Theo TS.Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế thì người chăn nuôi vừa trải qua một cuộc bể dâu. Vậy nên, giá thịt lợn tăng những ngày qua sẽ dẫn đến nhu cầu tái đàn
Giá thịt lợn tăng, tín hiệu mừng cho ngành chăn nuôi
Những ngày qua, giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Bắc Kạn, Cao bằng,... đều giữ nguyên mức dao động từ 40.000 đồng đến 45.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Sóc Trăng,... mức giá dao động từ 43.000 đồng đến 45.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá lợn thịt tại các chợ ở Hà Nội cũng đã bắt đầu tăng mạnh.
Tại chợ Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chị Nguyễn Thị Lan, chủ một cửa hàng thị lợn cho biết, chỉ vài tuần trước, hầu hết các loại thịt chị bán dao động từ 60.000 – 65.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu tuần này, giá thịt lợn đã lên tới 80.000 – 85.000 đồng/kg, mức giá này tương đương với năm ngoái và chị Lan nhận định, giá thịt lợn sẽ còn được đẩy cao hơn trong thời gian tới.
“Hiện giờ, mua lợn hơi bắt đầu khó khăn rồi, vì bên Trung Quốc họ thu mua nhiều và người chăn nuôi bắt đầu bán buôn cho các thương lái. Các lò mổ cũng hạn chế và không còn mổ nhiều như trước nữa. Có thể, chỉ cuối tuần này thôi, thịt lợn sẽ chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg”, chị Lan cho biết.
Giá thịt lợn những ngày qua tại Hà Nội đang có xu hướng tăng mạnh.
Tại chợ Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), giá thịt lợn đang có chiều tăng mạnh kể từ sau khi cơn bão số 2 gây mưa lớn tại thủ đô Hà Nội. Theo chị Phạm Thu Trà, một người bán thịt lợn tại đây thì nếu cách đây hơn 1 tuần, giá thịt lợn còn dao động quanh mức 70.000 - 80.000 đồng/kg, thì ngay sau khi bão số 2 gây mưa lớn ở Hà Nội, giá thịt đã tăng lên 95.000 – 110.000 đồng/kg tùy loại.
“Nguyên nhân giá thịt tăng do mưa bão chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Nguyên nhân chính ở chỗ, thịt lợn giờ đã được Trung Quốc thu mua nên người chăn nuôi không còn lo ngại lợn ế ẩm như trước nữa. Giá lợn hơi cũng tăng cao, nếu khoảng hơn 1 tháng trước, giá lợn hơi chỉ quanh mức 20.000 đồng/kg thì hiện tại đã tăng gấp đôi lên hơn 40.000 đồng/kg”, chị Trà nói.
Không tăng mạnh như ngoài chợ, tại siêu thị Fivimart giá thịt lợn tăng nhẹ. Thịt ba chỉ 89.000 đồng/kg, nạc vai 90.000 đồng/kg, thịt mông 85.000 đồng/kg, nạc thăn 92.000 đồng/kg, sườn ngon 104.000 đồng/kg, sườn cục 56.000 đồng/kg. Tại một số siêu thị khác như Big C, Coop Mart… giá thịt lợn cũng tăng nhẹ ở mức từ 100.000 – 120.000 đồng/kg tùy loại.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh (Bạch Mai – Hai Bà Trưng – Hà Nội) thì giá thịt ở siêu thị tăng không đáng kể so với ngoài chợ. Bởi nhiều siêu thị, dù trước đó khi thịt lợn ngoài chợ xuống mức rất thấp chỉ khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg thì tại các siêu thị này vẫn giữ mức 80.000 – 100.000/kg. Vậy nên, thời điểm này giá thịt ngoài chợ tăng gấp đôi lên mức 80.000 – 100.000đồng/kg thì trong siêu thị chỉ “nhích” lên rất nhẹ.
Mặc dù giá thịt lợn đang trong đà tăng mạnh, nhưng nhiều nông dân cho biết họ vẫn không có lãi. Bởi trước đó, nhiều người đã phải “bán thốc bán tháo” hàng tấn thịt với giá chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, khi giá lợn đang phục hồi thì không còn nhiều lợn để bán. Nhiều người nông dân lại bắt đầu tái đàn để nhằm gỡ vốn vì tính ra, họ vẫn đang rất lỗ.
