Sự kiện hot
10 năm trước

Giá USD bất ngờ "leo dốc," vẫn chưa cần điều chỉnh tỷ giá

Sau 2 tháng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định tăng thêm 1% tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng, thị trường ngoại tệ tuần qua đã chứng kiến pha “leo dốc” bất ngờ nhất của đồng USD đối với VND, giá bán ra thậm chí lên mức 21.520 đồng vào chiều ngày 16/3.


Ảnh minh họa. (Ảnh: Kiều Khanh/Vietnam+)

Tăng mạnh nhất là giá USD tại Vietcombank, giá USD mua vào tại ngân hàng này là 21.460 đồng/USD và bán ra đã lên mức 21.520 đồng/USD. Mức giá này đã tăng tổng cộng 115 đồng ở cả hai chiều so với đầu giờ sáng.

Tại các ngân hàng khác, giá USD cũng liên tục được điều chỉnh tăng mạnh. Tại VietinBank gía mua vào, bán ra cũng được niêm yết ở mức 21.450-21.510 đồng/USD. Tại Techcombank, giá USD bán ra đã chạm ngưỡng 21.500 đồng/USD. Đáng chú ý, trong ngày 16/3, ngân hàng này đã 6 lần điều chỉnh tăng giá USD, tổng cộng tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra kể từ khi mở cửa đầu ngày cho đến cuối ngày.

Tương tự, tại Eximbank cũng niêm yết ở mức 21.500 đồng/USD. Giá USD tại đây đã liên tục được điều chỉnh tăng kể từ khi mở cửa, tổng cộng trong ngày hôm nay ngân hàng này đã 10 lần điều chỉnh tăng với mức tăng tổng cộng 80 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra.

Đáng chú ý, chênh lệch giữa giá mua vào với bán ra liên tục được các ngân hàng nới rộng, thậm chí lên tới 80 đồng, trong khi đó, chênh lệch này phổ biến chỉ từ 40-50 đồng ở các phiên trước. Điều đó cho thấy dấu hiệu bất thường của thị trường ngoại hối trong nước.

Đến đầu giờ sáng ngày 17/3, giá USD của Vietcombank đã giảm nhẹ 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra tương ứng với mức 21.440-21500 đồng/USD. Còn tại các ngân hàng khác, giá USD vẫn giữ nguyên so với giá chốt chiều qua.

Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, giá USD có dấu hiệu tăng từ cuối tuần trước nhưng giá USD trong ngân hàng chỉ tăng mạnh khoảng hai ngày đầu tuần. Đây là đợt "nổi sóng" thứ hai của tỷ giá từ đầu năm đến nay. Đợt một là ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng tỷ giá thêm 1%, thì ngày 7/1 giá giao dịch thực tế trên thị trường xoay quanh mức phổ biến mức 21.450-21.460 đồng/USD.

Sau đó một ngày, các ngân hàng thương mại đã ngay lập tức rút giá giao dịch USD xuống mức thấp hơn 70-100 đồng và giữ ổn định, không có sự biến động đáng kể nào cho đến cuối tuần qua.

Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giãn rộng đến 5,4 triệu đồng/lượng, góp phần đẩy giá USD tự do lên cao. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết hiện chỉ 29,9 triệu đồng/lượng có thể là nguyên nhân kích thích nhu cầu gom USD nhập vàng theo đường tiểu ngạch.

Bên cạnh đó, chuyên gia Cao Sỹ Kiêm chỉ ra là xuất nhập khẩu những ngày đầu năm có dấu hiệu khởi sắc nên nhiều doanh nghiệp đã vay USD để thanh toán hợp đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng găm ngoại tệ không bán ra cho ngân hàng.

Một nguyên nhân được lãnh đạo ngân hàng thương mại thừa nhận là khi người dân thấy giá ngoài thị trường tự do lên cao sẽ “thờ ơ” bán USD cho ngân hàng, buộc ngân hàng phải đẩy giá lên để kéo khách.

Từ đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định năm nay sẽ điều chỉnh tỷ giá linh hoạt nhưng biên độ điều chỉnh sẽ không quá 2%. Mặc dù tỷ giá có nổi sóng trở lại nhưng các chuyên gia vẫn nhận định khó có đợt điều chỉnh tại thời điểm hiện nay.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng tỷ giá tăng trong mấy ngày qua là phản ứng của thị trường khi đồng USD mạnh lên chứ không xuất phát từ nhu cầu thị trường. Thời điểm này chưa cho thấy sự tăng lên về nhu cầu ngoại tệ của thị trường, doanh nghiệp. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước vừa mới điều chỉnh tỷ giá khoảng 2 tháng nên không có lý do gì để điều chỉnh nốt 1% trong thời điểm này.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, tỷ giá tăng chưa phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng cần phải quan tâm. Ông Hiếu cũng nhấn mạnh bây giờ chưa cần phải điều chỉnh tỷ giá vì lúc này chưa có đột biến nào trên thị trường ngoại hối, tỷ giá vẫn chỉ tăng trong khuôn khổ +/-1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Ông Hiếu lưu ý, áp lực tỷ giá đang ngày càng nhiều bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam đang quay trở lại xu hướng nhập siêu. Nếu áp lực lớn làm chênh lệch cung cầu về ngoại tệ nhiều hơn thì Ngân hàng Nhà nước cũng nên linh hoạt điều chỉnh so với kế hoạch đã đưa ra.

Thúy Hà
theo Vietnam+

Từ khóa: