Sức mua trên thị trường giảm đáng kể nhưng vàng trong nước vẫn giao dịch ở mức cao, 57 triệu đồng/lượng; giá vàng thế giới ổn định trên ngưỡng 1.800 USD.
Tại thị trường trong nước, mở cửa thị trường vàng ngày 26/7, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức 56,8 triệu đồng/lượng - 57,55 triệu đồng/lượng. SJC Hà Nội niêm yết ở mức: 56,8 triệu đồng/lượng - 57,47 triệu đồng/lượng.
Vàng điều chỉnh tăng trong các phiên sau đó. Ngày 27/7, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji 56,70 triệu đồng/lượng - 57,70 triệu đồng/lượng, SJC Hà Nội có mức giá 56,60 triệu đồng/lượng - 57,32 triệu đồng/lượng.
Ngày 29/7, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji ở mức 56,50 triệu đồng/lượng - 57,90 triệu đồng/lượng. Còn SJC niêm yết ở mức 56,65 triệu đồng/lượng - 57,37 triệu đồng/lượng.
Phiên ngày 30/7, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji 56,50 triệu đồng/lượng - 57,95 triệu đồng/lượng tại Hà Nội. Còn SJC niêm yết ở mức 56,70 triệu đồng/lượng - 57,42 triệu đồng/lượng.
Còn tại PNJ, tính đến 7 giờ ngày 1/8, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ở cả 4 khu vực TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội ở mức giá 56.55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.25 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng miếng PNJ ở cả 4 khu vực TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội ở mức giá 51.30 - 52.70 triệu đồng/lượng ở 2 chiều mua và bán.
Trong nước, thị trường vàng bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM ngừng hoạt động theo các quy định đang được thực thi nhằm chống lại sự lây lan của virus Sars-CoV-2. Một số doanh nghiệp kim hoàn lớn tại Hà Nội cho biết đã ngừng hoàn toàn giao dịch và chỉ trực điện thoại để tư vấn khách hàng. Website của một số đơn vị có cập nhật giá vàng nhưng chỉ để tham khảo.
Trên thị trường thế giới,đầu ngày 1/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang đứng mức 1.813 – 1.814 USD/ounce, giảm khoảng 16 USD mỗi ounce so phiên liền trước. Trong 24 giờ trước khi chốt phiên cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch thấp nhất tại mức 1.809 USD/ounce và cao nhất là 1.832 USD/ounce.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng vọt sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục và chưa thay đổi các chương trình mua trái phiếu, bơm tiền vào nền kinh tế.
Vàng tăng mạnh sau khi Mỹ công bố tăng trưởng kinh tế quý II chỉ ở mức 6,5%, thấp hơn so với kỳ vọng 8,5%. Tăng trưởng trong quý I cũng được điều chỉnh giảm từ mức 6,4% trong tính toán trước đó xuống 6,3%.
Vàng giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết giờ chưa phải thời điểm mà Fed có thể bắt đầu giảm bớt chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng.
Hôm thứ năm, giá vàng đã trải qua phiên tăng giá mạnh nhất của vàng kể từ hôm 6/5 và là mức giá đóng cửa cao nhất của kim loại quý này kể từ hôm 16/6, theo dữ liệu từ FactSet.
Dù vậy, kim loại quý này sau đó đã giảm nhẹ xuống dưới ngưỡng 1.820 USD/ounce do tâm lý chốt lời của các nhà đầu tư.
Đồng USD hồi phục, khiến sức ép giảm giá đối với kim loại quý xuất hiện trở lại. Chỉ số Dollar Index chốt phiên với mức tăng gần 0,3%, đạt gần 92,1 điểm, từ mức dưới 92 điểm trong phiên trước đó.
Tuy nhiên, chỉ số Dollar Index vẫn giảm gần 0,9% trong tuần này, giúp giá vàng tăng khoảng 0,8% trong cả tuần.
Theo một số nhà phân tích, sự bất ổn ngày càng gia tăng trong chính sách tiền tệ, lạm phát và nguy cơ biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Ánh Tuyết
Theo KTDU