Sáng ngày 25/2, giá vàng đột ngột giảm hơn 1 triệu đồng/lượng về mức 49,7 triệu đồng/lượng, sau khi liên tục lập kỷ lục mới. Trước những diễn biến khó lường của giá vàng, đây có thể cơ hội nhưng cũng có thể là cái bẫy với nhà đầu tư.
Chênh lệch giá vàng doãng rộng - đẩy rủi ro về phía khách hàng
Sáng ngày 25/2, giá vàng trong nước đã giảm mạnh so với chiều ngày hôm qua, nhưng chênh lệch giá vàng mua - bán vẫn rất lớn.
Lúc 10h25 giá vàng niêm yết tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji giảm xuống mức 46,500 - 47,300 triệu đồng/lượng, giảm 1,9 triệu đồng/lượng bán ra so với cuối phiên chiều ngày hôm qua.
Giá vàng SJC đang niêm yết ở mức 46,700 - 47,720 triệu đồng/lượng, cũng giảm mạnh khoảng 1,4 triệu đồng/lượng so với phiên chiều hôm qua.
Chênh lệch mua - bán giá vàng đã được thu hẹp so với ngày hôm qua, tuy nhiên vẫn ở mức cao từ 800 - 1 triệu đồng/lượng. Với khoảng cách này, nhà vàng đã đẩy rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ có nhu cầu lướt sóng vàng.
Chỉ trong vòng một ngày hôm qua từ đầu phiên buổi sáng tới cuối phiên chiều giá vàng đã tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Theo chia sẻ của đại diện truyền thông Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, nhu cầu mua vàng của người dân thời điểm này cao hơn nhiều so với nhu cầu bán lại. Riêng trong ngày 24/2, toàn hệ thống của Doji đã bán ra hơn 3.500 lượng vàng bao gồm cả SJC và nữ trang.
Chia sẻ thêm, đại diện Doji cho biết, trong khi lượng vàng mua vào ngày hôm qua hầu như không có nên Doji phải đặt doãng biện độ giữa mua vào và bán ra.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, khoảng cách giá vàng mua - bán 500 nghìn đồng/lượng là giới hạn của rủi ro. Còn với khoảng cách từ 1 triệu - 2 triệu đồng như hiện nay là rất rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư lướt sóng. Việc để chênh lệch giá vàng mua và bán quá lớn là một cách để "nhà vàng" đẩy rủi ro sang cho người mua.
Vàng có hiện tượng "sốt ảo"
Phân tích nguyên nhân tăng giá vàng ở thời điểm hiện tại, ông Hiếu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc vàng được ưa chuộng ở thời điểm hiện tại như bất ổn chính trị ở các nước Trung Đông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay việc Anh chính thức dời EU. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu lúc này đẩy giá vàng lên cao vẫn là do dịch cúm Covid-19 lan rộng, lo ngại về nguy cơ dẫn tới khủng hoảng toàn cầu khiến các nhà đầu tư truyền thống tìm tới vàng như một kênh trú ẩn an toàn để đầu tư.
"Họ rút tiền từ chứng khoán và các hoạt động khác để đầu tư vào vàng - là tài sản an toàn lâu đời nhất trong lịch sử loài người. Cùng với đó vàng lại có lợi thế ưu việt có thể chia nhỏ khi cần mua hoặc bán", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, bên cạnh những nhà đầu tư chân chính tìm tới vàng như một kênh đầu tư an toàn thì cũng có yếu tố đầu cơ đẩy giá. "Họ đang thổi giá vàng cả trên thế giới và ở Việt Nam để trục lợi khi vàng tăng nóng như hiện nay".
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trong thời gian tới, ông Hiếu nhấn mạnh, nhà đầu tư không nên có tư duy "ăn xổi" và cũng không nên chọn cách "bỏ trứng vào chung một giỏ" vì như vậy sẽ rất rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn khoảng cách giá mua-bán quá lớn như hiện nay.
Ông Hiếu lưu ý nhà đầu tư nên sát sao thông tin liên quan tới dịch bệnh. Nếu đến thời điểm cuối tháng 3 dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì sẽ rất khó đoán giá vàng có thể tăng tới bao nhiêu, nhưng mốc 50 triệu đồng/lượng là không xa. Còn nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát đến tháng 6 thì có thể dẫn tới khủng hoảng. Ở chiều ngược lại, nếu cuối tháng 3 dịch bệnh được kiểm soát thì giá vàng có thể sẽ quay lại ổn định ở mức giá 45 triệu đồng/lượng.
Theo ông Hiếu, việc lựa chọn vàng như một kênh đầu tư an toàn, sinh lời là hoàn toàn chính đáng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần xác định khoảng thời gian nắm giữ phải khoảng từ 3-6 tháng. Vì vậy, nhà đầu tư không nên dùng tiền từ quỹ lương hưu hay cắt bớt chi phí từ các khoản đầu tư thường xuyên để đầu tư vào vàng, như vậy sẽ rất rủi ro và ảnh hưởng tới đời sống.
Đình Vũ
Theo Nhà đầu tư