng mạnh hơn nữa.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) với chỉ 17% lượng thép sản xuất bằng công nghệ EAF sẽ ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc thiếu nguồn cung than điện cực, RongViet Research đánh giá. Ngược lại, với lợi thế sản xuất thép bằng công nghệ BOF trong khi giá quặng sắt và than cốc diễn biến ổn định, Hòa Phát có khả năng đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường để giành thị phần từ các nhà sản xuất đang hạn chế bán ra. Trong tháng 7, Hòa Phát đã tiêu thụ 209.000 tấn thép xây dựng, tăng mạnh 50% so với cùng kỳ.
Cùng quan điểm này, bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) kỳ vọng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2017 của Hòa Phát sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ từ giá thép trong thời gian gần đây.
SSI Research điều chỉnh tăng doanh thu Hòa Phát năm 2017 lên 41.517 tỷ đồng (tăng 25% cùng kỳ) nhưng duy trì ước tính lợi nhuận 7.562 tỷ đồng (tăng 14,5% cùng kỳ), dựa trên giả định sản lượng tiêu thụ đạt 2,1 triệu tấn thép xây dựng và 0,6 triệu tấn ống thép.
Khánh Linh
Theo KTTD, Vietnambiz