Đừng để người chăn nuôi trải qua thêm một 'cuộc bể dâu'
Dù giá thịt lợn đang tăng dần và đây một tín hiệu mừng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại rằng, khi người chăn nuôi thấy giá lợn tăng lại ồ ạt tái đàn và sau đó dẫn đến việc nguồn cung vượt cầu và thêm một lần nữa, chiến dịch “giải cứu lợn’ lại diễn ra.
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ (TS) Nguyễn Minh Phong cho rằng, giá thịt lợn tăng trở lại không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia cũng như của nhiều người quan tâm. Bởi theo nguyên tắc thị trường khi lượng cung gần cạn và cầu vẫn giữ nguyên hoặc tăng lên thì giá cả sẽ tăng lên. Đây chính là một trong những nguyên tắc “cung - cầu” của thị trường.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.
Theo TS. Phong, lý do giá thịt lợn tăng trở lại gắn liền với việc Trung Quốc đã mở cửa thị trường thu mua trở lại và các cơ quan chức năng nhà nước đang cố gắng thương lượng để có được những hợp đồng xuất khẩu chính ngạch. Theo đó, tất cả những điều này tạo cho cơ hội thị trường được khai mở và tạo cho giá thịt lợn được quay trở lại.
“Thế nhưng, ngay cả mức tăng giá hiện nay cũng chưa thực sự đáp ứng được quyền lợi của người chăn nuôi. Bởi vì theo những tính toán của người chăn nuôi thì mức giá hiện nay nó chỉ không lỗ chứ chưa phải là lãi”, TS. Phong nói.
Do đó, theo TS. Phong việc tăng giá này, trước hết chúng ta ghi nhận là một tín hiệu đáng mừng cho nền sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng nhất là ngành chăn nuôi lợn. Nhờ vào việc giá thịt lợn đang phục hồi này cho thấy chúng ta có thể tin tưởng hơn vào kì vọng thị trường thời gian tới. Tuy nhiên, với bài học vừa qua, việc lên kế hoạch, lập quy hoạch và xác định một chỗi liên kết đặc biệt khẳng định một đầu ra chắc chắn, ổn định là nhân tố khá quan trọng để duy trì đà tăng trưởng, vưỡng chắc của giá thịt lợn.
“Chúng ta cần tránh trường hợp người chăn nuôi lại phải giải cứu ngay sau đó. Đây là vấn đề quan trọng nhất, then chốt nhất. Muốn để không tái diễn điều này, cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa về mọi mặt chẳng hạn như khâu đột phá về năng lực ghiết mổ và chế biến thực phẩm trong đó có chế biến thịt lợn để tạo ra một thị trường đầu ra, cũng như tăng giá trị gia tăng của ngành chăn nuôi lợn”, TS. Phong nhấn mạnh.
Ngoài ra TS. Phong cũng lưu ý, khi người nông dân thấy giá thịt lợn lên nếu không có những nhắc nhở, cảnh báo, dự báo và đặc biệt người nông dân tiếp tục tự phát, bột phát chăn nuôi không có dự tính, định mức thì nguy cơ tái đàn cũng có thể trở lại và nó sẽ tạo ra một sự chênh lệch giữa “cung - cầu”. Khi đó, thịt lợn lại tiếp tục rơi vào bức tranh mất cân bằng như vùa rồi và cả xã hội lại lao vào cuộc chiến “giải cứu thịt lợn”. Rõ ràng đây là bài học cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và cần thực hiện một cách có bài bản.
Theo TS. Phong, để làm được những điều trên thì vai trò của Nhà nước và cơ quan chức năng rất quan trọng. Cùng với đó, việc quản lý đảm bảo chất lượng thịt lợn cũng như đáp ứng được nhu cầu cân bằng xuất khẩu, tiêu chuẩn của người dân về chất lượng là rất cần thiết. Bởi hiện nay, có một nghịch lý là thịt lợn thì nhiều nhưng người dân vẫn ít mua vì nó gắn liền với chất lượng thực phẩm. Người dân có nhu cầu sử dụng, thậm chí nhu cầu rất cao về sử dụng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, nghịch lý thịt lợn đang ế, đang thừa lại không phải là thịt lợn người dân mong muốn. Thế nên cũng cần lấy chất lượng đặt lên hàng đầu để giải bài toán này sao cho hợp lý.
Phương Nam
Theo VietQ